Hợp tác để nhân lên sức mạnh
Không ngại thiếu cơ hội | |
Kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhất | |
Hỗ trợ DN, đưa nền kinh tế vượt khó |
“Nhà đầu tư như ong thụ phấn cho hoa”
Dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội thảo được Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) và Công ty KPMG tại Việt Nam tổ chức ngày 28/6/2016.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh: Trong nửa đầu năm 2016, Việt Nam đã duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô nhưng chưa thật vững chắc, tốc độ tăng trưởng còn thấp hơn kỳ vọng. Chính phủ, DN và cả xã hội phải nỗ lực rất lớn thực hiện để đạt mục tiêu đề ra.
Nhấn mạnh Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong thời gian tới, ông Dũng cũng lưu ý cộng đồng DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hợp tác với nhau để nhân lên sức mạnh.
Khẳng định vai trò lớn của FDI với nền kinh tế Việt Nam, ông Dũng cho biết, DN FDI như người công binh mở đường cho nền kinh tế Việt Nam... FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, đóng góp nhiều cho an sinh xã hội. “Các nhà đầu tư nước ngoài như con ong, ngoài việc đi tìm hoa hút mật còn làm nhiệm vụ là thụ phấn cho hoa đơm quả, cho cây quả sinh sôi nảy nở”, Bộ trưởng ví von.
Nhà đầu tư FDI đến Việt Nam để tìm lợi ích, bên cạnh đó là sự đóng góp, chia sẻ với người dân Việt Nam nhưng cũng không tránh khỏi có những hình ảnh chưa đẹp và ở đâu đó vẫn có một số vấn đề chưa tốt như xâm hại môi trường, chuyển giá, chiếm đất quá nhiều, suất đầu tư quá lớn, hiệu quả không cao… bởi có vài nhà đầu tư chưa tốt.
"Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút nhiều hơn FDI nhưng cũng sẽ phải có cơ chế, chính sách để điều chỉnh các hành vi này”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Đã tốt hơn nhưng tốt hơn bao nhiêu thì chưa có câu trả lời chính xác
Sự hỗ trợ lớn nhất, quan trọng nhất, quyết định nhất mà DN mong đợi ở Chính phủ vẫn là có một môi trường kinh doanh tốt. Mối lo ngại thời sự nhất, vấn đề nóng nhất hiện nay đó là hơn một nửa trong số hơn 6.000 điều kiện kinh doanh hiện nay cần phải loại bỏ. Và rất nhiều những thông tư quy định các điều kiện kinh doanh đang được khẩn trương nâng cấp thành nghị định đang dấy lên nỗi lo về chất lượng các nghị định này.
Trả lời vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói rằng: “Tôi khẳng định là tốt hơn". Bởi Chính phủ đã đưa thông điệp rất rõ ràng, các bộ cũng đang tham vấn ý kiến và Chính phủ đã đang và tiếp tục lắng nghe ý kiến thẳng từ DN. “Điểm cuối cùng tôi muốn nói, đợt rà soát điều kiện kinh doanh này mới là tập dượt. Việc rà soát sẽ cần phải được tiến hành hàng năm để sửa đổi cho phù hợp”, ông Hiếu nói.
Ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhấn thêm, việc xây dựng chính sách rất quan trọng, việc thực thi chính sách càng quan trọng, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách cần tăng cường thực thi chính sách cả từ phía cơ quan nhà nước và từ phía DN.
Giải đáp rõ hơn về chính sách thuế, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn - Tổng cục thuế cho biết, 22 năm qua, chính sách thuế đã thay đổi rất nhiều, các mức thuế đã giảm dần; quản lý thuế cũng có nhiều thay đổi. Ông cho biết những cải cách và hiệu quả rất tích cực từ việc ban hành một luật sửa nhiều luật thuế, ra một thông tư sửa nhiều thông tư về thuế…
Và ngay như trong năm 2016 có nhiều thay đổi như không đánh thuế các dịch vụ an sinh xã hội chăm lo người cao tuổi. Không áp thuế giá trị gia tăng với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi… Chính sách hoàn thuế, khấu trừ thuế được sửa đổi tạo điều kiện tốt nhất cho DN...
Đáp lại mong mỏi của GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch VAFIE, ông Phụng khẳng định, Chính phủ sẽ luôn hỗ trợ DN, chính sách thuế luôn vì DN. “Xin hứa với anh là 3 năm sau chúng ta sẽ bàn lại về chính sách thuế”, ông nói.