Ghìm cương lạm phát
Thủ tướng yêu cầu không để lạm phát quá 5% | |
Chính phủ hành động và kết quả hôm nay | |
Không chủ quan với lạm phát |
Cho đến hết quý III/2016, lạm phát vẫn là chỉ số vĩ mô khiến các cơ quan điều hành tạm yên tâm khi chỉ tăng 3,14% so với đầu năm, để lại dư địa khá dồi dào cho 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên cục diện đã nhanh chóng thay đổi khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 đã tăng 0,83% so với tháng 9, đẩy CPI 10 tháng năm 2016 chạm mức 4%. Đây cũng là tháng có mức tăng CPI cao nhất tính từ đầu năm đến nay. Diễn biến bất ngờ này đã làm dấy lên nhiều lo ngại sẽ khó đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2016 ở mức dưới 5%.
Không lơ là giá dịch vụ công
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 10/2016 chủ yếu ở giá dịch vụ y tế được điều chỉnh, thực hiện ở 15 địa phương nên chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng cao. Trong 9 trên tổng số 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ chính tăng, trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất, ở mức 10,07%. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí theo lộ trình ở một số bậc học mà tháng trước chưa tăng.
Dù mong manh nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát vẫn khả thi |
Sự tăng tốc có phần nằm ngoài dự đoán của CPI khiến các chuyên gia một lần nữa phải khuyến cáo tới việc điều hành linh hoạt và có tính toán giá các dịch vụ công. Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, tuy nhóm thuốc - dịch vụ y tế và nhóm giáo dục chỉ chiếm khoảng 10% trong rổ hàng hóa dịch vụ tính CPI, song 5 năm gần đây, chỉ số giá nhóm này đã tăng rất nhanh và tác động mạnh tới CPI, thậm chí có những giai đoạn hoàn toàn chi phối biến động của CPI.
Ông Ánh phân tích, so với kỳ gốc, 2 nhóm dẫn dắt chỉ số giá vẫn là thuốc và dịch vụ y tế tăng tới 50%, riêng dịch vụ y tế tăng tới gần 68%; còn nhóm giáo dục tăng 17,6% và riêng dịch vụ giáo dục tăng tới 20,35%. Trong khi đó chỉ số giá các nhóm khác chỉ tăng thấp trong khoảng 3-5%, nhóm giao thông thậm chí còn giảm mạnh.
“Nếu cơ quan quản lý tính toán kỹ lưỡng hơn tới thời điểm tăng giá dịch vụ y tế, thì công tác điều hành giá sẽ chủ động và “dễ thở” hơn trong 2 tháng cuối năm”, ông Ánh nhận xét. Trước đó, hồi tháng 7, chuyên gia này đã khuyến cáo phương án tăng giá dịch vụ y tế nên thực hiện vào tháng 11/2016 sau khi đã có diễn biến CPI 10 tháng. Cụ thể là nếu CPI 10 tháng so với cuối năm 2015 chỉ tăng khoảng 4% thì có thể điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế khoảng 7%, ngược lại nếu trên 4% thì không nên tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế trong năm 2016 nữa.
“Việc chủ động điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục góp phần tích cực kiểm soát lạm phát, đồng thời sẽ giảm những cú sốc đột ngột như đã từng xảy ra trong quá khứ”, ông Ánh nhấn mạnh.
Chính sách điều hành có thể chủ động
Mặc dù vậy, khi phân tích vào các yếu tố gây tăng giá để nhận định xu hướng của 2 tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng khả năng kiềm chế lạm phát vẫn nằm trong tầm tay. Bởi kể cả so với kỳ gốc lẫn diễn biến thực tế trong tháng 9, tháng 10, thì yếu tố dẫn dắt CPI là nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục, đều nằm trong điều chỉnh chính sách chứ không phải yếu tố thị trường, vì vậy cơ quan quản lý hoàn toàn có thể chủ động được.
Nhận thấy tầm quan trọng của công tác điều hành giá dịch vụ y tế trong 2 tháng cuối năm, hôm 2/11 vừa qua, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có văn bản thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, trong đó nhấn mạnh các biện pháp để kiểm soát giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Cụ thể, Phó thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực tổ chức triển khai việc đấu thầu giá thuốc để kéo giá thuốc giảm xuống.
Bên cạnh đó, năm 2016 không điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế đối với nhóm không thuộc quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Đối với giá dịch vụ y tế do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, cần xem xét, tính toán kỹ việc điều chỉnh giá đối với các địa phương còn lại với liều lượng và thời điểm thích hợp, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, đề xuất phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi điều chỉnh.
Hiện giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh tăng 1 đợt, như vậy sẽ còn 3 đợt tăng rải rác từ nay cho tới sang năm. Với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của Ban Chỉ đạo điều hành giá, việc kiểm soát giá nhóm này không tăng đột biến trong 2 tháng cuối năm là hoàn toàn khả thi.
Bên cạnh đó, một biến số có thể tác động tương đối bất định là nhóm giao thông mà cụ thể là giá xăng dầu, hiện nay phụ thuộc giá quốc tế. Tuy nhiên với các biến động đột biến của nhóm này, theo một chuyên gia về giá cả, có thể sử dụng “đệm” là quỹ bình ổn giá xăng dầu. Vì vậy, vẫn có thể chủ động về chính sách, vốn chi phối khoảng 50% trong công tác điều hành giá.
Cuối cùng, TS. Vũ Đình Ánh phân tích, từ năm 2011 đến nay, chỉ số giá cả 2 tháng cuối năm chưa bao giờ tăng vượt quá 1%. Thậm chí năm 2014, CPI 2 tháng còn âm, năm 2015 gần như không tăng và cao nhất vào năm 2011, CPI 2 tháng cuối năm chỉ tăng 0,45%.
Như vậy, kịch bản khả quan cho điều hành giá 2 tháng cuối năm là không có yếu tố bất thường và nằm trong tầm điều hành của chính sách.