Dự cảm và niềm tin
Kinh tế 2019: Động lực có, nỗ lực cần | |
Huyết mạch của nền kinh tế ngày càng thông suốt | |
Thủ tướng: Kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế |
Những kết quả, thành công của năm 2018, theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, là đáng tự hào. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt mức cao nhất 11 năm; vĩ mô ổn định; xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư tốt; du lịch tiếp tục là một điểm sáng…
Với nền tảng đó, đặt trong những dự báo kinh tế năm 2019 vẫn còn nhiều thách thức từ bên ngoài đem lại, nhiều vấn đề còn tồn tại bên trong chưa được xử lý dứt điểm, nhưng dự cảm của nhiều chuyên gia vẫn là tích cực, kỳ vọng một năm mới thành công nữa trong tiến trình đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Thời báo Ngân hàng xin chia sẻ một số ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước về dự cảm và niềm tin đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 này.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam:
Chịu đựng tốt các cú sốc từ bên ngoài
Ông Ousmane Dione |
Căng thẳng thương mại trên thế giới diễn ra trong bối cảnh Việt Nam có những vấn đề nội tại, giải ngân các dự án chậm lại… chúng tôi nghĩ có thể những điều đó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Nhưng trên thực tế, Việt Nam đã vượt qua được các chướng ngại đó. Trong 6 tháng vừa qua, kinh tế Việt Nam phát triển với tốc độ rất tốt, trung bình tăng trưởng khoảng 7%. Kinh tế vĩ mô đã giữ được ổn định, lạm phát ở mức một con số trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi. Tôi quan sát thấy nền kinh tế Việt Nam có tính chịu đựng tốt với các cú sốc bên ngoài. Điều này tạo tiền đề khiến chúng ta đứng vững trong bối cảnh khó khăn và ảnh hưởng tích cực lên tâm lý và sự tin tưởng của các nhà đầu tư, khiến FDI vào Việt Nam lại tăng lên.
Nhưng ở đây có hai vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý. Thứ nhất là Việt Nam cần làm gì để đối mặt với các cú sốc bên ngoài. Thứ hai là Việt Nam cần tiếp tục công cuộc cải cách, đặc biệt là cải cách trong lĩnh vực ngân hàng như chúng ta đã làm thời gian qua.
Tôi cũng cho rằng, ở đây chúng ta không chỉ tập trung vào con số mà phải chú ý đến chất lượng cải cách, chất lượng tăng trưởng. Trong tương lai, Việt Nam cần để ý đến chất lượng hơn là số lượng. Ví dụ, chất lượng thể chế, hạ tầng, chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực trong thời đại kỹ thuật số... cải cách, sáng tạo để đưa Việt Nam đến với tương lai phát triển với chất lượng cao hơn.
Hai năm qua, con đường phát triển đã rõ ràng hơn. Chính sách tốt hơn tạo tiền đề cho những bước đi tương lai, như vĩ mô ổn định, lạm phát thấp… tạo sự hấp dẫn cho DN đầu tư, có thể nó chưa mang lại kết quả ngay nhưng tạo tiền đề cho con đường phát triển sắp tới.
Câu hỏi là: Chúng ta có thể làm tốt hơn không? Có thể. Có thể làm nhanh hơn không? Có thể. Quá trình phát triển nhiều khi không phải con đường thẳng, mà có chỗ vấp váp. Những năm qua, tôi nghĩ quá trình phát triển của Việt Nam có thể không đi nhanh, nhưng hai năm gần đây đã thấy xuất hiện nhiều chính sách có tính chiến lược hơn.
