Cải thiện môi trường đầu tư: “Tiếp lửa” từ chính sách
Dự cảm và niềm tin | |
Không gian cải cách còn rất lớn | |
Cải thiện môi trường kinh doanh: Những nỗ lực đa chiều |
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố có nhiều nội dung thực sự cấp thiết và quan trọng nếu không kịp thời sửa đổi, những bất cập hiện hữu sẽ tác động tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết số 02 về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ đã đặt ra ngay từ đầu năm.
Gấp rút tháo gỡ bất cập hiện hữu để thực hiện Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh |
Thống nhất trong ứng xử chính sách
Đáng chú ý nhất chính là danh mục 26 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện đề nghị bãi bỏ, kèm theo dự thảo luật. Trong đó có nhiều ngành nghề đã từng là đề tài tranh cãi trong suốt một thời gian dài về việc có cần quản lý bằng điều kiện kinh doanh hay không, chẳng hạn như xuất khẩu gạo, kinh doanh dịch vụ giám định thương mại, kinh doanh dịch vụ logistics, kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim...
Đối với Luật Đầu tư, dự thảo đã làm rõ một số khái niệm để tránh tình trạng tạo ra nhiều cách hiểu và cách ứng xử chính sách khác nhau giữa các cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương. Chẳng hạn, bổ sung khái niệm “tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của NĐT nước ngoài” để làm rõ tiêu chí về quyền kiểm soát DN của NĐT nước ngoài phù hợp với tiêu chí xác định công ty mẹ con quy định tại Luật DN. Theo đó, tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của NĐT nước ngoài là tổ chức kinh tế thuộc một trong các trường hợp: NĐT nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế đó; NĐT nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế đó; NĐT nước ngoài có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của tổ chức kinh tế đó.
Một số nội dung sửa đổi cũng hứa hẹn tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, giúp NĐT mạnh dạn gia nhập thị trường và yên tâm kinh doanh. Như bổ sung nguyên tắc không hồi tố về điều kiện đầu tư trong trường hợp pháp luật, chính sách thay đổi làm ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện đầu tư đã được quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Loại bỏ một số dự án đầu tư thuộc diện phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, bao gồm dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên; các dự án mà điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được quy định cụ thể tại điều ước quốc tế và pháp luật có liên quan như dự án của NĐT nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, DN khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan trực tiếp tiếp nhận, tổ chức thẩm định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội.
Rút ngắn quy trình, thủ tục
Đối với Luật DN, theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Ban soạn thảo đã đặt ra các mục tiêu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện luật gồm đơn giản hoá thủ tục, giảm chi phí gia nhập thị trường, nâng cao thúc đẩy quản trị tốt DN… với nguyên tắc chủ yếu là bãi bỏ, chỉ sửa đổi ở mức tối thiểu.
Theo đó, khi đăng ký thành lập đến khi hoạt động của DN, bỏ yêu cầu DN phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng; bỏ chế độ báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN; bỏ chế độ gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi DN đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới; bỏ yêu cầu giám đốc, tổng giám đốc phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh…
Với thực trạng Luật Đầu tư và Luật DN vẫn bị chi phối bởi nhiều luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Tài nguyên, Luật Nhà ở... dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các luật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Dự thảo luật đề xuất bãi bỏ yêu cầu thực hiện thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Một số đề xuất sửa đổi đáng chú ý khác gồm sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo hướng chỉ cấp visa đầu tư cho NĐT có vốn đầu tư lớn hoặc đã đầu tư lâu dài tại Việt Nam; sửa đổi Luật Điện ảnh để bãi bỏ điều kiện thành lập DN điện ảnh và điều kiện sản xuất phim; sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam theo hướng bãi bỏ quy định trình Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không để tránh trùng lặp với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư…