Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 29/7-2/8
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 1/8 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 31/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 30/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 29/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 22-26/7 |
Tổng quan
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2019, Chính phủ nhận định tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục xu hướng tích cực, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần tập trung giải quyết.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Tổng thu Ngân sách Nhà nước tăng khá. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 5,6%. Xuất siêu 1,8 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề gây ra nhiều băn khoăn cho các nhà điều hành như lạm phát cơ bản tháng 7 ở mức cao, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm…
Đơn cử, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) năm nay cao hơn hẳn 3 năm trước đó. Thống kê cho thấy, lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm 2019 tăng 2,04% so với cùng kỳ 2018, cũng cao hơn hẳn mức tăng 1,85%, 1,3% và 1,41% cùng kỳ các năm 2016, 2017 và 2018.
Theo các chuyên gia, việc điều hành chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay chưa gây áp lực lên mặt bằng giá, tuy nhiên, lạm phát cơ bản bình quân trong quý I, nửa năm và 7 tháng đầu năm đều cao hơn hẳn so với các năm 2016 - 2018, đòi hỏi phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng.
Về tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, ước thanh toán 7 tháng 2019 là hơn 134.494 tỷ đồng, đạt 32,27% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 35,35% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 khi kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ 7 tháng 2018 đạt 37,64% kế hoạch Quốc hội giao và 38,77% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đầu năm đến thời điểm 20/7/2019, 2.064 dự án FDI cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,27 tỷ USD, tăng 24,6% về số dự án nhưng giảm 37,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Theo các chuyên gia, một trong những lý do có thể giải thích việc vốn FDI chậm lại là do Việt Nam đã qua giai đoạn chấp nhận thu hút FDI bằng mọi giá để chuyển sang giai đoạn có lựa chọn hơn với các dự án đầu tư. Điều này càng trở nên quan trọng khi đó lại là các nguồn vốn đến từ thị trường Trung Quốc mà thời gian qua đã có hiện tượng nhiều dự án chậm tiến độ, gây ô nhiễm môi trường lớn, chất lượng công trình chưa cao...
Một loạt ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 1/8, thời gian áp dụng chủ yếu đến 31/12/2019.
Cụ thể, Vietcombank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và start-up, được áp dụng cho khách hàng đang có khoản vay và cả khách hàng vay mới tại Vietcombank. Hiện các lĩnh vực này chiếm khoảng 40% tổng dư nợ cho vay ngắn hạn tại Vietcombank.
Ngoài Vietcombank, 3 NHTM lớn là Vietinbank, BIDV và Agribank cũng thông báo giảm lãi suất từ 1/8. Theo đó, BIDV công bố giảm lãi suất cho vay còn 5,5%/năm đối với đối tượng ưu tiên là kinh doanh hàng xuất khẩu; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; phục vụ kinh doanh doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, BIDV triển khai gói tín dụng quy mô 60.000 tỉ đồng cho SME với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường và gói tín dụng khoảng 10.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi tối đa 6%/năm cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, start-up.
Một số ngân hàng TMCP cũng đồng loạt công bố hạ lãi suất cho vay từ 1/8 với các gói cho vay ưu đãi tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, ACB tung ra gói tín dụng cho SME với 3.000 tỉ đồng áp dụng lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm; Techcombank cũng áp dụng ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn VND cho SME với mức giảm khoảng 0,5% so với mức hiện nay; VPBank giảm 1% lãi suất với các khoản vay tín chấp và 0,5% đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm…
Các chuyên gia nhận định, đợt giảm lãi suất lần này có sự tham gia của nhiều NHTMCP nên giá trị và hiệu ứng sẽ mở rộng hơn đợt giảm hồi đầu năm khi chỉ có 4 NHTM lớn tham gia.
Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, thị phần tín dụng của các NHTM cho đến nay đưa ra các chương trình ưu đãi, giảm lãi suất cho vay nêu trên chiếm khoảng 57% tổng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.
Đây là bước đi hợp lý trong bối cảnh lạm phát nhiều khả năng sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn do các tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bởi vậy, việc giảm lãi suất lần này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 29/7 - 2/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm qua các phiên. Chốt tuần 2/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.090 VND/USD, tăng 11 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.733 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng không biến động mạnh ở tất cả các phiên trong tuần qua. Phiên cuối tuần 2/8, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.221 VND/USD, tăng nhẹ 6 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do cũng biến động nhẹ trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 2/8, tỷ giá tăng 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, đóng cửa tại 23.200 - 23.230 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong tuần từ 29/7 - 2/8, lãi suất liên ngân hàng VND tăng trở lại ở hầu hết các kỳ hạn. Cuối tuần 2/8, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 2,87% (+0,17 điểm phần trăm); 1 tuần 2,99% (+0,17 điểm phần trăm); 2 tuần 3,13% (+0,11% điểm phần trăm); 1 tháng 3,36% (không thay đổi).
