Chiến lược phát triển thị trường năng lượng: Tạo cơ chế để thu hút đầu tư
Mở cửa cho tư nhân bỏ vốn vào điện sạch | |
Phát triển năng lượng: Áp lực huy động vốn | |
Cơ hội thu hút FDI vào năng lượng xanh |
Ông Ngô Đông Hải - Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết, trong những năm đổi mới đến nay, chiến lược phát triển an ninh năng lượng của nước ta cơ bản đã theo kịp và đáp ứng được 2 yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, khi nước ta đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế-xã hội, đã đặt ra rất nhiều yêu cầu mới về năng lượng. Chiến lược an ninh năng lượng quốc gia cần rõ ràng, minh bạch để thu hút các nguồn đầu tư. |
Năng lượng chính là đầu vào thiết yếu của các ngành sản xuất và cuộc sống, ông nhìn nhận như thế nào về chiến lược phát triển năng lượng?
Chiến lược phát triển an ninh năng lượng nói chung, phát triển nguồn cung điện nói riêng là bài toán hết sức phức tạp và toàn diện. Việc xây dựng các chiến lược năng lượng tái tạo, kết hợp tiếp tục duy trì và phát triển các nguồn năng lượng cơ bản như nhiệt điện, thủy điện là bài toán cần có sách lược rành mạch, đáp ứng được nhu cầu cụ thể trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia từng thời kỳ, đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như xu hướng phát triển của hội nhập quốc tế.
Để làm được như vậy cần phải tiếp cận từ 2 phía. Đó là phát huy tối đa nguồn cung thông qua huy động và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược; Đồng thời, cần tác động về phía cầu là hành vi, công nghệ trong sử dụng điện.
Phải tạo cơ chế để phát triển thị trường năng lượng |
Về quan điểm chung, nước ta đang phát triển thị trường đồng bộ và toàn diện. Thị trường năng lượng cũng phải tham gia vào định hướng đó. Tuy nhiên, giá năng lượng là một bài toán đòi hỏi nhiều cân nhắc từ các khía cạnh khác nhau. Hiện Chính phủ đang có những chính sách điều chỉnh giá điện phù hợp. Một mặt phải đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng; mặt khác cũng tính toán điều chỉnh giá điện sao cho khuyến khích đầu tư các nguồn cung năng lượng, đặc biệt là các nguồn cung năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
Sẽ đến lúc phải phân định rõ đâu là giá điện phục vụ công ích, đâu là giá phục vụ kinh doanh theo thị trường. Với chiến lược rành mạch như vậy thì giá năng lượng nói chung, giá điện nói riêng sẽ theo kịp với thị trường và mặt bằng quốc tế chung.
Vậy theo ông, thách thức lớn nhất trong phát triển năng lượng của Việt Nam hiện nay là gì?
Thách thức lớn nhất hiện nay là đáp ứng cho yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh không tiếp tục triển khai các nhà máy điện hạt nhân, cũng như tiềm năng thủy điện về cơ bản đã khai thác hết. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội. Một là dư địa tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng điện vẫn còn rất nhiều. Nếu chúng ta có chiến lược, chính sách khuyến khích tiết kiệm thì áp lực về an ninh năng lượng sẽ giảm rất nhiều. Thứ hai là chúng ta có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời, gió.
Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển lĩnh vực này và tới đây, đó sẽ là nguồn năng lượng thay thế quan trọng. Và trong xu thế hội nhập, chúng ta phải tính toán sử dụng những tiềm năng năng lượng, kết nối an ninh năng lượng trong khu vực. Như thế, một mặt vừa đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước nhưng cũng góp phần tạo dựng thị trường năng lượng khu vực bền vững.
Nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng của nước ta đang phụ thuộc quá nhiều vào những ngành tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm và khuyến cáo rằng nên có sự sàng lọc các dự án đầu tư vào lĩnh vực này. Quan điểm của ông?
Đúng là như vậy. Như chúng ta đều biết nền kinh tế nước ta phát triển chủ yếu về chiều rộng mà chưa có chiều sâu. Biểu hiện rõ nhất là mức độ thâm dụng vốn, thâm dụng lao động, đặc biệt thâm dụng năng lượng rất lớn. Cần phải suy nghĩ một cách thấu đáo, đặt vấn đề tiết kiệm năng lượng lên tất cả các diễn đàn. Để giải quyết bài toán tiết kiệm phải xuất phát từ ít nhất 2 yếu tố là công nghệ và hành vi. Đặc biệt trong sản xuất thì yếu tố công nghệ là hàng đầu.
Đặt bài toán tiết kiệm là yêu cầu bắt buộc, đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật. Như thế vừa đảm bảo giảm áp lực về an ninh năng lượng, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để nền sản xuất chuyển đổi công nghệ, tiếp cận năng lượng hiện đại tiết kiệm, thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững trong thời gian tới.
Thưa ông, giai đoạn 2016-2030, tổng vốn đầu tư cho năng lượng dự kiến rất lớn, lên tới 148 tỷ USD, chưa kể vốn đầu tư BOT. Theo ông, chúng ta cần làm gì để thu hút được nguồn vốn lớn như vậy?
Đây cũng là thách thức rất lớn với nước ta trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, bài học từ các nước cho thấy, việc đầu tư cho phát triển các nguồn năng lượng không chỉ đến từ nguồn ngân sách quốc gia. Nếu triển khai các cơ chế chính sách đầy đủ, đúng đắn, có thị trường năng lượng đồng bộ thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nguồn đầu tư để giải quyết bài toán an ninh năng lượng.
Việc giải quyết nguồn đầu tư trước hết chính là tạo cơ chế để phát triển thị trường năng lượng trong thời gian tới. Phải có chiến lược phát triển thị trường năng lượng minh bạch và phù hợp thì mới có cơ sở để thu hút đầu tư.
Xin cảm ơn ông!