Chính phủ Việt Nam đã nhìn thấy vấn đề của thủ tục hành chính, nên bắt đầu áp dụng Chính phủ điện tử để tăng tính minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình, đơn giản hóa thủ tục. Bên cạnh đó, cũng có thể thấy có sự nỗ lực rõ ràng trong phát triển khu vực tư nhân…
Thách thức đối với Việt Nam không phải là cần làm gì, vì chúng ta đã có các “gạch đầu dòng” cụ thể. Nhưng làm thế nào thì đúng là thách thức. Tôi biết người Việt Nam đòi hỏi rất cao, có tham vọng lớn. Tất cả mọi người đều muốn Việt Nam phát triển, cải cách và cải cách đó đáng lẽ phải thực hiện từ hôm qua rồi, chứ không phải đến hôm nay. Tuy nhiên, cải cách là một quá trình và phải thực hiện từng bước.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội:
Thành công từ dấu ấn điều hành
TS. Nguyễn Đức Kiên |
Năm 2018, nền kinh tế Việt Nam gặt hái được những thành công tương đối toàn diện. Tốc độ tăng trưởng vượt yêu cầu đề ra, tạo tiền đề để xử lý các vấn đề kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Một điều đặc biệt là năm nay chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng cao như vậy nhưng tăng trưởng tín dụng lại đạt thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, cho thấy nền kinh tế đã có các công cụ tài chính khác ngoài tín dụng để các DN khởi nghiệp và đầu tư phát triển.
Một điểm sáng của năm 2018 là việc NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt trong bối cảnh kinh tế quốc tế có sự cạnh tranh và trừng phạt lẫn nhau rất khốc liệt. Thông qua chính sách tiền tệ, chúng ta đã giữ cho Việt Nam không bị lôi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại và tiền tệ. Chúng ta không phá giá VND để hỗ trợ cho các DN trong nước xuất khẩu, mà có những sách lược điều chỉnh tỷ giá một cách linh hoạt để các thị trường bị thâm hụt thương mại với Việt Nam không có lý do tiến hành các biện pháp phòng vệ nhằm tạo ra cân bằng thương mại. Đây chính là hành động gián tiếp hỗ trợ các DN ổn định thị trường, đặc biệt là các DN dệt may, da giày đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất đe dọa sự ổn định của nền kinh tế trong năm 2018 là tiền trả nợ, gồm cả lãi vay và nợ gốc, lớn hơn số tiền giải ngân được từ vốn ODA. Từ trước tới nay, ODA là nguồn vốn tạo ra lực đẩy lớn cho nền kinh tế, song đến năm 2018 có xu hướng chậm lại. Điều này sẽ không tạo điều kiện cho cải thiện cơ sở hạ tầng, chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Do đặc thù của nền kinh tế nước ta là tăng trưởng vẫn phải dựa vào đầu tư, bao gồm cả mở rộng sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất, do đó khả năng tiếp cận được với công nghệ cao thông qua các nguồn vay ODA sẽ bị hạn chế. Đây là vấn đề mà trong năm 2019 chúng ta phải khẩn trương khắc phục, nếu không sẽ làm mất đà tăng trưởng trong 2 năm còn lại của kế hoạch 5 năm.
Bên cạnh đó, trong năm 2019 có 2 vấn đề khách quan cần quan tâm đặc biệt. Thứ nhất, giá dầu thế giới diễn biến rất phức tạp, hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường và nằm ngoài sự chỉ đạo, điều hành của chúng ta. Nếu Chính phủ can thiệp quá sâu vào điều hành giá cả các dịch vụ thiết yếu, chẳng hạn tiếp tục giữ giá điện trong khi không thể can thiệp vào giá dầu, sẽ gây ra những bất ổn dài hạn trên thị trường. Thứ hai, cần đặc biệt chú ý theo dõi diễn biến tiếp theo của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhất là thời điểm từ tháng 3/2019 khi thời hạn 90 ngày tạm đình chiến qua đi.
Về điều hành trong nước, đầu tiên phải xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 để có được thêm lượng tiền tham gia vào dòng chảy đầu tư, như vậy các nhà đầu tư mới có tiền để tham gia vào các dự án PPP lớn mà Chính phủ dự kiến triển khai, bao gồm các dự án đường bộ cao tốc phía Đông, sân bay Long Thành… Hiện nay, nếu nguồn vốn đang bị đọng lại từ tài sản đảm bảo đó mà không thu hút thành tiền lưu thông trên thị trường, trong khi chúng ta khống chế bội chi, tốc độ tăng trưởng tín dụng lại giảm, thì rõ ràng nguồn tiền để đầu tư phát triển sẽ thấp.
Cùng với đó, phải tiếp tục tái cơ cấu các TCTD và đặc biệt thực hiện tốt Nghị quyết Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 về đảm bảo an toàn của các ngân hàng có vốn góp của Nhà nước.
