Chúng ta cần gì ở những đặc khu kinh tế
Việc thành lập các đặc khu hành chính - kinh tế tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đang được quan tâm đặc biệt với hy vọng đây là bước đột phá trong phát triển kinh tế của Việt Nam khi có cơ hội tạo được những không gian kinh tế theo đúng tiềm năng địa kinh tế của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để thử nghiệm cách thức đổi mới thể chế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Ảnh minh họa |
Sự đột phá, đổi mới đầu tiên với đặc khu, đó là mô hình tổ chức chính quyền địa phương và đây chính là vấn đề đang có nhiều quan điểm khác nhau. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu phải bảo đảm yêu cầu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp, phân quyền và giao quyền tự chủ mạnh cũng như phải rõ chế độ trách nhiệm. Mô hình chính quyền này phải khắc phục được những bất cập về tệ quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền, thủ tục hành chính rườm rà, bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu quả…
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Luật cần thiết kế các quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, xử lý các mối quan hệ ngang/dọc của từng thiết chế trong bộ máy chính quyền địa phương và cơ chế vận hành... để khai thác tốt nhất các tiềm năng và lợi thế vượt trội, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước theo đúng yêu cầu của Bộ Chính trị.
“Cần phân biệt rất rõ là chúng ta xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu với đầy đủ các yếu tố của một cơ quan thực thi quyền lực Nhà nước chứ không phải mô hình quản lý của các khu kinh tế tập trung. Nếu chỉ là mô hình quản lý khu kinh tế thì áp dụng vào điều kiện nước ta để xây dựng chính quyền các đặc khu cũng sẽ không phù hợp”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu phát biểu.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, GS.TS.Phan Trung Lý cho biết, theo tờ trình của Chính phủ thì phương án 1 có nhiều ưu điểm, đáp ứng yêu cầu tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương nhưng lại lúng túng trong bảo đảm yêu cầu giám sát, kiểm tra và kiểm soát quyền lực. Đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước thì không thể thiếu sự giám sát của Quốc hội.
Một đột phá nữa dự án Luật đưa ra đó là chính sách thu hút đầu tư thông qua ưu đãi về đất đai tại đặc khu với thời hạn sử dụng đất kéo dài tới 70 năm (theo pháp luật hiện hành là 50 năm), trong trường hợp được phép của Thủ tướng Chính phủ thì thời hạn được kéo dài tới 99 năm. Nhiều ý kiến tỏ ra e ngại về nội dung này với nỗi lo bị nhà đầu tư nước ngoài “chiếm đất”.
Các ý kiến góp ý cho rằng làm rõ các điều kiện cần ràng buộc đối với nhà đầu tư khi Nhà nước giao đất thực hiện dự án đầu tư hoặc nhà đầu tư thực hiện quyền chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, mua bán, sở hữu nhà ở, bất động sản… ở đặc khu để tránh tình trạng lạm dụng các chính sách, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước.
Trước khi nêu ý kiến đóng góp về dự án luật, GS.TSKH.Đặng Hùng Võ nêu vấn đề: Trước hết cần làm rõ mục tiêu của việc thiết lập các đặc khu để làm gì. Nói giản dị hơn, chúng ta cần tìm câu trả lời cho câu hỏi “chúng ta cần gì ở những đặc khu?”.
GS.Đặng Hùng Võ nhắc lại Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xác định “xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”. Như vậy, việc thành lập các đặc khu có 2 mục tiêu rất cụ thể, một là tạo cực tăng trưởng kinh tế và hai là thử nghiệm đổi mới tổ chức, thể chế.
Việc xác định 2 mục tiêu nói trên là hoàn toàn đúng đắn vì đổi mới tổ chức, thể chế là một nhu cầu rất cần thiết, theo ông Võ. Ông cho rằng thời hạn sử dụng đất như dự thảo luật là cần thiết để tạo ưu đãi thực sự và tâm lý ổn định, đầu tư lâu dài, đầu tư công trình lớn cho các nhà đầu tư.
Ông Võ nghiêng về ủng hộ ý kiến chọn mô hình chính quyền địa phương theo phương án chính quyền đặc khu không có Hội đồng Nhân dân. Thuyết minh cho quan điểm của mình, ông Võ nói Nhà nước ta đã quyết định thử nghiệm việc bỏ Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã tại một số địa phương nhưng chưa đưa ra được kết luận nào, phương pháp luận vẫn tiếp tục duy trì 3 cấp Hội đồng nhân dân như cũ. Thử nghiệm lần này tại các đặc khu có thể dẫn tới những kết luận quan trọng về đổi mới tổ chức, thể chế. Tất nhiên, việc đổi mới tổ chức, thể chế chỉ là đổi mới phương tiện, kết quả tăng trưởng kinh tế mới là độ đo thực của đổi mới tổ chức, thể chế.