Bán lẻ nội: Nguy cơ thua thiệt đang đến gần
Bán lẻ hiện đại: Loay hoay tìm lối đi | |
Khi nội - ngoại không cân sức | |
Đứng “trước cửa” Walmart |
Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ nội địa trong mắt NĐT phần nào đã được thể hiện ở con số 36% tổng giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập trong thời kỳ 2014-2015 thuộc về ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng. Đồng thời, theo Bộ Công Thương, thị phần kênh bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 20%. Điều này cho thấy thị trường này vẫn còn rất nhiều khoảng trống.
Trong số các thương vụ đáng chú ý, thì tốn nhiều giấy mực nhất có lẽ là việc Tập đoàn Berli Jucker (BJC), Thái Lan mua siêu thị Metro Việt Nam. Qua nhiều lần đàm phán, thương vụ này đã phải tạm hoãn do không đạt được sự đồng thuận của các cổ đông BJC. Tuy nhiên vừa qua, Metro Việt Nam đã chính thức về tay BJC với giá 655 triệu EUR (khoảng 879 triệu USD). BJC cho biết sẽ tiếp tục giữ nguyên tên Metro Việt Nam và các mục tiêu phát triển sản phẩm, dịch vụ.
Ảnh minh họa |
Cần lưu ý rằng, CTCP TCC Holdings, cổ đông lớn nhất của BJC là DN hoạt động trong các lĩnh vực bia rượu, bất động sản, thương mại, bảo hiểm và công nghiệp chế tạo. DN này rất cần xây dựng một mạng lưới bán lẻ vững chắc để phân phối các sản phẩm mà tập đoàn sản xuất ra. BJC cũng không giấu tham vọng sẽ dùng hệ thống Metro để bán hàng Thái Lan, với tỷ lệ hàng Thái trong hệ thống không dưới 60%, từ đó thâm nhập sâu vào thị trường các nước ASEAN.
Như vậy, thương vụ này sẽ tạo cơ hội cho hàng hóa Thái Lan thâm nhập ngày càng mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, không chỉ qua các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, tạp hóa mà còn sang kênh bán lẻ hiện đại.
Một số nguồn thông tin cũng cho thấy DN Thái Lan lớn khác là Central Group cũng sẽ hoàn tất việc thâu tóm Big C vào quý I năm nay. Đây không phải là thương vụ đầu tiên ghi dấu cho sự hiện diện của Central Group. NĐT hiện đang sở hữu 49% cổ phần của chuỗi điện máy Nguyễn Kim, chuyên phân phối bán lẻ các sản phẩm đồ điện gia dụng, hàng điện tử…
Một số nhãn hiệu khác cũng thuộc sở hữu của Central Group đang được triển khai đầu tư và bắt đầu hiện diện tại Việt Nam là hệ thống thời trang Robins, SuperSports, Crocs và New Balance.
Không tới từ Thái Lan, song Tập đoàn Seven & I Holdings (Nhật Bản) cũng là cái tên khá nổi với hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã hiện diện rộng khắp ở nhiều quốc gia châu Á. Dự kiến cửa hàng đầu tiên của chuỗi này sẽ được mở tại Việt Nam vào năm 2017. NĐT này được dự báo là đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, đồng thời là mối lo với các nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh.
Mô hình cửa hàng tiện lợi mà 7-Eleven theo đuổi được đánh giá là xu hướng mà người tiêu dùng trẻ tuổi ngày càng ưa chuộng. Các loại hàng được tập trung phát triển là thực phẩm ăn liền, thực phẩm đông lạnh và sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, ngành hàng thực phẩm sẽ chiếm từ 50 - 75% doanh số của từng cửa hàng.
Các DN khác cũng đang tăng tốc để mở rộng số lượng cửa hàng tại Việt Nam. Đơn cử như Circle K (Mỹ) đặt mục tiêu 150 cửa hàng trong năm 2015; B's Mart (Thái Lan) 75 cửa hàng; Ministop (Nhật Bản) đặt mục tiêu 800 cửa hàng trong vòng 10 năm tới…
Không ngồi yên chờ đợi, các DN trong nước đến nay cũng đã có nhiều động thái mở rộng sự hiện diện để giữ vững thị phần cho hàng Việt và cạnh tranh với các DN bán lẻ nước ngoài. Tiêu biểu trong số này là Tập đoàn VinGroup đang không ngừng mở rộng quy mô. Dù sinh sau đẻ muộn, song tính đến tháng 10/2015, hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ đã có 125 cơ sở chính thức. Đồng thời trên thực tế, sau khi mua lại một loạt hệ thống siêu thị trong nước, VinRetail thuộc VinGroup cũng trở thành nhà bán lẻ lớn với hàng trăm siêu thị phủ khắp cả nước.
Tương tự, đại diện Saigon Co.op cho hay đến hết năm 2016, DN này sẽ tiếp tục mở thêm 6-8 siêu thị nữa, nâng tổng số siêu thị của tập đoàn lên con số gần 90. Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng đang có những bước đi để đa dạng hóa các mô hình bán lẻ. Ngoài hệ thống siêu thị Co.opmart còn có các cửa hàng Co.op Food, Co.op Extra Plus.
Những nỗ lực này cho thấy các DN bán lẻ nội đang cố gắng “vùng vẫy” để có thể cạnh tranh với các ông lớn nước ngoài. Mặc dù vậy, những nỗ lực này vẫn khá yếu ớt vì không phải DN nào cũng có đủ tiềm lực để mở rộng hệ thống, bao phủ nhanh và rộng khắp trên thị trường như các DN nước ngoài.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái tính toán, để mở được hệ thống cửa hàng tiện lợi “ra tấm ra món”, DN phải đầu tư ít nhất là 700 tỷ đồng mới có mạng lưới đủ rộng. Hoặc mở siêu thị để hoà vốn phải có 15-20 siêu thị, vốn đầu tư lên tới khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng. Đồng thời, việc xây dựng mô hình quản trị hiện đại để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trẻ cũng không phải là thế mạnh của các DN bán lẻ nội địa.