Lãi suất liên ngân hàng USD giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn so với cuối tuần trước đó. Chốt cuối tuần 02/08, lãi suất đứng ở mức qua đêm 2,48% (-0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 2,54% (-0,05 điểm phần trăm), 2 tuần 2,64% (-0,04 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,79% (+0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 29/7 - 2/8, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 50.000 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn tín phiếu vẫn ở mức 7 ngày, lãi suất ở mức 2,75%. Kết quả, các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng chào thầu. Trong tuần có 51.999 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, trong tuần, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng gần 2.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 49.999 tỷ đồng.
Trên kênh cầm cố không phát sinh giao dịch mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%/năm.
Thị trường trái phiếu ngày 31/7, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 6.320/8.500 tỷ đồng gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 74%). Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn đi ngang/giảm nhẹ so với phiên trước.
Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 5 năm huy động được toàn bộ 1.000 tỷ đồng gọi thầu với lãi suất trúng thầu 3,55%/năm, thấp hơn 0,10%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 17/7/2019). Trái phiếu kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 3.000 tỷ đồng gọi thầu với lãi suất trúng thầu 4,44%/năm, thấp hơn 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 24/7/2019). Trái phiếu kỳ hạn 15 năm huy động được 2.020 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,68%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 24/7/2019). Trái phiếu kỳ hạn 20 năm có 5 thành viên dự thầu, huy động được 300 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,15%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 24/7/2019).
Giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt 9.243 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức trung bình gần 11.000 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Chốt phiên 2/8, diễn biến lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm nhẹ ở đa số các kỳ hạn. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ giao dịch quanh: 1 năm 2,84% (+0,08 điểm phần trăm); 2 năm 2,99% (-0,03 điểm phần trăm); 3 năm 3,14% (-0,01 điểm phần trăm); 5 năm 3,5% (-0,08 điểm phần trăm); 7 năm 3,96% (-0,00 điểm phần trăm); 10 năm 4,45% (-0,03 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần qua diễn biến tiêu cực khi cả 3 sàn đều giảm điểm, khối lượng giao dịch ở mức thấp. Chốt tuần 2/8, VN-Index đứng ở mức 991,10 điểm, giảm 2,25 điểm (-0,23%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm mạnh 2,70 điểm (-2,54%), xuống 103,70 điểm; UPCOM-Index giảm 0,24 điểm (-0,41%) xuống 58,82 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn thấp với giá trị giao dịch tương đương tuần trước đó ở mức trên 4.700 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 504 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Chiến tranh thương mại bất ngờ leo thang trở lại trong tuần qua, Fed lần đầu hạ lãi suất chính sách sau nhiều năm tăng liên tiếp. Ngày 02/08, Tổng thống Donald Trump ra quyết định áp thuế bổ sung 10% lên 300 tỷ hàng hóa Trung Quốc, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9.
Ông Trump đưa ra hành động này sau khi hai bên đàm phán tại Thượng Hải nhưng không đạt được tiến triển. Trước đó, cả hai lần lượt đổ lỗi cho nhau đã cố tình thay đổi thỏa thuận vào những phút chót, khiến cho quá trình đàm phán không hiệu quả và bị kéo dài.
Phía Trung Quốc cùng ngày cũng tuyên bố sẽ đáp trả nếu Mỹ muốn gây chiến.
Bên cạnh đó, mối quan hệ Nhật - Hàn trở nên căng thẳng hơn khi Nhật Bản ngày 2/8 quyết định rút Hàn Quốc khỏi “sách trắng”, là danh sách những quốc gia được hưởng ưu đãi thương mại từ nước này.
Phía Hàn Quốc hiện đang tìm cách yêu cầu Nhật Bản rút lại quyết định trên và đã nhiều lần bị từ chối. Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố chiều thứ Sáu rằng họ sẽ trả đũa bằng cách loại bỏ Nhật Bản khỏi danh sách trắng các đối tác thương mại của mình.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tuần qua hạ lãi suất chính sách xuống mức 2,00 - 2,25% từ mức 2,25 - 2,50% trước đó. Fed nhận thấy cần hạ lãi suất để hỗ trợ kinh tế thế giới đang giảm tốc và đưa lạm phát Mỹ lên ngưỡng mục tiêu 2,0%. NHTW Nhật BOJ và NHTW Anh BOE cũng có những cuộc họp chính sách trong tuần qua nhưng không đưa ra bất kỳ thay đổi nào.