Cấp thiết quản dự án “treo” tỷ đô
Đừng nên lơ là với vốn Nhật | |
10 tháng thu hút được hơn 17,61 tỷ USD vốn FDI, giảm 8,7% | |
Thu hút FDI cần thực chất hơn |
Năm 2017 là năm Việt Nam đạt mốc 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nếu tính từ khi có Luật Đầu tư FDI vào tháng 12/1987. Tuy nhiên, với con số lũy kế giải ngân vốn FDI đến tháng 10/2016 ước khoảng 188 tỷ USD, thì hiện nay tại Việt Nam vẫn còn khoảng 162 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đăng ký nhưng chưa thực hiện, bởi lũy kế thu hút FDI đến thời điểm tháng 10/2016 ước khoảng 350 tỷ USD.
Dễ dàng điểm mặt
Thực tế việc tìm ra những dự án FDI đã đăng ký vốn nhưng chưa thực hiện hoặc bị treo lại nhiều năm là không quá khó khăn. Đơn cử tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có thể kể ngay ra khoảng 5-6 dự án đang đóng góp hàng chục tỷ USD vào con số 162 tỷ USD FDI “ngâm tôm”. Đó là các dự án như: Saigon Atlantis Hotel (vốn đăng ký 4,1 tỷ USD); Hóa dầu Long Sơn (vốn đăng ký 4,5 tỷ USD); Hồ Tràm Strip (4,2 tỷ USD); Trung tâm Hội nghị triển lãm Dragon Sea (900 triệu USD)…
Tại các địa phương khác như Đồng Nai, TP.HCM và các tỉnh phía Nam cũng dễ dàng kể ra thêm hàng chục dự án nữa rơi vào trường hợp tương tự. Đó là các dự án như: Nhơn Trạch Berjaya (Đồng Nai, 2 tỷ USD); Khu đô thị Đại học quốc tế (TP.HCM; 3,5 tỷ USD); Lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên, 3,2 tỷ USD); Gang thép Guang Lian (Quảng Ngãi, 3 tỷ USD); Lọc dầu Cần Thơ (500 triệu USD)…
Lĩnh vực lọc hóa dầu được cho là lĩnh vực không nên tiếp tục thu hút FDI |
Nhiều năm nay, Bộ KH&ĐT vẫn công bố 2 số liệu liên quan đến thu hút vốn FDI là vốn đăng ký và vốn thực hiện. Vì thế bản thân cơ quan này vẫn biết rằng tiến độ thực hiện vốn FDI hàng tháng, hàng năm dù có tăng trưởng nhưng mức độ luôn không đạt như kỳ vọng. Ngay cả ở từng địa phương, khi đánh giá về hiệu quả của các dự án FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng phải thừa nhận sự chậm chạp giải ngân ở các dự án FDI khiến cho các tỉnh, thành bị ảnh hưởng tiêu cực. N
hiều dự án FDI treo lâu năm, gây xáo trộn đời sống dân sinh, biến động thị trường nhà đất, thậm chí gây thất thoát nguồn thu và mất cơ hội phát triển cho các vùng trọng điểm. Thế nhưng việc ứng xử với các dự án FDI chậm thực hiện vẫn đang là một vấn đề khiến các địa phương phải đau đầu, trăn trở. Không ít địa phương đã phải “cắn răng” chịu thiệt để thẳng thừng rút phép các dự án nước ngoài. Nhưng cũng không ít dự án cấp phép thì dễ mà rút phép sau nhiều năm lại kéo theo quá nhiều hệ lụy.
Lập “quy hoạch FDI” cấp quốc gia
Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, sở dĩ số lượng các dự án FDI chưa thực hiện đến thời điểm hiện nay đạt mức hàng trăm tỷ USD là vì suốt 2-3 thập kỷ vừa qua Việt Nam chưa có một quy hoạch thu hút FDI mang tính tổng thể và chi tiết. Những năm trước khi có Luật Đầu tư 2014 việc cấp phép cho các dự án FDI diễn ra khá dễ dãi, vội vàng ở nhiều địa phương dẫn tới tình trạng “cát cứ” nhiều khu đất vàng tại các khu vực thành thị.
Hiện nay, việc xử lý các dự án FDI chậm tiến độ tại các địa phương sở dĩ khó thực hiện là vì nhiều dự án mặc dù triển khai chậm so với kế hoạch nhưng đã được gia hạn nhiều lần và các DN FDI dù ít dù nhiều cũng đã đầu tư vào một số khâu xây dựng cơ bản. Các địa phương nếu đơn phương rút giấy phép đầu tư của các dự án FDI sẽ phải có đủ căn cứ pháp luật để thu hồi mà không bị chủ đầu tư kiện ngược trở lại. Ngoài ra, việc xử lý các tài sản mà DN FDI đã đầu tư trước thời điểm bị thu hồi giấy phép cũng sẽ hết sức khó khăn.
Để đẩy nhanh việc xử lý các dự án FDI chậm tiến độ, GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, trước mắt Bộ KH&ĐT, các địa phương cần kiểm tra toàn diện tình hình các dự án chưa triển khai để phân thành hai loại là dự án có khả năng thực hiện trong các năm 2016-2017 và dự án không thể triển khai.
Từ việc phân loại này, sẽ đưa ra các phương án đốc thúc các dự án nhóm 1 và xem xét loại bỏ các dự án nhóm 2. Việc loại bỏ các dự án nhóm 2, đầu tiên có thể thực hiện trên phương diện thống kê số liệu, sau đó căn cứ vào thực tiễn của từng dự án để đưa ra lộ trình thu hồi giấy phép và xử lý các tài sản của nhà đầu tư sau khi bãi bỏ dự án.
Ở góc độ lâu dài, ông Mại cho rằng, chính sách thu hút FDI của Việt Nam cần phải tính toán đến việc tái cơ cấu. Theo đó, cần đưa ra một quy hoạch cụ thể về quy hoạch thu hút FDI trên phạm vi toàn quốc dựa trên cơ sở quy hoạch phát triển ngành, vùng và danh mục dự án gọi vốn FDI của các địa phương cũng như danh mục quốc gia. Trong quy hoạch này cần tính tới việc thu hút đầu tư chiều sâu, không thiên về số lượng dự án. Ngoài ra phải gắn chặt những quy định về giám sát và đánh giá nhà đầu tư, đặc biệt là quản lý các dự án FDI sau khi cấp phép.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Mại, khi các địa phương đưa ra danh mục kêu gọi vốn FDI thì cũng cần tính toán đến các lĩnh vực đã hết khả năng phát triển. Chẳng hạn như lĩnh vực lọc hóa dầu và lĩnh vực xi măng hiện nay là những lĩnh vực không còn nhiều dư địa thuận lợi về kinh doanh hoặc ảnh hưởng quá tiêu cực đến môi trường. Vì vậy cần sử dụng “quyền lựa chọn” để từ chối các nhà đầu tư nước ngoài khi họ có ý định xin cấp phép đầu tư trên địa bàn địa phương.