Về chính sách tài khoá thì vấn đề quan trọng nhất là đẩy nhanh đầu tư công. Bên cạnh đó là cải cách các thủ tục để làm sao nhà đầu tư có thể dễ dàng huy động vốn vào thị trường.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI:
Môi trường kinh doanh chuyển biến tích cực
Ông Đậu Anh Tuấn |
Năm 2018, qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đa số các DN trong và ngoài nước đều ghi nhận có sự chuyển biến tích cực về môi trường kinh doanh. Có thể điểm đến một số nét chính như:
Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực. Song, điều tra của VCCI cho thấy số lượng điều kiện kinh doanh vẫn lớn, tỷ lệ DN đang phải có giấy phép kinh doanh có điều kiện vẫn cao, ở mức 58%. Lưu ý là 42% DN trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép.
Thủ tục đăng ký kinh doanh cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đáng lưu ý hiện chỉ có 13% DN bình quân cả nước thực hiện thủ tục trực tuyến, ngoại trừ một số địa phương có tỷ lệ cao như Quảng Ninh, TP.HCM và Hà Nội.
Việc cải cách kiểm tra chuyên ngành trong năm vừa qua có một số tiến bộ. Một số quy định có thay đổi tích cực như Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP về hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm với cách thức quản lý chuyển hẳn từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm mạnh xin cho đã tháo gỡ nhiều gánh nặng cho DN, tiết kiệm chi phí và thời gian.
Việc nộp thuế của DN đạt thuận lợi hơn rất nhiều, chủ yếu do ứng dụng công nghệ thông tin. Năm vừa qua nét đáng chú ý là Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hoá đơn điện tử. Tuy nhiên, tình trạng quy định pháp luật thuế gây ra cách hiểu không thống nhất giữa DN và cơ quan thuế vẫn còn nhiều.
Cải cách thủ tục hành chính tại nhiều địa phương có tiến bộ, song việc triển khai thủ tục trực tuyến vẫn chậm và có nhiều trục trặc. Cơ chế một cửa đang phát huy hiệu quả tốt ở nhiều địa phương. Công tác tổ chức đối thoại giữa chính quyền tỉnh và DN được phát huy tốt. Trong khi đó, cơ chế tiếp nhận và phản hồi ý kiến qua email và điện thoại đường dây nóng lại chưa phát huy hiệu quả, đặc biệt là đối với DNNVV. Mô hình cà phê doanh nhân được nhiều DN hoan nghênh.
Cơ sở hạ tầng đã được cải thiện thời gian qua. DN hài lòng về chất lượng các dịch vụ cơ sở hạ tầng khá cao như điện thoại (78%), điện lực (74%), nước sạch (67%), internet (62%), khu công nghiệp (46%), giao thông (41%). Công tác thanh kiểm tra có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ DN bị thanh kiểm tra từ 2 lần cho biết kiểm tra trùng lặp đều giảm, dù tỷ lệ vẫn ở mức cao.
Như vậy, nhìn chung với sự quyết liệt của Chính phủ, môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2018 đã có những chuyển động tích cực, dù trên nhiều lĩnh vực vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của các DN. Lưu ý rằng, mức độ chuyển biến không đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn giữa các lĩnh vực và địa phương.
Cải thiện môi trường kinh doanh giống như quá trình dời ngọn núi, không thể bê ngay mà phải cần mẫn nhặt đá hàng ngày. Với sự tham gia của nhiều người, với những nỗ lực bền bỉ, chắc chắn sẽ thay đổi được không khí chậm chạp, mang tính hình thức, trễ nải của một số bộ, ngành… bởi không khí thay đổi là không thể khác được.
TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế:
Đẩy mạnh cải cách để củng cố lòng tin
TS. Võ Trí Thành |
Nhiều dự báo và cá nhân tôi cho rằng, kinh tế vĩ mô trong năm 2019 vẫn khá ổn định, thể hiện ở cả khả năng giữ được mục tiêu, cũng như sự tập trung trong triển khai thực hiện trên thực tế.
Bên cạnh đó, tôi tin tưởng công cuộc cải cách, tái cơ cấu mà nhất là về cải cách DNNN, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn sẽ được tiếp tục thúc đẩy, qua đó tạo lòng tin cho thị trường đối với quá trình cải cách cũng như tạo ra các cơ hội mới cho nền kinh tế.
