Bất động sản vẫn trong chu kỳ tăng trưởng
Nhà ở xã hội: Xu thế theo nguồn cung | |
Thị trường Bất động sản: Khó có biến động trong ngắn hạn | |
Huy động tối đa các nguồn lực tài chính cho phát triển nhà ở xã hội |
Đó là dự cảm của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) về thị trường bất động sản năm 2017, dù cho thị trường bất động sản năm 2016 đang có dấu hiệu chững lại.
Quan điểm này của HoREA được đưa ra với cái nhìn tổng quát kể từ cuối năm 2013 đến nay, thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng mang tính tích cực. Nguồn thu ngân sách từ thị trường bất động sản gia tăng và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, trong đó có tiền sử dụng đất. TP. Hồ Chí Minh đến ngày 10/11/2016, đã thu tiền sử dụng đất của 80 DN được 10.000 tỷ đồng và còn 40 DN chưa nộp 1.889 tỷ đồng tiền sử dụng đất.
Ảnh minh họa |
Đáng nói là các DN bất động sản Việt Nam đang thống lĩnh và dẫn dắt thị trường bất động sản; thị trường mua bán sáp nhập DN, chuyển nhượng dự án (M&A). DN nước ngoài đang thống lĩnh trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, môi giới văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại có liên quan người nước ngoài, hoặc quản lý bất động sản nhất là vận hành các dự án chung cư cao cấp.
Lực hấp dẫn của thị trường BĐS có thể nhìn thấy qua việc các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập, đầu tư thông qua phương thức mua lại cổ phần, hợp tác đầu tư trên từng dự án; cho vay đầu tư. Thị trường bất động sản vì thế luôn nằm trong top 3 hấp thụ nguồn vốn FDI.
Ví như năm 2014, FDI đạt 21,92 tỷ USD, trong đó có 2,54 tỷ USD vào bất động sản; Năm 2015 đạt 24,1 tỷ USD, trong đó có 2,4 tỷ USD vào bất động sản. 11 tháng đầu năm 2016, FDI đạt 18,1 tỷ USD, trong đó chỉ có 740,9 triệu USD vào bất động sản, nhưng tỷ lệ giải ngân trong năm 2016 tăng mạnh hơn các năm trước, có thể đạt 16 tỷ USD. Cùng với đó là dòng kiều hối hàng năm khoảng 10-13 tỷ USD/năm, riêng TP. Hồ Chí Minh có khả năng đạt được 5,7 tỷ USD trong năm 2016 và có khoảng 21% đầu tư vào thị trường bất động sản.
Dòng vốn này góp thêm trên 30.000 sản phẩm nhà ở tại thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh năm 2016 và năm 2017. Chưa kể có những DN như Công ty Him Lam, Công ty Khang Điền... thường xây dựng xong nhà mới bán cho người tiêu dùng nên không phải đăng ký bán hàng qua Sở Xây dựng.
Tồn kho bất động sản cả nước còn khoảng 31.842 tỷ đồng, giảm 19.047 tỷ đồng so với năm 2015, trong đó, TP. Hồ Chí Minh chỉ còn tồn kho 5.954 tỷ đồng, giảm 4.153 tỷ đồng so với năm 2015.
Dự báo thị trường bất động sản sẽ vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, nhưng HoREA nhìn nhận có thể sẽ tiếp tục xu thế chững lại so với năm 2016. “Khoảng thiếu vắng sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, đặc biệt thiếu nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ sẽ dẫn đến có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị”, HoREA nhìn nhận. Điển hình là Tập đoàn Vingroup vừa công bố kế hoạch phát triển 200.000 - 300.000 căn nhà có giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/căn trong 5 năm tới...
Thay vì xu hướng đơn thương độc mã nhiều năm trước HoREA chỉ ra xu thế hợp tác giữa các DN sẽ là tất yếu. Hoạt động mua bán, sáp nhập DN, chuyển nhượng dự án (M&A) cũng được dự báo phát triển mạnh hơn trước đây.
HoREA khuyến nghị các DN hướng theo xu thế phát triển các dự án bất động sản xanh, thân thiện môi trường và an toàn. Đồng thời khuyến nghị các nhà đầu tư cẩn trọng khi một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro đã xuất hiện trên thị trường bất động sản như hiện tượng lệch pha cung - cầu, có sự gia tăng mạnh các nhà đầu tư thứ cấp, hoặc nguồn cung tín dụng có xu hướng tập trung vào một số tập đoàn lớn đầu tư vào phân khúc bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng...