Điểm lại thông tin kinh tế ngày 29/8
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 28/8 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 27/8 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 26/8 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 29/8, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.133 VND/USD, tăng 4 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.777 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.195 VND/USD, giảm 7 đồng so với phiên 28/8. Tỷ giá tự do tăng 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.200 - 23.230 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng phiên hôm qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm mạnh 0,17 - 0,58 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó; giao dịch tại: qua đêm 3,99%; 1 tuần 4,19%; 2 tuần 4,26% và 1 tháng 4,33%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 - 0,03 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: qua đêm 2,29%; 1 tuần 2,39%; 2 tuần 2,48%, 1 tháng 2,59%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm mạnh ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng nhẹ ở kỳ hạn 10 năm, giao dịch tại: 3 năm 2,92%; 5 năm 3,28%; 7 năm 3,77%; 10 năm 4,20%; 15 năm 4,49%.
Nghiệp vụ thị trường mở ngày 29/8, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. Khối lượng lưu hành trên kênh này duy trì ở mức 4.533 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu trong phiên hôm qua.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua diễn ra thận trọng, các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tiếp đà phân hóa mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,33 điểm (+0,14%) lên 978,59 điểm; HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,37%) xuống 101,94 điểm; UPCOM-Index giảm 0,07 điểm (-0,12%) xuống 57,90 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt gần 3.700 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng nhẹ hơn 9 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong phiên hôm qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8/2019 tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 1,87% so với tháng 12/2018 và tăng 2,26% so với cùng kỳ năm 2018. Bình quân 8 tháng năm 2019, CPI tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018.
Lạm phát cơ bản tháng 8/2019 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,95% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 1,9% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng 2019 ước tính xuất siêu 3,4 tỷ USD, trong đó riêng tháng 8 xuất siêu 1,7 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2019 ước tính đạt 24,50 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng trước; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 22,8 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng trước.
Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 166,58 tỷ USD, tăng 8,5%.
Tin quốc tế
Báo cáo sơ bộ lần 2 của Văn phòng Phân tích Kinh tế Mỹ cho thấy GDP nước này chỉ tăng 2,0% trong quý vừa qua, điều chỉnh xuống từ mức 2,1% theo báo cáo ban đầu và thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,1% của quý I.
Trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ tuần kết thúc ngày 24/8 ở mức 215 nghìn đơn, nhiều hơn mức 209 nghìn của tuần trước đó và khớp với dự báo của các chuyên gia.
Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa nước này thâm hụt 73,2 tỷ USD trong tháng 7, tích cực hơn so với mức thâm hụt 74,2 tỷ của tháng trước đó đồng thời tích cực hơn mức dự báo thâm hụt 74,0 tỷ.
CPI của Đức giảm 0,2% so với tháng trước trong tháng 8 sau khi tăng 0,5% ở tháng 7, sâu hơn mức giảm 0,1% theo dự báo.
Các quan chức của Liên minh châu Âu EU cho biết cuộc đàm phán giữa Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost và Ủy ban châu Âu EC ngày 28/8 đã không mang lại kết quả tích cực khi cả hai bên còn những lập luận trái chiều về điều khoản “rào chắn”.
Ngày 29/8, các bộ trưởng của EU đã nhắc nhở Anh cần ra đi một cách có trật tự và nên tránh trường hợp Brexit không thỏa thuận nếu có thể.