Ngoài ra, việc đi vào thực thi Hiệp định CPTPP, hay tới đây là khả năng sớm ký kết, phê chuẩn EVFTA về thương mại trong nửa đầu năm 2019 cũng sẽ là những chất xúc tác giúp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, đồng thời giúp giảm thiểu rủi ro từ những bất định và nguy cơ tăng trưởng suy giảm của kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, với một nền kinh tế mở như Việt Nam thì bối cảnh năm 2019, những gam màu xám cũng còn nhiều, từ cả các yếu tố bên trong và bên ngoài. Về những yếu tố bên ngoài, nổi lên rõ nét nhất là tính bất định và rủi ro tăng lên: các vấn đề địa chính trị; những biến động bất thường của giá cả hàng hóa cơ bản, đặc biệt là giá dầu; chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục gia tăng và tính khó lường về quy mô, diễn tiến tiếp theo của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; diễn biến chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là động thái của Fed…
Cũng chính vì sự bất định và rủi ro gia tăng đó, hầu hết các dự báo gần đây đều nhận định tăng trưởng của kinh tế thế giới và khu vực sẽ chững lại, nếu không nói là có phần suy giảm trong năm 2019. Trong đó, tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới cũng được dự báo giảm và có tác động đến Việt Nam.
Trong khi đó, các thách thức trong nước cũng không ít. Như đối với ổn định kinh tế vĩ mô, nhìn tổng thể cũng còn có những lĩnh vực, chiều cạnh còn bấp bênh, chưa chắc chắn. Hơn nữa, tính bất định của thế giới cao hơn nên việc đẩy mạnh cải cách là rất quan trọng, tránh lòng tin của thị trường, nhà đầu tư, DN bị chùng lại.
Vì những yếu tố đó nên tôi cho rằng, năm 2019 cơ hội vẫn có nhưng chúng ta cần phải chuẩn bị nhiều kịch bản, dành sự chuẩn bị và sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất. Theo nghĩa đó, các chính sách phải gắn và kiên định với ổn định vĩ mô nhưng cũng cần linh hoạt, cả về mặt kịch bản và cả theo nghĩa điều hành.
Cũng vì như vậy, tôi cho rằng việc Quốc hội đặt ra các mục tiêu như tăng trưởng GDP từ 6,6-6,8%; CPI khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8% khá là vừa phải, thể hiện sự cẩn trọng và cũng phản ánh xu hướng của thế giới trong nhìn nhận về năm 2019.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam:
Sẽ quay trở về biên độ điều chỉnh tỷ giá hẹp
Ông Phạm Hồng Hải |
Trên thị trường ngoại hối, năm 2018 Fed có 4 lần tăng lãi suất, đồng USD mạnh hơn, các đồng tiền khác yếu đi so với USD và VND cũng không phải ngoại lệ. Điểm khác biệt với VND là trong khi các đồng tiền châu Á khác đã giảm giá trung bình 5-7% trong năm 2018, như đồng NDT của Trung Quốc giảm khoảng 6,43% thì VND chỉ giảm 2,7% theo tỷ giá thị trường. Điều này có nghĩa là VND thực tế đã tăng giá so với một số đồng tiền khác, ví dụ tăng khoảng 4% do với NDT hay 3% so với Euro.
Mặc dù có xu hướng giảm giá từ quý III/2018, VND vẫn tiếp tục ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực, do các yếu tố nội tại của nền kinh tế vẫn tốt như tăng trưởng GDP đạt cao hơn, lạm phát ở mức hợp lý và tiếp tục có thặng dư thương mại. Bên cạnh đó, NHNN đã tích cực chủ động sử dụng một số công cụ và chính sách để ổn định thị trường ngoại hối nhằm ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, do đó khó có khả năng sẽ có những biến động lớn đối với tiền đồng.
Với năm 2019, do Fed nhiều khả năng sẽ ngưng chu kỳ tăng lãi suất sau khi tăng hai lần nữa trong năm nay nên đồng USD nhiều khả năng sẽ không còn duy trì xu hướng tăng giá so với các đồng tiền khác. Nhờ đó, áp lực lên tỷ giá USD/VND cũng sẽ giảm và dự kiến VND sẽ quay trở về biên độ điều chỉnh tỷ giá hẹp trong năm 2019, trừ trường hợp đồng NDT mất giá mạnh.