Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 18-22/3
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 18/3 |
Tổng quan
Bộ Công Thương vừa công bố tăng giá điện lên 8,36%, đẩy giá lên 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) kể từ ngày 20/3, so với mức 1.720 đồng trước đây. Trước đó vào đầu tháng 3, Bộ Công Thương đã thông tin về việc dự kiến sẽ điều chỉnh giá điện vào cuối tháng.
Tập đoàn Điên lực Việt Nam EVN dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỷ đồng từ việc tăng giá điện 8,36% từ ngày 20/3. Tuy nhiên, số tiền này phải dùng để trả cho khoản 21.000 tỷ đồng mà EVN nợ các đối tác cung cấp khí, than, điện từ 2 năm trước.
Sau khi tăng giá, người dân dùng điện sinh hoạt sẽ phải trả ít nhất khoảng 7.000 đồng đến 77.000 đồng một tháng tùy theo số điện sử dụng, mỗi hộ kinh doanh ước tính sẽ phải trả thêm ít nhất 500.000 đồng/tháng; mỗi hộ sản xuất sẽ phải trả ít nhất thêm 869 đồng/tháng.
Về tác động tới tăng trưởng và chỉ số giá tiêu dùng, Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê tính toán, với mức tăng giá điện 8,36%, GDP sẽ giảm khoảng 0,22%, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng khoảng 0,29%, như vậy CPI năm 2019 khoảng 3,3 - 3,9%, dưới mức 4% theo mục tiêu Quốc hội.
Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, giá điện Việt Nam tăng tương đối nhanh. Theo thống kê lộ trình tăng giá của EVN, tính từ lần tăng giá tháng 3/2015 (ở mức 7,5%) đến nay, Việt Nam tăng giá điện 23,56% sau 4 năm. Từ cuối năm 2017 đến nay (sau 16 tháng), Việt Nam tăng giá điện 15%. Theo đó, trung bình mỗi năm giá điện Việt Nam tăng khoảng gần 6%.
Trong khi đó, 4 năm qua, lạm phát của Việt Nam tương đối thấp, trong khoảng 2-3%. Như vậy, giá điện Việt Nam tăng tương đối nhanh, tăng nhanh hơn các mặt hàng khác.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tăng giá điện có thể ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống. Giá điện tăng kéo theo giá thành phẩm tăng, đặc biệt gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Việc tăng giá điện và mức độ tăng nếu không được tính toán thận trọng sẽ làm tăng thêm gánh nặng chi phí quá lớn lên đầu doanh nghiệp.
Ngoài ra, như lần này, giá điện tăng chỉ báo trước chưa được một tháng, tương đối bất thường cả về con số và thời điểm tạo rủi ro cho doanh nghiệp khi không được chuẩn bị, chủ động trong kế hoạch kinh doanh.
Giá điện rất quan trọng trong nền kinh tế, tất yếu phải tăng theo thời gian, khi lạm phát cũng tăng 2-3% mỗi năm. Các cơ quan chức năng có thể tính toán và cam kết một khoảng mức tăng nhất định. Ngành điện không nên điều chỉnh giá quá nhiều nhưng mỗi năm nên có sự điều chỉnh tăng khoảng 3% với kế hoạch, lộ trình tăng cụ thể để người dân và đặc biệt là các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.
Để giảm bớt áp lực lạm phát, trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu thứ 6 kể từ đầu năm, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định không tăng giá xăng dầu mà tăng sử dụng quỹ bình ổn giá.
Cụ thể, mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với Xăng E5RON92: 2.801 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 2.000 đồng/lít); Xăng RON95: 2.061 đồng/lít (kỳ trước 1.250 đồng/lít); Dầu diesel: 1.343 đồng/lít (kỳ trước 1.354 đồng/lít); Dầu hỏa: 1.065 đồng/lít (kỳ trước 1.078 đồng/lít); Dầu mazut: 1.640 đồng/kg (kỳ trước 1.400 đồng/kg).
Như vậy, giá xăng dầu giữ nguyễn ở mức: Xăng E5RON92: không cao hơn 17.211 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 18.549 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 15.868 đồng/lít. Ngoài ra, giá dầu hỏa không cao hơn 14.885 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.083 đồng/kg.
