Giá văn phòng cho thuê: Chỉ số sức khỏe nền kinh tế
Ảnh minh họa |
Đầu tư hạ tầng tăng
Theo nghiên cứu mới nhất của Tập đoàn Jones Lang LaSalle Vietnam (JLL) trên các thành phố năng động, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao và chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng đã góp phần làm cho TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố có biên độ phát triển lớn nhất, và được xếp ở vị trí thứ 6 trong tổng số 120 thành phố.
Chỉ riêng trong tháng 2/2015, thành phố này thu hút vốn đầu tư 506,3 triệu USD, tăng 170,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn nếu tính đến cuối tháng 7, tổng số FDI vào TP. Hồ Chí Minh đạt 2,5 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng chính như đường tàu điện ngầm đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh đang gấp rút hoàn thiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam, với mức 8% là cao nhất trong khu vực. Các yếu tố này dẫn đến một sự gia tăng nhanh chóng trong kết nối giao thông, với số lượng hành khách hàng không tăng hơn 11% mỗi năm trong vòng 5 năm qua.
Thêm nữa, Chính phủ đã chấp thuận việc xây dựng sân bay quốc tế với tổng mức đầu tư khoảng 16 tỷ USD gần TP. Hồ Chí Minh, có khả năng chuyên chở đến 100 triệu hành khách vào năm 2025, cao gấp 5 lần năng lực vận tải hiện hữu của sân bay Tân Sơn Nhất.
Cung – cầu tăng, thêm xu hướng đầu tư
Các FTA thế hệ mới cùng với AEC dự kiến được ký kết vào tháng 12/2015 khiến Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới. Cũng vì vậy, ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng sản xuất.
TP. Hồ Chí Minh với dân số khoảng 8 triệu người, UBND thành phố cũng dành nhiều ưu đãi nhất cho các nhà đầu tư. Chính sự phát triển mạnh mẽ của thành phố đến từ tỷ lệ hấp thụ và xây dựng diện tích văn phòng cho thuê, một trong những thành phố có tỷ lệ cao nhất thế giới, mặc dù tỷ lệ phát triển này được đẩy lên cao là do quy mô nhỏ của thị trường BĐS (BĐS) thương mại hiện hữu.
Nhu cầu mạnh mẽ đối với nguồn cung văn phòng cao cấp có nghĩa là mức hấp thụ hàng năm dự kiến sẽ đạt trên 15% nguồn cung hiện có của thành phố. Giá thuê văn phòng đang tăng trưởng mạnh mẽ cũng làm cho TP. Hồ Chí Minh lọt vào top 20 trong báo cáo Chỉ số văn phòng toàn cầu của JLL quý I/2015.
Savills Việt Nam cũng có chung nhận định, quý II/2015, công suất cho thuê văn phòng của các tòa nhà tại TP. Hồ Chí Minh đạt 93%, mức cao nhất trong vòng 7 năm qua với giá thuê trung bình là 25 USD/m2/tháng. Chỉ riêng trong quý II, tổng lượng tiêu thụ văn phòng đã đạt hơn 25.500 m2, trong đó nhu cầu văn phòng hạng C chiếm đến hơn 68% tổng lượng tiêu thụ quý này.
Giá thuê trung bình của hạng B khu vực trung tâm cao hơn khu vực ngoài trung tâm đến 60%; và chênh lệch giá thuê văn phòng hạng C cũng tới 13%. Đại diện Savills Việt Nam khẳng định mức độ cạnh tranh sẽ càng mạnh hơn do đến cuối năm hạng C sẽ có khoảng 178.000 m2 sàn; đến 2017 có thêm khoảng 504.000 m2 sàn đưa vào khai thác.
Nếu so sánh với TP. Hồ Chí Minh, thị trường văn phòng cho thuê Hà Nội, có công suất thuê đạt thấp hơn, chỉ 81,4%, giá thuê bình quân cũng thấp hơn, chỉ 18 USD/m2/tháng; Dự kiến nửa cuối năm 2015, thị trường sẽ đón khoảng 1.470.000 m2 sàn; Đến cuối 2017 khoảng 544.000 m2 sàn.
Theo phân tích của các chuyên gia, các chỉ số phát triển kinh tế ấn tượng trong quý đã nâng mức kỳ vọng cho cả năm 2015. Đây sẽ là một năm kinh tế tăng trưởng tốt, vì thế khuyến khích tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thu hút các nguồn đầu tư mới, tạo điều kiện cho thị trường văn phòng khởi sắc hơn.
Đặc biệt sau ngày 1/7/2015, Luật Kinh doanh BĐS mới cho phép các tổ chức nước ngoài được mua lại văn phòng, cơ sở sản xuất và các tài sản khác phục vụ mục đích kinh doanh và cũng cho phép chuyển nhượng dự án BĐS chưa hoàn thiện cho nhà đầu tư để tiếp tục phát triển.
Thị trường BĐS Việt Nam đang trở thành mối quan tâm mới của các nhà đầu tư Nhật Bản: xu hướng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện dự án hoặc mua lại dự án để tiếp tục triển khai đang tăng lên.
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng cùng với các điều chỉnh về luật đã và đang tạo điều kiện thuận lợi và minh bạch hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, rõ ràng không thể phủ nhận tiềm năng kinh tế lâu dài của Việt Nam.
Những yếu tố cơ bản này, cùng với chi phí BĐS tương đối thấp và lợi nhuận cho thuê cao hiện là bước chuyển mình của Việt Nam thu hút các nhà đầu tư BĐS quốc tế.