Cần thiết để tạo đầu tàu kéo các khu vực khác phát triển
Cần cơ chế đặc thù cho trường hợp đặc biệt | |
Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù để khép kín hệ thống đường vành đai | |
Vốn chuyển dịch theo cơ chế đặc thù |
Về cơ bản các đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết riêng cho TP. Hồ Chí Minh cũng cần thiết nhằm tạo đầu tàu phát triển để kéo các khu vực khác phát triển theo. TP. Hồ Chí Minh cũng là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; địa phương có đóng góp số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn cao nhất cả nước (khoảng 28%), tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương (NSTW) là 82%. Tuy nhiên, hiện nay Thành phố đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, môi trường, chưa có cơ chế, chính sách đột phá mạnh mẽ để phát triển nhanh, bền vững.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải |
Về việc giao Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh quyết định dự toán ngân sách Thành phố, phân bổ ngân sách bảo đảm phù hợp với các định hướng phát triển các lĩnh vực của Chính phủ, Quốc hội căn cứ dự toán NSNN hằng năm do Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao (khoản 3), báo cáo thẩm tra Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc cần tạo sự chủ động hơn cho chính quyền Thành phố trong việc xem xét, quyết định dự toán ngân sách hàng năm nhưng vẫn phù hợp với định hướng phát triển các lĩnh vực quan trọng của Chính phủ, Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị Thành phố cần ưu tiên cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ.
Có ý kiến đề nghị cho phép Thành phố quyết định dự toán ngân sách hàng năm nhưng trong trung hạn 5 năm phải đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Xung quanh nội dung về việc cho phép ngân sách Thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp Nhà nước do Ủy ban Nhân dân Thành phố quản lý và phần thu được từ thoái vốn Nhà nước tại các tổ chức kinh tế do Ủy ban Nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu, theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội trình bày, về cơ bản các đại biểu đồng ý với việc cho phép Thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn như Tờ trình của Chính phủ.
Riêng về số tiền 18.800 tỷ đồng đầu tư cho dự án chống ngập và 2 dự án bệnh viện tuyến cuối thuộc nguồn vốn do NSTW đảm bảo thì đa số ý kiến cho rằng, số thu từ cổ phần hóa phụ thuộc vào tình hình của thị trường, khó xác định trong tương lai, song các dự án này là dự án cấp bách, cần thiết đã được Quốc hội quyết định bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020. Do đó, đề nghị NSTW bố trí đủ 18.800 tỷ đồng cho Thành phố để thực hiện các dự án này theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội quyết định.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị trong điều kiện áp lực cân đối NSTW khó khăn, dự báo có thể tiếp tục giảm, nên nhất trí với đề nghị của Chính phủ không bổ sung từ NSTW cho Thành phố 18.800 tỷ đồng để thực hiện các dự án này như dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Khi thảo luận ở tổ, một số đại biểu băn khoăn việc ban hành Nghị quyết này có đủ cơ sở pháp lý không? Đại biểu Mùa A Vảng cho rằng, trong Điều 7, dự thảo Nghị quyết quy định trường hợp một số điểm trùng với các Luật khác thì áp dụng theo Nghị quyết này. Nếu áp dụng như vậy có lo ngại luật chưa nghiêm và có hợp lý không?
Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra thì Nghị quyết bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết; không gây ảnh hưởng lớn đến cân đối và vai trò chủ đạo của NSTW theo quy định của Hiến pháp năm 2013; đảm bảo kiểm soát mức tăng bội chi NSNN và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định.