Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 19-23/8
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/8 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/8 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/8 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/8 |
Tổng quan
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm 2019 chậm nhất trong nhiều năm qua mặc dù Chính phủ đã nhiều lần thúc giục các bên liên quan; Chính phủ cho thấy sẽ có những biện pháp quyết liệt để thúc đẩy giải ngân trong thời gian tới.
Theo Bộ Tài chính, trong 7 tháng qua, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công cả nước ước đạt 134.494 tỷ đồng, bằng 31,32% kế hoạch Quốc hội giao, thấp nhất trong cùng kỳ những năm gần đây. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước thấp, chỉ đạt 35% kế hoạch Quốc hội giao.
Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn vay từ nước ngoài rất thấp, chỉ đạt 8,6% kế hoạch của năm. Theo kế hoạch chi đầu tư phát triển vốn ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt, năm 2019 tổng vốn này phải thực hiện là 416.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn hơn 35.000 tỷ đồng chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn, việc này theo kế hoạch phải hoàn thành trong tháng 5/2019 (vốn ngân sách trung ương gần 16.500 tỷ đồng, vốn trái phiếu chính phủ hơn 4.200 tỷ đồng, vốn nước ngoài hơn 14.300 tỷ đồng).
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy, có thể nêu ra bốn hậu quả chính.
Thứ nhất, vốn đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế, do đó, chậm giải ngân sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Năm 2018, đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP cả nước, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội.
Thứ hai, vốn đầu tư công chủ yếu là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, dự án hạ tầng quan trọng, nên khi bị chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng của tư nhân, nước ngoài, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.
Thứ ba, việc chậm giải ngân gây lãng phí lớn khi tiền nằm đó mà Chính phủ vẫn phải trả chi phí vốn. Các dự án chậm trễ khiến chi phí quản lý dự án, lãi trái phiếu vẫn phải trả và giảm hiệu quả đầu tư, ngoài ra còn các hậu quả không đạt về lợi ích xã hội.
Thứ tư, doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút.
Các chuyên gia đã chỉ ra một số nguyên nhân của tình trạng này kéo dài qua nhiều năm, đặc biệt trầm trọng trong năm nay.
Thứ nhất, qui định pháp luật về đầu tư công chưa đồng bộ, thiếu nhất quán và còn rất phức tạp. Đơn cử, các luật Đầu tư, luật Đầu tư công và luật Bảo vệ môi trường chưa nhất quán được việc dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường như thế nào.
Thứ hai, quy trình, thủ tục đăng ký, thẩm định, giao kế hoạch, giải ngân đầu tư công còn rất phức tạp, đôi chỗ chưa hợp lý.
Thứ ba, năng lực xây dựng kế hoạch, thẩm định, triển khai, giám sát dự án đầu tư công của nhiều nơi còn hạn chế; Chất lượng lập kế hoạch của các cơ quan chủ quản thấp, dẫn đến khâu hoàn thiện hồ sơ, thẩm định mất nhiều thời gian và chênh lệch giữa dự toán với thực tế rất lớn. Trong khi khâu thẩm định dự án kém chất lượng, khâu đấu thầu đôi khi chưa thực chất, kéo theo việc chọn nhà thầu có vấn đề liên tục diễn ra, khâu thực hiện và nghiệm thu vì thế phát sinh nhiều hệ lụy.
Thứ tư, giải phóng mặt bằng luôn là một vấn đề nan giải với các dự án đầu tư công tại Việt Nam.
Thứ năm, do tâm lý chờ đợi, sợ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương khiến các dự án bị kéo dài, khiến việc tìm nguồn đối ứng và giao vốn còn chậm.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị và nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng phụ trách về vấn đề này nhưng giải ngân còn chậm hơn cả cùng kỳ các năm trước.
Mới đây, ngày 19/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành và lãnh đạo hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để đốc thúc tình hình, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đốc thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và cho biết ngày 15/9 tới, Chính phủ sẽ họp trực tuyến toàn quốc về vấn đề này.
Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng vẫn rất khó có đột phá trong thời gian tới, ngay cả khi Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2020 khi chưa giải quyết những vướng mắc nêu trên, mà việc giải quyết những vướng mắc này không chỉ phụ thuộc vào ý chí của người thực hiện mà còn cần thời gian để gỡ dần các nút thắt.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 19-23/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm nhẹ trong 4 phiên đầu tuần, phiên cuối tuần tăng mạnh 11 đồng. Chốt tuần 23/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.127 VND/USD, tăng 7 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.771 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục ít biến động trong tuần vừa qua. Kết thúc phiên cuối tuần 23/8, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.199 VND/USD, giảm 13 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi trong suốt 4 phiên đầu tuần và chỉ giảm nhẹ trong phiên cuối tuần. Kết thúc ngày 23/8, tỷ giá giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, đóng cửa tại 23.180 - 23.210 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 19-23/8, lãi suất liên ngân hàng VND tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn so với cuối tuần trước đó. Chốt tuần 23/8, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 3,20% (+0,30 điểm phần trăm); 1 tuần 3,31% (+0,31 điểm phần trăm); 2 tuần 3,40% (+0,27% điểm phần trăm); 1 tháng 3,53% (+0,20 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng USD tiếp tục giảm qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Cuối tuần 23/8, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,32% (-0,06 điểm phần trăm); 1 tuần 2,41% (-0,05 điểm phần trăm), 2 tuần 2,49% (-0,05 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,61% (-0,05 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ chào thầu 18.000 tỷ đồng tín phiếu trong 3 phiên đầu tuần, không chào thầu 2 phiên cuối tuần. Tín phiếu vẫn được chào với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,75%.
Kết quả, các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng chào thầu. Trong tuần có 41.999 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm mạnh xuống mức 18.000 tỷ đồng.
Trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%/năm, không có khối lượng trúng thầu. Trong tuần có 20 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 23.979 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu phiên 21/8, Kho bạc Nhà nước huy động được 2.854 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 95%).
Cụ thể, kỳ hạn 5 năm huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng gọi thầu với lãi suất 3,30%/năm (giảm 25 điểm so với phiên đấu thầu trước); Kỳ hạn 15 năm huy động được 1.000/1.000 tỷ động trái phiếu chính phủ gọi thầu, lãi suất huy động ở mức 4,50%/năm (giảm 13 điểm); Kỳ hạn 20 năm huy động được 500 tỷ đồng với lãi suất 5,06%/năm (giảm 9 điểm). Riêng kỳ hạn 10 năm chỉ huy động được 854/1.000 tỷ đồng gọi thầu, lãi suất ở mức 4,20%/năm (giảm 15 điểm).
Giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường tuần qua đạt 10.315 tỷ đồng/phiên, tăng tích cực so với mức 8.165 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục đồng loạt giảm ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua.
Cụ thể, lợi suất trái phiếu chính phủ phiên cuối tuần 23/08 giao dịch quanh 1 năm 2,75% (-0,05 điểm phần trăm); 2 năm 2,84% (-0,07 điểm phần trăm); 3 năm 2,95% (-0,07 điểm phần trăm); 5 năm 3,25% (-0,20 điểm phần trăm); 7 năm 3,82% (-0,08 điểm phần trăm); 10 năm 4,18% (-0,15 điểm phần trăm); 15 năm 4,46% (-0,15 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán khởi sắc trong tuần vừa qua khi cả 3 chỉ số đều tăng tích cực trong 4 phiên đầu tuần và chỉ đảo chiều nhẹ phiên cuối tuần. Chốt tuần 23/8, VN-Index đứng ở mức 992,45 điểm, tăng 12,45 điểm (+1,27%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 0,90 điểm (+0,88%), lên 103,25 điểm; UPCOM-Index tăng 0,40 điểm (+0,70%) lên 57,95 điểm.
Thanh khoản thị trường không có sự cải thiện so với tuần trước đó, đạt giá trị gần 4.600 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng mạnh hơn 515 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trong tuần vừa qua, kinh tế thế giới gặp nhiều biến động khi thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, bên cạnh đó Fed không cho thấy động thái tiếp tục hạ lãi suất mặc dù gặp nhiều áp lực.
Sau khi Trung Quốc tuyên bố trả đũa bằng thuế quan 5% -10% lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, Tổng thống Donald Trump lập tức tăng mức thuế bổ sung lên 250 tỷ USD hàng hóa trước đây lên thành 30% thay vì 25%. Bên cạnh đó, mức thuế 10% đánh lên 300 tỷ sẽ được nâng thành 15%. Thái độ chủ chiến của cả hai bên khiến thị trường mất niềm tin vào một bản thỏa thuận thương mại song phương giữa hai bên.
Tại Mỹ, Fed công bố biên bản cuộc họp FOMC tháng 7 và Chủ tịch Jerome Powell cũng đã có bài phát biểu trong cuộc họp chuyên đề tại Jackson Hole. Trong biên bản cuộc họp, Fed cho thấy việc giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn 10 năm là một sự “hiệu chuẩn lại” chứ không phải là một “lộ trình định sẵn”.
Tại Jackson Hole, ông Powell khẳng định Fed đang nỗ lực để tránh rơi vào tình trạng khó khăn như trước đây khi lãi suất gần bằng 0. Cả hai sự kiện này khiến thị trường giảm kỳ vọng cho việc Fed sẽ hạ mạnh lãi suất chính sách nhằm hỗ trợ kinh tế thế giới cũng như kinh tế Mỹ hiện đang có những dấu hiệu giảm tốc.