Không gian cải cách còn rất lớn
Thu hút FDI: Không còn ham số lượng | |
Cải thiện môi trường kinh doanh: Những nỗ lực đa chiều | |
Năm 2019: Thu hút FDI cần chú ý phương thức mới |
Một năm nỗ lực thúc đẩy các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư đã ghi nhận những chuyển biến tích cực từ phía cơ quan quản lý. Tuy nhiên theo cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các nỗ lực vừa qua mới dừng lại ở việc tháo gỡ các rào cản phát triển mà các bộ, ngành, địa phương tự dựng lên. Trong khi đó, lại thiếu hụt các chính sách thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển một cách vượt bậc.
Phải có các bộ luật liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, đặc biệt là điều kiện kinh doanh |
Chính sách cản đường xu hướng mới
Đánh giá về các quy định pháp luật có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, bà Hoàng Hải Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam cho rằng, chính sách hiện nay còn nhiều bất cập và đang nằm rải rác ở nhiều luật, nghị định khác nhau. Không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh chứng khoán trong nước, các quy định hiện hành còn gây cản trở đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo hình thức mua bán và sáp nhập (M&A), vốn được dự báo sẽ được đẩy mạnh trong tương lai.
Bà Hải Anh lấy ví dụ xung quanh quy định về quyền của cổ đông chiến lược. Theo đó, luật hiện hành quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng mới có quyền được tham gia vào các quyết định quan trọng như đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát; xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hàng năm; yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết...
Như vậy, ngoài tỷ lệ nắm giữ thì thời gian nắm giữ liên tục trong vòng 6 tháng là điều kiện tiên quyết để cổ đông có thể tham gia nhóm các quyết định quan trọng kể trên. Quy định bất hợp lý này dẫn tới thực tế là có những trường hợp cổ đông chiến lược tham gia vào doanh nghiệp với tỷ lệ trên 51%, nhưng lại không có quyền cử người vào Hội đồng quản trị hoặc ban kiểm soát, đồng thời cũng không có quyền xem xét biên bản, các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính, hoặc yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty...
“Là cổ đông rót vốn chi phối vào công ty nhưng lại không được quyền thực hiện những quyền lợi tối quan trọng trong quá trình quản lý, điều hành, thì đó rõ ràng là quy định bất hợp lý. Đây là một trong những quy định gây cản trở đối với hoạt động M&A, khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại DN Việt Nam nhưng còn e dè”, bà Hải Anh khẳng định.
Ông Phạm Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cũng chia sẻ quan ngại tương tự trong lĩnh vực kinh tế, khi mô hình đã có và đã hoạt động nhưng chính sách thì chưa theo kịp. Ông Hưng cho rằng năm 2018 vừa qua đánh dấu mốc kỷ lục mới của ngành du lịch với 15 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Kết quả này khiến nhiều cơ quan quản lý say sưa trong chiến thắng, song lại đang bỏ quên chính sách liên quan đến quản lý các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ mới nhằm phục vụ ngành du lịch.
Ông Hưng nhấn mạnh, cùng một vấn đề liên quan đến kinh tế nền tảng, song ứng xử của cơ quan quản lý rất khác nhau. Trong khi đối với DN đầu tư trong nước thì rất quan tâm, thậm chí là siết chặt, thì với DN cung cấp dịch vụ qua biên giới lại buông lỏng. Theo ông Hưng, ứng dụng công nghệ mới đang lan sang cả lĩnh vực dịch vụ logistics khi năm 2018 chứng kiến sự bùng nổ của các DN cung cấp dịch vụ vận chuyển nhanh, cạnh tranh gay gắt, song chính sách vẫn chưa kịp phản ứng.
“Tính nhất quán chính sách chúng ta còn đang thiếu. Tôi khẳng định lại là các mô hình kinh doanh trên nền tảng internet đang phát triển rất nhanh. Vì vậy đối với thiết kế chính sách, đòi hỏi hiện nay lớn hơn rất nhiều, đó là phải thúc đẩy thay vì chỉ tháo gỡ rào cản”, ông Hưng khuyến nghị.
Cần những quy định đột phá
Chưa dám kỳ vọng quá nhiều vào các chính sách đi trước đón đầu dòng chảy của thị trường, ông Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, cơ chế, chính sách kiểm soát các điều kiện kinh doanh còn chưa đủ mạnh. Trước đây đã có nhiều ý kiến đề cập tới việc cần thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát vấn đề này, nhưng hướng đi đó chưa được thúc đẩy mặc dù là hướng đi đúng. Ông Bắc bổ sung, ngoài cơ quan độc lập, phải có các bộ luật liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, đặc biệt là điều kiện kinh doanh.
Đánh giá lại dòng chảy pháp luật kinh doanh năm vừa qua, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, chúng ta mới làm được 2 việc rất nhỏ là gỡ bỏ bớt một số điều kiện gia nhập thị trường và quy định về kiểm tra chuyên ngành. Những việc cần làm còn lại rất nhiều.
Ông Hiếu phân tích, rà soát cả năm 2018 có tới 37 nghị định ban hành chứa đựng điều kiện kinh doanh. “Cá nhân tôi pháp điển hoá 37 nghị định, thì thấy sửa đổi bổ sung các điểm li ti, chi tiết, rất khó phát hiện ra. Vậy liệu DN có thể tự ngồi pháp điển hoá để xem cái gì thay đổi thực tế hay không? Rất nhiều DN nói họ không thể làm được”, ông Hiếu lo ngại.
Cùng quan điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng rất nhiều điều kiện đang được bộ ngành này bãi bỏ thì bộ ngành khác lại đưa vào. Có nghị định dày 30 trang chỉ có 2 điều về điều kiện kinh doanh, nhưng còn vô số cách thức quản lý khác. Những quy định đó rất hạn chế, ràng buộc nhà đầu tư.
Với những thay đổi chóng mặt từ phía thị trường, các chuyên gia góp ý cần có các chính sách đột phá như có thể bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh mà không cần tranh cãi. Chẳng hạn, hiện nay trong lĩnh vực quản lý nhà chung cư có yêu cầu cán bộ phải được tập huấn bởi các cơ quan nhà nước. Trong khi đó, rất nhiều nhà chung cư có bộ phận quản lý chuyên nghiệp, nếu đưa qua các Sở Xây dựng địa phương thì sở lại giao về cho chính DN đó đào tạo các kỹ năng cần thiết. Vì vậy, có thể kiến nghị bãi bỏ vô điều kiện những quy định “vô thưởng vô phạt” như vậy.
Ngoài ra, tất cả các đơn vị sự nghiệp có chức năng về kiểm tra cần được tách khỏi bộ ngành và đưa về cho DN làm. Hoặc về lâu dài, phải làm thế nào để có cơ chế đảm bảo chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành trong tương lai. Cần giao cho cơ quan chủ trì xây dựng chính sách không phải cơ quan tham mưu hay thực thi chính sách đó.