Giá xăng dầu quốc tế ở thời điểm cuối tuần vừa qua đã tăng khoảng trên 30% so với thời điểm cuối 2018, tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước cùng thời điểm chỉ tăng khoảng dưới 3%.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 18-22/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng/giảm qua các phiên, do đó, chốt tuần 22/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.957 VND/USD, không thay đổi so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước duy trì niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.596 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục không có nhiều biến động trong tuần vừa qua. Chốt tuần 22/3, tỷ giá giao dịch ở mức 23.200 VND/USD, giảm 5 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do cũng ít biến động trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 22/3, tỷ giá giảm 40 đồng ở chiều mua vào và 10 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.180-23.220 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng VND phục hồi nhẹ trở lại ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt tuần 22/3, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 3,35% (+0,07 điểm phần trăm); 1 tuần 3,40% (+0,06 điểm phần trăm); 2 tuần 3,50% (+0,08 điểm phần trăm); 1 tháng 3,65% (-0,05 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD trong cả tuần qua chỉ giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Cuối tuần 22/3, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,49% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 2,58% (-0,01 điểm phần trăm), 2 tuần 2,66% (-0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,81% (không thay đổi).
Thị trường mở tuần từ 18-22/3, Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 2.728 tỷ đồng. Trong tuần có 7.588 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 2.728 tỷ đồng.
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh khối lượng chào thầu tín phiếu lên mức 40.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3,0%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 37.500 tỷ đồng. Trong tuần có 17.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường là 37.500 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 25.359 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần vừa qua.
Thị trường trái phiếu tuần qua, Kho bạc Nhà nước chỉ huy động thành công 200/5.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu. Trong đó, toàn bộ khối lượng trái phiếu huy động được ở kỳ hạn 20 năm, lãi suất trúng thầu 5,2%/năm. Các kỳ hạn còn lại từ 5 năm đến 15 năm đều đấu thầu thất bại.
Thị trường chứng khoán tuần qua khá tiêu cực khi cả 3 chỉ số đều chốt tuần dưới ngưỡng tham chiếu và VN-Index không giữ được ngưỡng 1.000 điểm. Phiên cuối tuần 22/3, VN-Index đứng ở mức 988,71 điểm, giảm mạnh 15,41 điểm (-1,53%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 2,35 điểm (-2,13%), xuống mức 108,09 điểm; UPCOM-Index giảm 0,03 điểm (-0,05%) xuống 57,23 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tuần trước đó với giá trị giao dịch ở gần 6.100 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng mạnh gần 970 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong cả tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trên thị trường tài chính quốc tế, Mỹ và Trung Quốc mang đến tin vui khi thông báo sẽ tiếp tục đàm phán thương mại liên tiếp trong ngày 28/3 tại Bắc Kinh và 3/4 tại Washington nhằm giải quyết những căng thẳng tồn tại giữa hai nước trong gần 1 năm qua.
Trong tuần qua, Fed và BoE đều không thay đổi lãi suất chính sách trong các cuộc họp của mình. Nói riêng về Fed, tổ chức này phát tín hiệu không thay đổi lãi suất cho tới hết 2019, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay xuống 2,1%, thấp hơn so với mức 2,3% của lần dự báo trước đó.
Tại Anh, tình hình trở nên tệ hơn khi Ủy ban châu Âu EC bác bỏ đề nghị gia hạn Brexit tới 30/6 của Thủ tướng Theresa May, trong bối cảnh bà May không muốn bỏ phiếu dự thảo Brexit lần 3 nếu không chắc chắn thắng lợi. Điều này đồng nghĩa với việc Anh có khả năng phải lùi lịch “chia tay” tới cuối năm nếu không muốn Brexit không thỏa thuận.
Liên quan tới thông tin kinh tế, cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ đều mở rộng ít hơn dự báo trong tháng 3. Kinh tế Anh đón nhận nhiều thông tin tích cực, đặc biệt thị trường lao động tháng 1 và doanh số bán lẻ tháng 2 cho thấy sự khởi sắc đáng ngạc nhiên.