BVSC dự báo lạm phát cả năm chỉ ở mức 3%
Ổn định hiện tại, quan ngại tương lai | |
Sự bất thường của CPI | |
CPI tháng 6 tiếp tục giảm 0,17% |
Diễn biến CPI (Nguồn: GSO/BVSC) |
Nhìn lại diễn biến lạm phát trong quý 2 vừa qua, BVSC cho biết, sau khi có mức tăng khá mạnh ngay trong 3 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong ba tháng của quý 2 đã hạ nhiệt nhanh chóng, đặc biệt trong tháng 5 do sự lao dốc của nhóm hàng thịt lợn.
Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2017, chỉ số CPI YoY đạt mức tăng 2,54% - giảm mạnh so với mức 5,2% vào thời điểm cuối tháng 1/2017. Trong khi đó, chỉ số lạm phát cơ bản (không tính nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm giao thông; nhóm giáo dục và y tế) tăng thấp hơn so với chỉ số lạm phát toàn phần khi chỉ ở mức 1,3%.
Đi sâu phân tích các yếu tốc tác động đến giá cả những tháng đầu năm, BVSC cho biết, về cơ bản CPI 6 tháng đầu năm tăng do một số nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, giá dịch vụ y tế tại 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục được điều chỉnh theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Thứ hai, một số địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Thứ ba, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm làm giá nhập khẩu các mặt hàng này tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có nhiều yếu tố giúp kiềm chế đà tăng của CPI, đặc biệt trong quý 2 vừa qua chính là chỉ số giá của nhóm thực phẩm (giảm 1,74% YoY, đóng góp vào mức giảm CPI chung 0,39%). Trong đó, tác nhân chính là giá thịt lợn giảm mạnh do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu thu mua thịt lợn xuất khẩu sang Trung Quốc giảm.
Theo tính toán của BVSC, với tỷ trọng trong rổ CPI khoảng gần 7%, chỉ riêng việc thịt lợn giảm giá mạnh (15% trong quý 2) đã khiến chỉ số CPI toàn phần giảm khoảng 1%.
BVSC đánh giá, sau xu hướng giảm mạnh của CPI trong quý 2 vừa qua, rủi ro lạm phát cho cả năm nay đã giảm đi đáng kể, đặc biệt đặt trong bối cảnh lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế về cơ bản đã hoàn tất.
Cụ thể, tính đến hết tháng 5/2017, lộ trình tăng giá thuốc và dịch vụ y tế theo bước 2 Thông tư liên tịch số 37 của Bộ Y Tế và Bộ Tài chính đã được thực hiện ở hầu hết các tỉnh thành. Trong các tháng tới, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho các đối tượng không có thẻ bảo hiểm sẽ được áp dụng theo Thông tư 02/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Theo lộ trình, đến hết tháng 8 tới sẽ có 30 tỉnh thực hiện tăng giá theo Thông tư 02, 15 tỉnh thực hiện trong tháng 10 và 18 tỉnh thực hiện trong đợt cuối năm.
Tuy vậy, theo đánh giá của BVSC, đợt điều chỉnh này sẽ không gây tác động quá lớn tới CPI do tỷ lệ người không có thẻ bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 20% và việc điều chỉnh cũng sẽ được giãn ra trong nhiều tháng.
Dựa trên mô hình định lượng có hiệu chỉnh các yếu tố định tính, có tính đến lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho người không có thẻ bảo hiểm trong thời gian tới và xu hướng ổn định của giá lương thực thực phẩm trong nước, BVSC dự báo lạm phát toàn phần YoY vào thời điểm cuối quý 3 có mức tăng 3,2% và lạm phát cuối quý 4 có mức tăng 3%.