Để thúc đẩy cổ phần hóa thành công
SCIC chia sẻ kinh nghiệm cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp | |
Cổ phần hóa DNNN ì ạch do vướng thủ tục đất đai |
Sabeco là một điển hình về CPH thành công |
Chậm vì lo trách nhiệm
Đến giờ này, có lẽ không còn ai không hiểu CPH, thoái vốn sẽ mang lại hiệu quả và lợi ích to lớn nhường nào cho nền kinh tế và đặc biệt là cho chính các DNNN được CPH. Thực tế những năm qua cho thấy, việc các DNNN - nhất là các tập đoàn và tổng công ty lớn – sau khi CPH, niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã cung cấp cho thị trường một lượng hàng hóa có chất lượng và tác động mạnh đến sự phát triển của thị trường vốn.
Trên các sàn chứng khoán hiện nay, rất nhiều DN lớn, hoạt động hiệu quả có “gốc gác” từ các DNNN khi họ “dám chơi” với cơ chế thông tin minh bạch, cơ chế giám sát thị trường, quản trị công ty tốt…
Nếu CTCP Sữa Việt Nam (VNM) là một DNNN rất thành công sau CPH và đã trở thành ví dụ điển hình thì một cái tên khác là CTCP Cơ điện lạnh (REE) – một DNNN được CPH và là một trong những DN đầu tiên niêm yết trên TTCK vào năm 2000 – cũng có thể coi là trường hợp thành công khác. Tính đến hết năm 2018, tổng tài sản của DN này đã tăng lên 62 lần, vốn chủ sở hữu tăng hơn 60 lần, vốn điều lệ tăng 20 lần, doanh thu tăng 22 lần và lợi nhuận tăng 63 lần so với trước CPH.
Lợi ích và hiệu quả mang lại là vậy nhưng tiến trình CPH, thoái vốn DNNN xem ra ngày càng chậm dần đều. Có vô vàn kiến giải về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và bài viết cũng không có ý định nhắc lại, bởi nếu không câu chuyện sẽ trở lại điệp khúc muôn thuở và nguyên nhân thì trước đây hay hiện nay cũng vẫn vậy, chỉ là nếu bị “điểm tên” phải vào danh sách CPH thì họ nêu ra mà thôi, nhất là trong bối cảnh “lò” đang rất nóng hiện nay.
Do đó, vấn đề muốn nói tới ở đây là làm sao giải được bài toán không hề dễ giữa chủ trương và quyết tâm với thực tế triển khai CPH, thoái vốn. Bởi nếu chủ trương đúng nhưng tính quyết liệt “vừa vừa”, cùng với đó là các cơ chế thực hiện không chặt chẽ, lộ trình thiếu rõ ràng thì rất dễ dẫn đến tình trạng “mặc kệ” (dẫn đến chậm trễ) hoặc lợi dụng, lách luật để trục lợi (thất thoát, làm giảm hoặc mất giá trị tài sản) của các DNNN phải CPH.
Trong khi đó nếu chủ trương đúng, tính quyết liệt cao, cơ chế thực hiện nghiêm ngặt, lộ trình rõ ràng và đặc biệt là yêu cầu trách nhiệm cao đến từng vị lãnh đạo DNNN phải CPH thì cũng rất dễ dẫn đến tư tưởng thà chấp nhận bị kỷ luật vì không làm gì còn hơn là làm mà bị tội.
Đây có lẽ chính là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao khi cơ quan quản lý đưa ra những cơ chế, quy định mới nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập để thúc đẩy CPH và thoái vốn thì lập tức lại phát sinh những vướng mắc mới và các DNNN lại viện đủ lý do để thoái thác, chậm trễ.
“Tâm lý sợ trách nhiệm của các lãnh đạo DNNN theo tôi là nguyên nhân chính đến việc CPH trong hai năm qua chững lại. Tiến trình CPH đang gặp vấn đề ở định giá tài sản, không ai xác định được giá trị đất đai và cũng không ai muốn thực hiện việc đó cả”, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế Trưởng VEPR nhận định.
Khất lần và động lực
Như vậy, có lẽ mấu chốt chính để tiến trình CPH, thoái vốn ở các DNNN nằm ở cách làm, cụ thể là làm sao để với chủ trương và quyết tâm cao của Chính phủ, các DNNN phải CPH không sợ trách nhiệm, sợ vi phạm mà chùn bước, ngược lại họ dám làm và có động lực để làm. Trong nhiều giải pháp thúc đẩy tiến trình CPH đã và đang được tiến hành, các chuyên gia nhìn nhận việc gắn CPH với đăng ký niêm yết giao dịch trên TTCK là một giải pháp hữu hiệu cần được thúc đẩy. Thực tế thời gian qua có nhiều DNNN sau CPH nhưng “khất lần” với niêm yết dù đã có quy định rõ ràng và đã có nhiều DN bị xử phạt vì vi phạm này.
