Tái cơ cấu phải chấp nhận trả giá
Trái ngọt từ tái cơ cấu | |
Tiếp tục quyết liệt tái cơ cấu ngân hàng | |
Tín dụng thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp |
Chưa đạt kỳ vọng
Công cuộc Đổi mới Mô hình tăng trưởng được khởi động 5 năm trước đây phần nào gợi nhớ đến tư duy đổi mới năm 1986 vì cả hai đều được nhìn nhận là mang tính “sống còn”, phải “nhìn thẳng vào sự thật và nói sự thật” và quyết tâm hành động quyết liệt. Với cách tiếp cận đó và với kinh nghiệm thành công mà công cuộc đổi mới (năm 1986) mang lại, tưởng rằng tái cơ cấu (TCC) lần này sẽ không mất nhiều thời gian để gặt hái được những kết quả như mục tiêu đề ra.
Nhà nước cần rút khỏi kinh doanh để lấy nguồn lực đầu tư vào phát triển hạ tầng |
Tuy nhiên, thực tế khác xa như vậy và 5 năm vừa qua là 5 năm vật lộn với TCC, cũng là 5 năm khó khăn nhất của 30 năm đổi mới. Đây là đánh giá tổng quan được PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016 – Thách thức TCC và Triển vọng diễn ra tại Hà Nội ngày 12/10/2016.
Theo đó, TCC đầu tư, TCC doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và TCC thị trường tài chính cơ bản đều tiến triển chậm, kết quả đạt được hạn chế và còn cách rất xa với mục tiêu kỳ vọng. Tại diễn đàn lần này, không ít ý kiến lo ngại về tiến trình TCC chậm trễ, hay có thể đang thiếu quyết tâm và động lực thực sự, thậm chí dường như đang bị đặt sang bên rìa của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Nhìn ở khía cạnh khác, Việt Nam là một trong những quốc gia đang dẫn đầu về việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Những cam kết với những đối tác hàng đầu thế giới bên cạnh khẳng định quyết tâm hội nhập của Việt Nam vào kinh tế toàn cầu thì cũng có nhiều quan ngại cho rằng liệu với tiềm lực yếu, sức cạnh tranh yếu sẽ như thế nào?
“Hội nhập mạnh như thế là điều tốt nhưng đòi hỏi cùng với đó là đổi mới trong nước. Bởi hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh toàn cầu mà cạnh tranh đầu tiên là giữa các Chính phủ với nhau và cạnh tranh về thể chế. Nếu thể chế bất cập, Chính phủ quản trị không tốt thì cạnh tranh sao nổi, mà như vậy thì DN cũng khó mà làm ăn” GS-TS. Võ Đại Lược đặt vấn đề.
Theo ông Trần Đình Thiên, điều này hàm nghĩa là chúng ta phải ráo riết TCC, nhưng là TCC theo hướng hội nhập hiện đại, bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập. Chỉ có như vậy, nền kinh tế mới tránh khỏi lặp lại tình thế “hậu WTO”, để có năng lực thực thi hội nhập và thật sự dựa vào hội nhập để tiến lên.
Phải khẳng định rằng quá trình TCC diễn ra trong 5 năm qua đã đụng đến những vấn đề thay đổi, cải cách. Không ai phản đối TCC, nhưng khi đụng đến thay đổi thì không ai muốn làm, vì đụng đến quyền lợi của mình. Các bộ, ngành cũng thế, họ sợ mất quyền, mất lợi lộc vì TCC”, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
Cần chuyển sang phân bổ nguồn lực hiệu quả
Bắt tay vào TCC, cái mà hệ tư duy chính thống luôn hướng tới là tìm cách làm sao “huy động, huy động, huy động” các nguồn lực để thực hiện mục tiêu. Nhưng theo TS. Nguyễn Đình Cung, trong khi huy động các nguồn lực (từ đầu tư vốn Nhà nước, tín dụng, đầu tư trực tiếp nước ngoài…) đều đã ở mức khá cao, thậm chí tới hạn thì những hiệu quả mang lại không được như mong đợi.
