Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/10
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/10 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/10 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 14-18/10 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 23/10, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.154 VND/USD, tăng 6 đồng so với phiên trước, bên cạnh đó tỷ giá bán niêm yết ở mức 23.799 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.204 VND/USD, ít biến động so với phiên trước. Tỷ giá trên thị trường tự do giao dịch ổn định tại 23.180 - 23.210 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng phiên hôm qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND đồng loạt giảm ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, các mức lãi suất giao dịch tại: qua đêm 1,75%; 1 tuần 1,93%; 2 tuần 2,15% và 1 tháng 2,48%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng nhẹ; giao dịch tại: qua đêm 1,97%; 1 tuần 2,1%; 2 tuần 2,21%, 1 tháng 2,4%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp cũng đồng loạt giảm ở tất cả các kỳ hạn.
Nghiệp vụ thị trường mở ngày 23/10, Ngân hàng Nhà nước huy động được toàn bộ 15.000 tỷ đồng tín phiếu chào thầu, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 2,25%. Với 18.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 3.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức 78.000 tỷ đồng. Kênh OMO tiếp tục không phát sinh giao dịch.
Thị trường chứng khoán kết thúc phiên giao dịch 23/10, VN-Index tăng 0,6 điểm (+0,06%) lên 987,79 điểm; giảm 0,35 điểm (-0,33%) xuống 104,14 điểm; UPCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,32%), lên 56,6 điểm.
Tổng giá trị giao dịch đạt 3.820 tỷ đồng, giảm so với mức 4.359 tỷ đồng của phiên trước. Khối ngoại bán ròng 20 tỷ đồng trên cả ba sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Thị trường trái phiếu ngày 23/10, Kho bạc Nhà nước huy động toàn bộ 4.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 7 năm đến 30 năm. Trong đó, kỳ hạn 7 năm và 30 năm huy động được 500 tỷ đồng/kỳ hạn; kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được 1.500 tỷ đồng/kỳ hạn. Lãi suất phát hành tiếp tục giảm mạnh từ 22 - 57 điểm so phiên trước.
Kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD (chiếm 6,4% GDP), tăng nhẹ so với 16 tỷ USD của năm 2018. Theo dữ liệu kiều hối thường niên mới cập nhật của World Bank, Việt Nam đứng thứ 9 trong 10 quốc gia được dự báo sẽ nhận nhiều kiều hối nhất năm 2019.
Trong hai thập kỷ qua, kiều hối chuyển về Việt Nam tăng đều, từ mức hơn 1,3 tỷ USD vào năm 2000 và chỉ giảm duy nhất vào năm 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
World Bank cũng đưa ra dự báo tăng trưởng dòng kiều hối về các nước thu nhập thấp và trung bình sẽ giảm xuống còn 4,7% trong năm 2019, 4,2% trong năm 2020 và 4% trong năm 2021 chủ yếu do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế tại các nước nguồn, giá dầu và biến động tỷ giá.
Tin quốc tế
Theo Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang, chỉ số giá nhà HPI Mỹ tháng 8/2019 tăng 0,2% so tháng trước, thấp hơn mức tăng 0,4% của tháng 7/2019 và của các chuyên gia kinh tế. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này tăng 4,6%.
Trong một diễn biến liên quan khác, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 10/2019 ước tính giảm ở cả khu vực đồng Euro (giảm 1,1 điểm) và Liên minh Châu Âu (giảm 0,9 điểm). Tại mức -7,6 (khu vực đồng Euro) và -7,3 (Liên minh Châu Âu), chỉ số này vẫn cao hơn mức trung bình dài hạn tương ứng là -10,7 và -10,0.
Chỉ số giá tiêu dùng lõi của Nhật Bản trong tháng 9/2019 chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng với dự báo thị trường và thấp hơn so mức tăng 0,5% trong tháng 8/2019.
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng lõi (không bao gồm sự biến động của giá thực phẩm tươi sống) đã tăng tháng thứ 33 liên tiếp nhưng đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2017 của chỉ số này.
Lạm phát giảm đang đặt ra thách thức khiến Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) phải đối mặt trong việc thực hiện mục tiêu lạm phát 2%, đặc biệt tại thời điểm nền kinh tế lớn thứ ba thế giới gặp rủi ro từ sự suy giảm toàn cầu và tăng thuế tiêu dùng trong tháng 10 vừa qua. Hai phần ba các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự đoán BOJ sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong tháng này.
Từ 1/1/2020, Trung Quốc thực thi chính sách mới cho hoạt động kinh doanh nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường công bằng và bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Theo các quy định mới, các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước, cũng như tất cả các loại hình doanh nghiệp khác trên thị trường sẽ được đối xử công bằng, bất kể chủ sở hữu.
Cũng theo các biện pháp này, Trung Quốc sẽ thành lập một hệ thống xử phạt đối với các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một vấn đề chủ chốt trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Các quy định mới của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh số liệu gần đây cho thấy kinh tế Trung Quốc đang phải chịu áp lực này càng tăng. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong gần 30 năm qua trong quý III/2019.