Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 22-26/4
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 25/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 24/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/4 |
Tổng quan
Tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo ở mức 6,6% trong năm 2019, trong khi các tổ chức khác dự báo lạc quan hơn: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo con số này ở mức 6,8%, trong khi các tổ chức trong nước dự báo ở mức 7,0%.
Ngày 24/4, WB công bố báo cáo “Vượt qua trở ngại” cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó GDP của Việt Nam 2019 được dự báo ở mức 6,6%, không thay đổi so với dự báo trong báo cáo hồi tháng 1.
Báo cáo cho biết, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện nền tảng tích cực, với sự hỗ trợ của sức cầu mạnh trong nước và ngành chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu.
Tuy nhiên, tăng trưởng sẽ chững lại so với năm 2018 do tín dụng được thắt lại, tiêu dùng tư nhân giảm đà và nhu cầu bên ngoài yếu hơn, biến động tài chính toàn cầu, và tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng còn chậm.
Về mặt chính sách, WB cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam tiếp tục phải cân đối giữa hai mục tiêu: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù chính sách tiền tệ nhìn chung vẫn theo hướng tạo thuận lợi, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã từng bước thắt chặt tín dụng trong năm 2018 bằng cách đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn cho các ngân hàng thương mại và kiểm soát cho vay các lĩnh vực rủi ro cao (bất động sản, chứng khoán, và tiêu dùng).
Do điều kiện huy động vốn chặt chẽ hơn, tăng trưởng tín dụng hạ xuống khoảng 14% trong năm 2018 (so cùng kỳ năm trước), từ mức 18% năm 2017. Mặc dù vậy, bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp và các hộ gia đình có tỷ lệ đòn bẩy o - tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam hiện khoảng 135%.
Vì vậy, nền kinh tế dễ bị tổn thương với các cú sốc và nguy cơ gặp áp lực trên thị trường tài chính, đặc biệt khi nợ xấu trước đây chưa xử lý hết và tỷ lệ an toàn vốn còn mỏng ở một số ngân hàng.
Đầu tháng 4, ADB cho rằng với dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn được duy trì ở mức khá cao là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.
Theo ADB, tăng trưởng sẽ tiếp tục được thể hiện toàn diện ở các lĩnh vực dựa trên những nền tảng vững như công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, luồng vốn FDI và nhu cầu nội địa cao. Rủi ro về phía trong nước có thể đến từ tiến độ chậm chạp của quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Kết quả cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018 kém hơn nhiều so với mục tiêu mà chính phủ đề ra là cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp.
Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia hồi tháng 1, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 có khả năng đạt 7% khi kinh tế Việt Nam có thể được hỗ trợ bởi các yếu tố quốc tế như hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất, do tác động của chiến tranh thương mại và triển vọng từ các hiệp định mới như CPTPP và các FTA khác.
Có chuyên gia kinh tế còn cho rằng nếu Chính phủ quyết liệt cải cách (chi tiêu ngân sách hiệu quả, giảm chi thường xuyên, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân hiện nay vẫn còn bị kìm hãm, tích cực cải cách bộ máy nhà nước), năm 2019 rất có thể tăng trưởng GDP sẽ đạt mức kỷ lục 7,06%.
Nhìn chung, có thể thấy rằng tuy đều khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, các chuyên gia cả trong nước và quốc tế đều nhấn mạnh đến những rủi ro nội tại cần phải được xử lý liên tục và hiệu quả khi muốn duy trì đà tăng trưởng như kỳ vọng.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 22-26/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng qua tất cả các phiên. Chốt tuần 26/4, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.028 VND/USD, tăng 30 đồng so với cuối tuần trước.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.669 VND/USD.
Tương tự, tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong tuần này. Chốt tuần 26/4, tỷ giá giao dịch ở mức 23.275 VND/USD, tăng mạnh 65 đồng so với phiên cuối tuần trước.
