Thách thức vượt qua khó khăn kinh tế
GDP 2016 không đạt mục tiêu đề ra | |
Đại biểu Quốc hội TP.HCM: Muốn có giải pháp đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu | |
Cần đánh giá cụ thể về hoạt động KHCN trong việc thúc đẩy CNH-HĐH |
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày hôm nay, 20/10. Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, không ít chỉ tiêu kế hoạch đặt ra đang có biểu hiện “hụt hơi” trên thực tế, nên giải pháp thúc đẩy tăng trưởng có lẽ là một trong những nội dung được chờ đợi sẽ có nhiều thảo luận sôi nổi, với các giải pháp đề xuất sát thực tế...
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng GDP đạt 5,93%, thấp hơn mức 6,63% của cùng kỳ năm trước. Dự báo, tăng trưởng GDP cả năm nay chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 6,7%.
Lý giải về nguyên nhân khiến tốc độ tăng GDP thấp hơn kế hoạch đề ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết chủ yếu do hậu quả của rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung... tác động đến phát triển nông nghiệp, thủy sản. Bên cạnh đó, sự giảm sản lượng của công nghiệp khai khoáng cũng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng chung.
“Nếu tăng trưởng của 2 ngành này bằng tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước thì tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 có thể đạt 6,84%, cao hơn 6,32% của 6 tháng đầu năm 2015 và tăng trưởng cả năm 2016 sẽ vượt mức kế hoạch đã đề ra, đạt 6,74%”, ông Dũng phân trần.
Tuy nhiên, “mổ xẻ” thực trạng hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng các phân tích chủ yếu đề cập đến những nguyên nhân khách quan mà chưa phân tích rõ về những nguyên nhân chủ quan. Bởi theo ông, nếu nhìn rộng hơn, sự sụt giảm tăng trưởng của nông nghiệp cho thấy những bất cập của một nền nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hiệu quả thấp và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.
Trong khi đó, hệ thống DN là động lực phát triển nhưng cả khu vực nhà nước và tư nhân đều yếu về thực lực và sức cạnh tranh, số DN đăng ký nhiều nhưng số DN đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 57% so với số đăng ký (trong số 941 nghìn DN đăng ký, chỉ có 535 nghìn đang hoạt động). Một số DN còn lợi dụng chính sách “tiền đăng, hậu kiểm” để thành lập DN trục lợi bất chính.
Cơ cấu thị trường tài chính cũng chưa hợp lý. Thị trường vốn và thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn so với thị trường tiền tệ. Chưa tạo được kênh thu hút vốn xã hội để đầu tư phát triển dẫn đến tình trạng DN không dám đầu tư trung và dài hạn cho nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ.
Trong khi đó, một số đại biểu khác có ý kiến rằng việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối, dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra. Khi nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, trong khi cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu thu và chi ngân sách chưa hợp lý... Như vậy, cần đánh giá kỹ hơn về nhận định: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh.
Năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,7%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; bội chi ngân sách nhà nước không vượt quá 3,5% GDP; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%.
Để đạt mục tiêu này, các ý kiến cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tiếp tục tập trung vào 3 trọng tâm và tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế...