Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 11-15/11
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 14/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 12/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/11 |
Tổng quan
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua trong tuần qua, trong đó, phần lớn các chỉ tiêu Quốc hội đặt ra không có sự thay đổi đáng kể so với năm 2019, gây nên nhiều băn khoăn cho các đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia kinh tế.
Mục tiêu tổng quát được Quốc hội thống nhất đồng tình đó là: Năm 2020 tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...
Đối với các mục tiêu kinh tế cụ thể, Quốc hội đặt chỉ tiêu GDP năm 2020 tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.
Có nhiều ý kiến ở ngay giữa các đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia kinh tế về các chỉ tiêu “khiêm tốn” cho năm tới. Tại sao Quốc hội quyết nghị tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ ở mức 6,8%, sau khi đã tăng trưởng 7,08% trong năm 2018 và gần như chắc chắn sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn 6,8% trong năm 2019?
Tại sao khi sau 4 năm liên tiếp cán cân thương mại xuất siêu, nhưng năm 2020, mục tiêu kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn tiếp tục được đặt ra? Đây cũng là câu hỏi đã được đặt ra năm ngoái khi căng thẳng thương mại ở tình trạng tương tự.
Tại sao mục tiêu kiểm soát lạm phát tiếp tục được quyết nghị ở mức dưới 4%, dù năm 2019, lạm phát có thể được kiềm giữ ở mức dưới 3%...
Còn có ý kiến băn khoăn khi nhận định, Chính phủ chưa có quyết tâm cao hơn để nỗ lực lớn hơn trong phát triển kinh tế, vì thế chỉ xây dựng chỉ tiêu vừa phải để có điều kiện dễ hoàn thành?
Những ý kiến giải đáp đưa ra cả các lý do khách quan và chủ quan. Về khách quan, các chuyên gia cho rằng đây là sự thận trọng cần thiết trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy, kinh tế toàn cầu cũng như trong nước đang đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Mức tăng trưởng GDP 6,8% được cho là hợp lý để bảo đảm được sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Về thương mại, Chính phủ vẫn đề xuất mục tiêu kiểm soát nhập siêu dựa trên việc thương mại toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn, thách thức… Trong khi đó, sản xuất trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu, nhiên liệu nhập khẩu.
Về thị trường xuất khẩu, trong nhóm 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, xuất khẩu vào các thị trường EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc, duy nhất sang thị trường Mỹ tăng đột biến nhưng lại chứa đựng rất nhiều rủi ro về gian lận và cảnh báo từ phía Mỹ về thâm hụt thương mại…
Hơn nữa, một yếu tố tích cực là dự kiến có dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam trong năm 2020 để đón đầu cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu cũng như do tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung, kéo kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu tăng cao. Về giá cả, lạm phát cao vẫn có nhiều nguy cơ quay trở lại khi giá cả, thị trường toàn cầu diễn biến khó lường…
Về chủ quan, trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, không còn cụm từ “tăng trưởng nhanh”, thay vào đó, đã nhấn mạnh yếu tố “phát triển bền vững”. Điều này cho thấy, Quốc hội định hướng Chính phủ điều hành nền kinh tế theo hướng tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, thay vì tăng trưởng cao bằng mọi giá; coi trọng hơn các yếu tố chất lượng, tính bền vững, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 11-15/11, tỷ giá trung tâm tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng/giảm qua các phiên. Chốt tuần 15/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.144 VND/USD, tăng 11 đồng so với cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.788 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần qua tăng nhẹ sau khi gần như không biến động các tuần trước đó. Kết thúc phiên cuối tuần 15/11, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.206 VND/USD, tăng 6 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng biến động tăng 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.200 - 23.230 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 11-15/11, lãi suất liên ngân hàng VND giảm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống ở hầu hết các phiên. Phiên cuối tuần 15/11, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 1,84% (-0,23 điểm phần trăm); 1 tuần 2,14% (-0,13 điểm phần trăm); 2 tuần 2,32% (-0,06 điểm phần trăm); 1 tháng 2,60% (-0,02 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng USD cũng tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn qua hầu hết các phiên trong tuần vừa qua, tuy đà giảm đã chậm lại so với tuần trước đó. Cuối tuần 15/11, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 1,73% (-0,05 điểm phần trăm); 1 tuần 1,83% (-0,06 điểm phần trăm), 2 tuần 1,95% (-0,07 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,12% (-0,08 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ chào thầu 38.000 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,25%/năm. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng này. Trong tuần có 46.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 8.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 38.000 tỷ đồng.
Trên kênh cầm cố, không phát sinh giao dịch mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%/năm.
Thị trường trái phiếu tuần qua, có 2 cơ quan phát hành trái phiếu Chính phủ là Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Kết quả, hai cơ quan này huy động thành công 3.513/10.000 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu 35%).
Cụ thể, ngày 13/11, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 1.013/4.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 25%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 450/1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 345/1.5000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động được 218/1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 3,62%/năm (+0,02%), kỳ hạn 15 năm và 20 năm lần lượt tại 3,78%/năm và 4,32%/năm, không thay đổi so với phiên trước.
Trước đó, ngày 12/11, VDB huy động thành công 2.500/4.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bảo lãnh (tỷ lệ trúng thầu 62,5%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động thành công 200/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm huy động thành công 300/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động thành công toàn bộ 1.000 tỷ đồng/kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 3,75%/năm; kỳ hạn 7 năm tại 4%/năm; kỳ hạn 10 năm tại 4,5%/năm; kỳ hạn 15 năm tại 4,57%/năm, giảm từ 130-155 điểm so với phiên có khối lượng trúng thầu gần nhất ngày 25/12/2018.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.822 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh từ mức 9.994 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu Chính phủ ít biến động so tuần trước đó.
Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ phiên cuối tuần giao dịch quanh: 1 năm 2,08% (-0,04 điểm phần trăm); 2 năm 2,17% (-0,04 điểm phần trăm); 3 năm 2,34% (-0,01 điểm phần trăm); 5 năm 2,48% (-0,01 điểm phần trăm); 7 năm 3,18% (+0,02 điểm phần trăm); 10 năm 3,71% (không thay đổi); 15 năm 3,83% (-0,02 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần qua, xu hướng giảm điểm chiếm ưu thế ở cả 2 sàn chính qua hầu hết các phiên. Chốt phiên cuối tuần 15/11, VN-Index đứng ở mức 1.010,03 điểm, giảm 12,46 điểm (-1,22%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 1,24 điểm (-1,16%), xuống mức 106,03 điểm; UPCOM-Index tăng 0,27 điểm (+0,48%) lên mức 57,00 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng tích cực so với tuần trước đó khi giá trị giao dịch đạt khoảng gần 5.300 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, khối ngoại bán ròng mạnh gần 979 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần vừa qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một vẫn gặp nhiều khó khăn, kinh tế Mỹ đón nhiều thông tin tích cực. Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết các quan chức đại diện cấp cao của hai nước đã có cuộc đàm phán vào ngày 16/11 với nỗ lực tìm cách thu hẹp bất đồng trong đàm phán. Tuy nhiên nhiều mâu thuẫn tại các vấn đề chủ chốt vẫn chưa được giải quyết.
Cũng trong tuần qua, mặc dù Trung Quốc tỏ ý đẩy nhanh thỏa thuận giai đoạn một, song Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh ông chưa đồng ý bất cứ điều gì về việc gỡ bỏ thuế quan, và sẽ ký thỏa thuận nếu đủ tốt cho Mỹ.
Chủ tịch Fed Jerome Powell có cuộc điều trần trong tuần qua, khẳng định nước Mỹ sẽ không gặp khủng hoảng và lãi suất sẽ không thay đổi trong những tháng tới.
GDP sơ bộ của Anh tăng 0,3% trong quý III/2019 sau khi giảm 0,2% ở quý trước đó, tuy thấp hơn mức kỳ vọng tăng 0,4% nhưng cũng đẩy lùi nỗi lo rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất và xây dựng của nước này cũng như cán cân thương mại kém tích cực; CPI tăng thấp, doanh số bán lẻ giảm trở lại.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng Úc được Westpac khảo sát tăng 4,5% so với tháng trước trong tháng 10 lên 97,0 điểm, sau khi giảm 5,5% ở tháng trước đó. Trong khi, thị trường lao động nước này tháng 10 kém tích cực so với tháng trước đó.