Bộ máy cồng kềnh, “nuôi” sao được
Giảm chi phí, thúc đẩy kinh doanh: Cả bộ máy phải vào cuộc | |
Cải cách thể chế: Bộ máy Nhà nước phải thay đổi | |
Bộ máy hành chính ăn lẹm ngân sách |
Dù đã có những nỗ lực cắt giảm chi tiêu ngân sách nhưng chi thường xuyên 9 tháng đầu năm vẫn tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia cho rằng, bộ máy quá lớn và cồng kềnh là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến ngân sách Nhà nước (NSNN) ngày một căng thẳng. Muốn lấy lại cân bằng ngân sách, giảm nợ công thì tinh giản bộ máy là yêu cầu vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính dài hạn.
Tinh gọn bộ máy là yêu cầu bắt buộc để giảm chi thường xuyên |
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhắc lại: Nhằm hướng tới cân bằng thu – chi NSNN, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Nghị quyết đã đề cập đến việc cần phải tái cơ cấu toàn bộ ngân sách, giảm chi tiêu thường xuyên. Nhưng cho đến nay mới thấy những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc quản lý chặt chi tiêu và tìm cách tăng thu. Trong khi đó, giải pháp thực sự để giảm bội chi là phải giảm chi thường xuyên, chi lương, muốn vậy phải tinh gọn bộ máy.
Cho rằng các biện pháp đang chủ yếu xoay quanh việc tăng thu trong khi nguyên nhân của thâm hụt ngân sách và nợ công nằm ở vấn đề chi, TS.Phạm Thế Anh (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) lưu ý thêm: Chi vừa tăng cao, vừa mất cân đối giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. “Một trong những nguyên nhân làm chi thường xuyên quá cao là bộ máy hành chính quá lớn. Do vậy nếu như chỉ loay hoay ở việc làm sao tăng thu mà không giảm được chi thường xuyên thì nền kinh tế sẽ rất khó khăn trong tương lai. Nếu không quyết liệt giảm bộ máy thì trong tương lai sẽ không có nguồn thu đủ để nuôi được bộ máy lớn như thế”, TS. Thế Anh nhấn mạnh.
“Cần cắt giảm bộ máy hành chính, cắt giảm sự trùng lắp là những công việc cần tiến hành ngay. Như việc thí điểm “nhất thể hóa” các chức danh ở các cấp cơ sở là bước đầu đáng hoan nghênh và dĩ nhiên tới đây cần tiến hành ở các cấp cao hơn. Đồng thời, kỷ luật ngân sách minh bạch và khắc nghiệt hơn cũng cần đưa ra để xóa bỏ những tùy tiện trong chi tiêu”, TS.Doanh nhấn thêm.
Đồng tình “nhất thể hoá” các chức danh để thu gọn bộ máy hành chính là đúng nhưng mới chỉ là giải pháp thực hiện thí điểm ở cấp xã, huyện nên chưa đủ nên toàn hệ thống chính trị phải tích cực vào cuộc, ông Phạm Thế Anh phát biểu.
Theo đó, cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng là một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII mới đây. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính, gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm tỉ lệ người phục vụ.
Ở góc độ kinh tế, rất dễ để nhận thấy việc giảm bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả không chỉ ngay lập tức giúp chi tiêu thường xuyên giảm xuống mà còn giúp các hoạt động kinh tế được vận hành thuận lợi hơn rất nhiều. Đơn cử như Quảng Ninh, tỉnh đi tiên phong trong việc nhất thể hóa một loạt các chức danh từ cấp xã tới huyện; sáp nhập một số phòng ban, đơn vị hành chính sự nghiệp, các cơ quan tham mưu cấp uỷ với cơ quan chuyên môn chính quyền có chức năng nhiệm vụ tương đồng… đã không chỉ giúp tiết kiệm chi thường xuyên từ ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm mà còn tạo ra một bộ máy hoạt động gọn nhẹ, hiệu quả, thông suốt. Tỉnh này đang phấn đấu hết năm 2017 thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ 100% thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện và liên thông tới 186 xã, phường, thị trấn. Điều ấy cũng có nghĩa, các thủ tục hành chính của DN, người dân sẽ ngày càng thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ nhiều góc độ khác thì việc tinh gọn bộ máy có thể xem là công việc “nói dễ, làm khó”. Bởi đây là vấn đề rất lớn, phức tạp và nhạy cảm vì không chỉ liên quan đến phương thức lãnh đạo, quản lý và vận hành của cả bộ máy mà còn liên quan trực tiếp đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, người lao động... Do đó, nếu nôn nóng, thiếu sự kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển sẽ khó thành công. Thực tế đó đòi hỏi các nhiệm vụ và giải pháp đề ra phải phù hợp, khả thi, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng được yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, góp phần giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra đối với tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị cũng như với từng tổ chức cụ thể.