Củng cố tài khóa nhìn từ mở rộng cơ sở thu
Bộ Tài chính khẳng định quyết tâm thu ngân sách vượt dự toán | |
Cân nhắc nguồn ngân sách cho siêu đô thị | |
Phải giữ nghiêm kỷ luật ngân sách |
Thu nội địa tăng và cần tăng hơn nữa
Dù đã có nhiều cải thiện nhưng bội chi ngân sách lớn, nợ công tăng cao, tỷ lệ thu ngân sách/GDP giảm và chi tiêu công chưa hiệu quả… đang gây trở ngại cho tăng trưởng và gây rủi ro cho ổn định kinh tế vĩ mô, khiến dư địa vận dụng chính sách tài khóa nhằm đối phó với các biến động ngày càng bị thu hẹp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc củng cố tài khóa là yêu cầu ngày càng quan trọng và cấp thiết. Theo đó bên cạnh các biện pháp tất yếu là tập trung vào hạn chế tăng chi, tiến tới giảm chi và nâng cao hiệu suất chi tiêu là các giải pháp mở rộng cơ sở thu nội địa trong bối cảnh thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu giảm cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Cần có một lộ trình củng cố để đảm bảo bền vững tài khóa song không hoặc ít làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế |
Trong báo cáo “Điểm lại” cập nhật kinh tế Việt Nam của WB cho rằng trong những năm gần đây, bên cạnh những thành tựu trong cải cách quản lý thuế, Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi hệ thống chính sách thuế theo hướng ít phụ thuộc hơn vào các nguồn bên ngoài (thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu). Tỷ lệ thu nội địa trên tổng thu tăng từ 52,3% (giai đoạn 2001-2005) lên đến 58,9% (giai đoạn 2006-2010) và ước đạt gần 68% (giai đoạn 2011-2015). Mức tăng trên phần nào đã giúp bù đắp cho số giảm thu về xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô.
Tuy nhiên, xu hướng tăng thu ngân sách đang chậm hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ thu từ ngân sách nhà nước so với GDP đã giảm từ 26,4% trong giai đoạn 2006-2010 xuống 23,4% trong giai đoạn 2011-2015. Thu ngân sách giảm một phần do giảm chủ động vì thực hiện những cải cách thuế nhằm cải thiện môi trường đầu tư và cắt giảm thuế quan nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.
Một phần quan trọng khác là do giá dầu và giá hàng hóa xuất nhập khẩu giảm, xuất khẩu cũng không tăng cao như kỳ vọng và thu ngân sách đang dựa nhiều vào thu nội địa. “Điều này phù hợp với xu thế hội nhập và WB cho rằng thời gian tới Việt Nam nên tập trung vào các phương án chính sách cụ thể như: Mở rộng cơ sở thu thuế giá trị gia tăng (GTGT); Mở rộng cơ sở thu thuế thu nhập DN (TNDN) và rà soát các hình thức ưu đãi thuế; Tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt; Mở rộng cơ sở thu thuế thu nhập cá nhân phù hợp với thông lệ quốc tế; Xây dựng hệ thống thuế tài sản hiện đại và hợp lý hóa các chính sách thu liên quan đến tài nguyên và bảo vệ môi trường…
Tăng thu từ đâu?
Đơn cử với thuế GTGT, thông lệ quốc tế thường chỉ có một mức thuế suất GTGT duy nhất và diện miễn giảm rất hạn chế. Trong khi đó, Việt Nam hiện quy định 26 nhóm mặt hàng không chịu thuế GTGT, 15 nhóm mặt hàng chịu thuế 5%, còn các mặt hàng còn lại chịu thuế 10%. Theo ông Sebatian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, điều này không chỉ làm hẹp cơ sở thuế mà còn làm ngắt chuỗi khấu trừ đầu vào đầu ra thuế GTGT, gây phức tạp cho công tác quản lý. “Để xử lý các vấn đề này, cần cân nhắc từng bước thu hẹp danh mục không thuộc diện chịu thuế GTGT, chuyển các mặt hàng chịu thuế 5% sang 10%, tiến tới áp dụng thuế suất thuế GTGT duy nhất”, chuyên gia này đề xuất.
Ông Sebatian Eckardt cũng nhấn mạnh, ở Việt Nam thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt còn tương đối thấp đối với một số mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng như thuốc lá, rượu, bia... Việc từng bước mở rộng phạm vi áp dụng và tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng lựa chọn sẽ đem lại tác động tích cực đối với ngân sách về huy động thu, thay đổi thói quen của người tiêu dùng theo hướng giảm tiêu dùng các mặt hàng không có lợi cho sức khỏe và môi trường.
WB cho rằng, cần mở rộng cơ sở thu thuế TNDN và rà soát các hình thức ưu đãi thuế để điều chỉnh hợp lý các quy định ưu đãi thuế, tránh ưu đãi không phù hợp, dàn trải, gây lãng phí nguồn lực… Cần xây dựng chính sách thuế tài sản thống nhất, từng bước đưa thuế tài sản trở thành một trong những nguồn thu quan trọng và ổn định cho NSNN và nâng cao động lực sử dụng đất đai và tài sản hiệu quả hơn.
Hợp lý hóa các chính sách thu liên quan đến tài nguyên và bảo vệ môi trường là biện pháp quan trọng tiếp theo được khuyến nghị tuy nhiên phải tính toán việc bổ sung đối tượng chịu thuế, thời điểm tính thuế, điều chỉnh khung, mức thuế suất sao cho đảm bảo phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Song song với những thay đổi về chính sách thuế, một ưu tiên nữa là cải cách quản lý thuế. Báo cáo của WB khuyến nghị: Cần tiếp tục rà soát có hệ thống và thực hiện tái thiết kế quy trình nghiệp vụ, chuyển sang các hoạt động quản lý thuế dựa trên thông tin minh bạch và áp dụng kiểm tra dựa trên rủi ro để quản lý tuân thủ tốt hơn. Triển khai đầy đủ các biện pháp này không chỉ giúp tăng cường hiệu suất và hiệu quả quản lý thuế để tối đa hóa số thu mà còn giảm được chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và cải thiện môi trường kinh doanh một cách căn bản.
Báo cáo “Chẩn đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam” của Ban Kinh tế Trung ương và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng khuyến nghị, cần tiếp tục cải cách các quy định chính sách, pháp luật thuế theo hướng ổn định, có tính dự đoán cao, minh bạch, rõ ràng và dễ thực hiện. Cơ quan thuế và các cơ quan liên quan cũng cần rút ngắn thời gian và giảm tần suất thanh kiểm tra, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.