Vì vậy, vấn đề bây giờ không chỉ là huy động nguồn lực mà quan trọng hơn là cần phân bổ lại, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có để từ đó khơi thông dòng chảy các nguồn lực xã hội. Trong đó, một trong những mấu chốt là cần thay đổi tư duy phân bổ nguồn lực theo kiểu hành chính “xin - cho”. Đây là cách thức đã tạo ra những méo mó, sai lệch trong phân bổ nguồn lực, làm cho nguồn lực kém hiệu quả, lãng phí và thất thoát.
Như vậy, trọng tâm của TCC kinh tế là phải thiết lập được thị trường các yếu tố sản xuất như thị trường về đất đai, thị trường tài chính để thay thế cho cơ chế “xin – cho” này. Đồng thời, cần TCC danh mục vốn đầu tư và tài sản khu vực Nhà nước. “Nhà nước cần rút khỏi kinh doanh để lấy nguồn lực đó đầu tư vào phát triển hạ tầng và làm đúng chức năng của Nhà nước” - TS. Cung khuyến nghị.
Chia sẻ về bài học 10 năm sau WTO của Việt Nam, TS. Huỳnh Thế Du - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright chỉ ra sự tồn tại lâu nay của “động cơ khuyến khích ngược” khiến làm mất đi sự công bằng cần có trong nền kinh tế. Đó là thực trạng ở khu vực quản lý, nếu một người làm tốt thì không được thăng tiến, cũng chẳng được gì thì những người làm không tốt nhưng biết “nhũng nhiễu” DN lại được rất nhiều. Ở khu vực DN cũng vậy, DNNN dù làm ăn không hiệu quả nhưng lại được ưu ái rất lớn, còn những DN làm tốt thì lại gặp nhiều cản trở, nhũng nhiễu. “Để nền kinh tế có thể tốt lên thì chìa khóa là phải chặn được “động cơ khuyến khích ngược” này” - TS. Du nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, việc phân bổ lại nguồn lực, xóa bỏ cơ chế xin - cho thông qua những đột phá về thể chế để phát triển các thị trường cạnh tranh cũng chính là cách thức sẽ giúp cho hệ thống “động lực khuyến khích ngược” trên được dần xóa bỏ. “Tình trạng “trung thực, thật thà thường thua thiệt; lật lọng, lươn lẹo lại lên lương” chỉ có thể thay đổi bằng việc hình thành được một thị trường cạnh tranh” - TS. Cung nói.
Cần có những đột phá mạnh mẽ về thể chế để phát triển các thị trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng |
Chuyên gia này cũng thông tin, đang có một sự thống nhất cao trong giới nghiên cứu là cần phải có ủy ban hoặc là một “đội đặc nhiệm TCC” và ít nhất do Thủ tướng đứng đầu. Vì việc phân bổ lại nguồn lực trong TCC có nghĩa sẽ làm thay đổi cấu trúc quyền lực, quyền lợi nên sẽ có nhiều người phản đối, không muốn làm mà muốn bảo vệ lợi ích của mình. “Các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương cũng cần vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ và lợi ích ngành, địa phương thì lúc đó mới có thể thay đổi được” - ông Cung nhận định.
PGS-TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM thì nhấn mạnh, để TCC được thì giờ cần “nói ít làm nhiều”, và phải chấp nhận trả giá. Như việc sẽ có những DN công nghệ kém, phá hoại môi trường phải đóng cửa và khiến lao động mất việc làm, ngân sách thất thu thì chúng ta có chấp nhận được không?
“Thực tế làm nẩy sinh câu hỏi: Phương cách TCC của 5 năm qua hợp lý đến mức nào? Nếu phương cách đó là đúng thì vấn đề ở đâu - do chúng ta chưa tập trung hành động? hay do trong toàn bộ chương trình TCC, còn yếu hay thiếu một khâu nào đó? Tại sao cũng hội tụ cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa như thời đổi mới mà đổi mới thì thành công còn TCC lại khó thế”. PGS-TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam |