Chậm thanh toán các dự án ODA sẽ ảnh hưởng xấu đến phát triển bền vững
Thay đổi chính sách, khơi dòng đầu tư công | |
Tăng cường giám sát vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương | |
8 tháng, vay nước ngoài hơn 2,3 tỷ USD; trả nợ hơn 1,1 tỷ USD |
Ông Fujita Yasuo - Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết, trong nửa đầu năm tài khóa 2017 (1/4/2017 – 30/9/2017), các dự án vốn vay ODA được triển khai một cách hiệu quả, đem lại nhiều thành quả vững chắc cho Việt Nam. Một số dự án điển hình như Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam đã được thông xe và Dự án hợp tác kỹ thuật chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho POLYVAC đã hoàn tất. Tính chung trong nửa năm tài khóa này đã có 3 dự án ODA mới với tổng trị giá là 61,8 tỷ yên, đã giải ngân được 51,2 tỷ yên. Tính từ tháng 1 đến tháng 9 thì có 5 dự án ODA mới ký kết với tổng giá trị vốn là 82,8 tỷ yên.
Ảnh minh họa |
Khẳng định “Nhật Bản sẽ tiếp tục là nhà tài trợ ODA tích cực cho Việt Nam” nhưng ông Fujita Yasuo tỏ ý không hài lòng với tiến trình giải ngân và thanh toán. Ông cho biết từ tháng 1 năm nay, nguồn vốn ODA đã được phân bổ, việc giải ngân đã được nối lại, nhưng giống như năm trước phát sinh tình trạng nhiều dự án bắt buộc phải dừng giải ngân. Tính đến thời điểm cuối tháng 9, tổng số tiền chưa thanh toán là khoảng 4 tỷ yên (tương đương khoảng 812 tỷ đồng).
“Nếu Chính phủ Việt Nam không tiến hành các biện pháp phân bổ thêm vốn cho các dự án và điều chỉnh lại ngân sách phân bổ cho từng dự án thì đến cuối năm nay có khả năng tổng số tiền thanh toán chậm của tất cả các dự án vốn vay ODA sẽ vào khoảng 20 tỷ yên (tương đương khoảng 4.060 tỷ đồng)”, vị trưởng đại diện cho biết. Ông tỏ ý rất lo ngại tình hình phân bổ vốn cho dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh - Tuyến số 1 và một số dự án khác do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ quản.
Bày tỏ quan ngại tình trạng chậm thanh toán sẽ dẫn đến những ảnh hưởng xấu đối với sự phát triển kinh tế bền vững, đồng thời làm giảm động cơ đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vị trưởng đại diện JICA lưu ý: “Nhà đầu tư coi thanh toán chậm trễ là một rủi ro kinh doanh nghiêm trọng”. Các dự án bị chậm thanh toán sẽ kéo theo chậm trả lương nhân viên, làm chậm tiến độ công trình, như vậy sẽ ảnh hưởng đến tổng cầu, tiếp theo là ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Ông hiểu rằng Chính phủ Việt Nam đang tăng cường kiểm soát nợ công ở mức cao hơn và thực hiện Luật Ngân sách và việc vay nợ, phân bổ vốn đã thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn tức theo mức giới hạn tối đa trong mỗi năm khiến những dự án đội vốn phải chờ được Quốc hội phê chuẩn nên chậm thanh toán. Nhưng bên cạnh đó, các vấn đề chung trong quá trình thực hiện của nhiều dự án ODA (bao gồm dự án vốn vay, dự án viện trợ không hoàn lại, dự án hợp tác kĩ thuật) bao gồm sự chậm trễ trong quá trình phê duyệt từ phía các cơ quan Việt Nam, giải phóng mặt bằng chậm... vẫn tiếp tục tồn tại.
Đánh giá cao việc từ tháng 8 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cải thiện cơ chế thực hiện các dự án ODA, đẩy nhanh việc thanh toán cho các dự án đang triển khai, đình chỉ hoặc hoãn các dự án có mức độ quan trọng thấp và không hiệu quả, vị trưởng đại diện cho rằng đây là sự tiến bộ nhất định trong việc giải quyết tình trạng chậm thanh toán. Nhưng ông vẫn bày tỏ “mong rằng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ nhanh chóng thực hiện những quyết định và thủ tục cần thiết để giải quyết các vấn đề này”. Cho rằng việc giới hạn trần nợ, khống chế giới hạn tối đa vay nợ trong năm là cần thiết, nhưng ông khuyến nghị giới hạn này cần được tính khoa học hơn, phù hợp hơn với nhu cầu đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Để các dự án ODA của Nhật Bản được thực hiện một cách thuận lợi và nhanh chóng, đạt được hiệu quả mong muốn, JICA đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục rà soát các thủ tục để nhanh chóng đưa ra những quyết định về việc phân bổ ngân sách cho các dự án vốn vay và đơn giản hóa thủ tục...
JICA cũng khẳng định trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác với Chính phủ Việt Nam ở mức độ cao hơn và mong muốn được thảo luận về các vấn đề như lập các dự án có độ ưu tiên cao, thực hiện triển khai các dự án một cách hiệu quả, sử dụng nguồn vốn từ khu vực tư nhân, thúc đẩy đầu tư vốn từ các DN Nhật Bản...