Tỷ giá trên thị trường tự do cùng xu hướng tăng mạnh trong tuần này. Kết thúc ngày 26/4, tỷ giá tăng 80 đồng ở chiều mua vào và 110 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước, giao dịch ở mức 23.300 - 23.350 VND/USD.
Trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng VND tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn trong tuần này. Chốt tuần 26/4, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 2,50% (-1,43 điểm phần trăm); 1 tuần 2,75% (-1,25 điểm phần trăm); 2 tuần 3,13% (-0,97 điểm phần trăm); 1 tháng 3,48% (-0,67 điểm phần trăm).
Trái lại, lãi suất liên ngân hàng đối với USD vẫn chỉ biến động nhẹ trong tuần. Cuối tuần 26/4, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,50% (-0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 2,60% (-0,04 điểm phần trăm), 2 tuần 2,69% (không thay đổi) và 1 tháng 2,84% (+0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 22-26/4, Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố vẫn với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%. Chỉ có phiên cuối tuần có 306 tỷ đồng trúng thầu. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 306 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước tăng mức chào thầu tín phiếu lên 50.000 tỷ đồng đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3,0%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 49.998 tỷ đồng. Trong tuần có 5.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 49.999 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 44.693 tỷ đồng từ thị trường thông qua kênh nghiệp vụ thị trường mở.
Thị trường trái phiếu trong tuần, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 5.125/5.750 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (tỷ lệ trúng thầu 89%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động toàn bộ 2.250 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 7 năm huy động 200/500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 2.050/2.250 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động 625/750 tỷ đồng.
Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn từ 7 năm đến 20 năm lần lượt tại 4,05%/năm; 4,72%/năm; 5,06%/năm và 5,69%/năm - ít biến động so với phiên có khối lượng trúng thầu gần nhất.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình đạt khoảng 12.900 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 8.200 tỷ đồng/phiên của tuần trước. Chốt phiên 26/4, lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp ít biến động so tuần trước, giao dịch quanh: 1 năm 3,18%; 2 năm 3,41%; 3 năm 3,53%; 5 năm 3,86%; 7 năm 4,23%; 10 năm 4,73%.
Thị trường chứng khoán tuần này khá tích cực với việc cả 3 chỉ số đều tăng điểm, mặc dù thanh khoản vẫn ở mức thấp. Phiên cuối tuần 26/4, VN-Index đứng ở mức 979,64 điểm, tăng khá mạnh 13,43 điểm (+1,39%) so với cuối tuần trước; HNX-Index phục hồi 1,58 điểm (+1,49%), lên mức 107,46 điểm; UPCOM-Index tăng 0,18 điểm (+0,32%) lên 56,23 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức dưới trung bình với giá trị giao dịch gần 3.700 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 72 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong cả tuần.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Thế giới lạc quan hơn khi Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị quay lại đàm phán thương mại vào 30/4 tại Bắc Kinh và 8/5 tại Washington. Thị trường hy vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai vị lãnh đạo tối cao của hai nước trong tương lai gần.
Trong tuần, Mỹ đón nhận nhiều thông tin kinh tế trái chiều, tuy nhiên dữ liệu tích cực về giá trị đơn đặt hàng hàng hoá lâu bền và doanh số bán nhà mới đã hỗ trợ những thông tin tiêu cực khác.
Tại Úc, các chỉ số giá trong tháng 3 và quý I không được như kỳ vọng của các chuyên gia, riêng CPI quý I không tăng trưởng khiến thị trường lo lắng và đồng AUD mất giá mạnh trong hai phiên liên tiếp. Nhiều khả năng, Ngân hàng Trung ương Úc (RAB) sẽ phải hạ lãi suất trong tương lai để đưa mức lạm phát đạt mục tiêu 2% - 3%.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) không có sự thay đổi lãi suất trong kỳ họp diễn ra tuần vừa qua, tuy nhiên lần đầu tiên đưa ra lộ trình điều chỉnh lãi suất, hỗ trợ những hoạch định dài hạn của thị trường. BoJ cũng tuyên bố kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục nở rộ trong năm tài khoá 2019 dù còn nhiều khó khăn cần giải quyết.