Giải ngân chậm - điểm nghẽn của tăng trưởng
5 nhóm giải pháp đẩy nhanh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công | |
Nếu cần sẽ thanh tra làm rõ trách nhiệm chậm giải ngân vốn đầu tư công | |
Hiệu quả đầu tư công còn thấp |
Chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công là một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế. Nếu không có giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng, trong khi tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công ngày càng tăng cao.
Tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên Ảnh: Lê Quân |
Nếu giải ngân đạt kế hoạch là 357.150 tỷ đồng (chưa bao gồm hơn 12 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ từ năm 2016 chuyển sang) sẽ kéo theo tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khoảng 300 nghìn tỷ đồng và GDP sẽ tăng thêm khoảng 100 nghìn tỷ đồng, góp phần đáng kể trong thực hiện mục tiêu tăng GDP 6,7%. Đẩy mạnh giải ngân là vấn đề Chính phủ hết sức quan tâm. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Chính phủ cũng giao nhiệm vụ khá cụ thể cho các đơn vị để rà soát, tổng hợp các vướng mắc nhằm phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 thuộc tất cả các nguồn vốn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
“Đảm bảo tiến độ giải ngân là thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam để cải thiện tăng trưởng cuối năm”, theo ông Đinh Tuấn Minh, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và phát triển Depocen.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 7 tháng đạt khoảng 119,36 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ nhưng mới chỉ bằng 33,4% tổng số vốn kế hoạch năm 2017 là 357 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết của Quốc hội.
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tuy tính đến tháng 7, giải ngân cao hơn so với cùng kỳ 2016 nhưng mới đạt hơn 33% kế hoạch năm nay và chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ.
Sở dĩ như vậy là do tổng hợp nhiều nguyên nhân khác nhau, mỗi cái chậm sẽ tạo thành sự chậm trễ chung. Việc giải ngân 7 tháng qua vẫn theo quy luật các năm trước: Đầu năm chậm, tập trung vào cuối năm, bên cạnh đó là phong cách làm việc của các cơ quan và nhà thầu vẫn chậm, sự phối hợp giữa chủ đầu tư và các cơ quan liên quan trong hoàn thiện thủ tục giấy tờ thường kéo dài và mỗi thủ tục chỉ cần chậm trễ vài ngày sẽ kéo theo chậm cả tháng, vài tháng. Thời gian này lại có nhiều thủ tục chưa hoàn thành như giải phóng mặt bằng, đấu thầu. Dự án càng lớn thì giải phóng mặt bằng càng phức tạp.
Ông Phương cũng cho biết thêm, năm nay thời tiết xấu ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhiều dự án nên khối lượng công việc thấp thì giải ngân thấp, thiếu cát cũng là nguyên nhân vì cát thiếu, giá tăng, công trình phải dừng thi công chờ điều chỉnh giá.
“Việc giao vốn phụ thuộc vào quy định pháp luật, dự án được giao vốn phải đủ hồ sơ, trong đó phải có quyết định phê duyệt dự án để giao vốn. Để có được quyết định phê duyệt dự án phải trải qua thời gian dài, phải thuê tư vấn, tổ chức đấu thầu, hoàn thiện báo cáo khả thi, thẩm định dự án… điều này làm chậm việc giao vốn”, ông Phương nói.
Về tình trạng vốn ODA cũng giải ngân chậm, ông Lưu Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “vướng từ cả 2 phía, đấu thầu cả của Việt Nam và nhà tài trợ”, cũng vướng cả vấn đề giải phóng mặt bằng và tái định cư… do chính sách Việt Nam có thay đổi dẫn đến 2 bên tranh luận kéo dài. Thường thì từ khi có khoản vay đến khi giải ngân phải mất tới 2 năm với nhà tư vấn và 3 năm với nhà thầu xây lắp để đi đến ký được hợp đồng. Bên cạnh đó, dự án được cơ quan chủ quản phê duyệt nhưng địa phương không đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn và kế hoạch đầu tư hàng năm thì cũng không thể giải ngân vốn”.
Bên cạnh đó, nhiều dự án đã hoàn tất thủ tục nhưng việc điều chỉnh tổng mức đầu tư lại khiến vốn bị dừng, bởi nhiều dự án có mức điều chỉnh quá lớn, buộc phải trình Quốc hội phê chuẩn nên giải ngân vốn bị đình trệ...
Với hàng loạt nguyên nhân được nêu lên và với thời gian còn lại có 4 tháng, mà khối lượng vốn chưa giải ngân còn tới 70% thì quả thực việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đang là một thách thức lớn cho nhiệm vụ đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm nay.
Tỏ ra không mấy tin tưởng việc giải ngân sẽ được cải thiện, ông Đinh Tuấn Minh nhận xét: Về cơ bản, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công chưa quyết liệt, thẩm định phê duyệt các bước của dự án đầu tư chậm sẽ làm cản trở các giải pháp ngắn hạn hướng đến việc tăng tổng đầu tư toàn xã hội lên mức 35% GDP trong năm nay.