Để xử lý vấn đề này, đã đến lúc chỉ chấp nhận phương án CPH nếu DNNN đó đảm bảo giải quyết được hết mọi ách tắc, vướng mắc. Điều này có nghĩa là, cần dứt khoát với phương châm thà tắc thì tắc ngay từ khâu chấp nhận phương án CPH của DNNN đó và xây dựng cơ chế để xử lý với các vấn đề vướng mắc như vậy. Còn một khi phương án CPH đã được thông qua thì không chấp nhận tình trạng trễ niêm yết, sợ minh bạch dù vì bất cứ lý do gì, đồng thời làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm với những cá nhân ở những DNNN đã CPH mà không niêm yết theo đúng lộ trình cho phép.
Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng, để CPH hấp dẫn nhà đầu tư (NĐT) thì cần hiểu rõ NĐT quan tâm đến yếu tố gì ở DNNN đó. “Tôi nghĩ một trong những quan tâm lớn nhất của NĐT đối với các DNNN hiện nay đó là các tài sản của DNNN đó, ở đây thể hiện chủ yếu ở những đất đai mà DNNN nắm giữ”, chuyên gia này nói. Nhưng như vị này đã nói ở trên, việc định giá được các tài sản đất đai này là rất nhạy cảm và khó khăn. Bởi ngay cả khi giao cho DN đi thuê các bên định giá bên ngoài vào cũng chưa chắc đã khách quan.
“Khi không biết tài sản đó được định giá là bao nhiêu thì tốt nhất là để cho thị trường định giá bằng cách niêm yết và công bố một lộ trình thoái vốn”, PGS.TS. Phạm Thế Anh nói và phân tích: "Tức là DNNN đó khi niêm yết phải công bố rõ lộ trình thoái vốn và mức thoái (và sẽ chỉ thoái vốn sau khi đã niêm yết). Các NĐT trên thị trường sẽ nhìn vào để biết được lộ trình thoái của DN đó như thế nào để họ có dự định đầu tư. Nếu NĐT quan tâm đến DN đó thì họ sẽ trả giá phù hợp cho cổ phiếu đó. Và được phản ánh qua giá trên thị trường như vậy sẽ giúp định giá được giá trị của DN này. Chuyên gia này cũng đề xuất, lộ trình thoái vốn phải rõ ràng về mặt thời gian và mức độ thoái nhưng nên theo hướng thoái dần thay vì chào bán một cách ồ ạt".
Theo bà Lê Thị Thu Hà - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một trong các giải pháp thị trường khác là cần tính đến việc kéo dài thời gian công bố thông tin (CBTT), nâng cao tiêu chuẩn CBTT (theo tiêu chuẩn của các công ty đại chúng) và chủ động CBTT bằng tiếng Anh - tạo điều kiện cho các NĐT nước ngoài có thể dễ tiếp cận. Theo bà Hà, việc các DNNN nhận thức được lợi ích của việc đưa cổ phiếu lên niêm yết, cũng như xác định mục tiêu cao nhất của CPH là tạo ra sự thay đổi trong cơ chế quản trị, điều hành DN và tăng cường hiệu quả hoạt động của DN sau CPH sẽ là những yếu tố quan trọng để CPH thành công.
Cùng quan điểm trên, ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng, đẩy nhanh tiến trình CPH là việc cần làm bởi càng để lâu những DNNN làm ăn kém hiệu quả càng sử dụng lãng phí nguồn lực, đặc biệt là đất đai cho những kết quả mang lại ít giá trị gia tăng hơn, trong khi khu vực tư nhân cảm thấy khó có thể cạnh tranh được một khi các DNNN ấy còn đứng choán đường ở đó.
“Nhưng CPH không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu quan trọng nhất của CPH là cải thiện hiệu quả và công tác quản trị của các DNNN để giúp các DN hiệu quả hơn, hoạt động dựa trên những nguyên tắc kinh doanh và thị trường nhiều hơn. Do đó, nhu cầu ở đây không chỉ là CPH mà phải biến những DNNN đó thành những DN thực sự và phải dành một không gian để các DN tư nhân cạnh tranh một cách bình đẳng”, ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.