Hứa hẹn thành công từ một mô hình
Hà Nội: Đưa thương mại điện tử thành hoạt động phổ biến | |
Thương mại điện tử: Có lòng tin thì tiêu dùng sẽ bùng nổ | |
Thương mại điện tử: Thị trường màu mỡ |
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện và phát triển với tốc độ rất nhanh, trong đó có mô hình kinh doanh Groupon hay mô hình mua theo nhóm. Thống kê sơ bộ đến tháng 3/2016 đã có hơn 100 website groupon hoạt động tại Việt Nam.
Nghiên cứu của ThS. Lê Thị Hoài, Trường Đại học Thương mại cho thấy, với mô hình kinh doanh Groupon, một số website mới chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn đã công bố những con số khá ấn tượng. Như www.nhommua.com ước doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/tháng với hơn 500 đối tác và hơn 500.000 thành viên; hoishoping ước khoảng trên 6 tỷ đồng/tháng với hơn 100 đối tác, trên 100.000 thành viên; www.muachung.vn tăng trưởng 150% sau 6 tháng mở rộng tại thị trường Hà Nội, đạt gần 72 tỷ đồng.
ThS. Lê Thị Hoài cho biết, mặc dù các nhóm kinh doanh đạt được mức doanh thu khá cao, tuy nhiên trên thực tế, kết quả kinh doanh này vẫn chưa đủ trang trải cho chi phí nhân sự. Bởi theo ước tính của một DN kinh doanh mô hình Groupon, cuộc chạy đua giành thị phần đã khiến chi phí quảng bá DN tăng khá cao, có thể chiếm tới hơn 70% tổng doanh thu của website này. Thêm vào đó, người Việt Nam chưa quen với hình thức thanh toán qua thẻ nên các DN phải sử dụng nhiều nhân lực giao hàng, phát triển nhân viên tiếp thị để tìm kiếm đối tác tham gia.
Trên thực tế, nhiều DN cung cấp dịch vụ cũng chỉ dám theo đuổi mô hình Groupon trong thời gian đầu như một chi phí marketing thương hiệu, về lâu dài, DN nào cũng than khó vì ảnh hưởng đến doanh thu. Ngoài ra, khi người kinh doanh theo mô Groupon tại Việt Nam thường gặp phải đó chính là các vấn đề về thủ tục thanh toán, chất lượng dịch vụ khách hàng cũng như thái độ phục vụ của nhân viên. Đặc biệt là vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm/dịch vụ, sự hiểu biết của nhà cung cấp cũng như thương hiệu.
Trước những vấn đề thực tế đặt ra, để phát triển mô hình kinh doanh Groupon tại các DN thương mại điện tử Việt Nam, ThS. Lê Thị Hoài cho rằng, các DN cần thiết phải đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phần cứng để đáp ứng tốt nhất những yêu cầu đặt ra trong việc thiết kế và triển khai website bán hàng cùng những phần mềm chuyên dụng, có uy tín, dễ sử dụng để đem lại hiệu quả cao trong công việc.
Đội ngũ nhân viên quản trị nội dung cũng cần phải được đào tạo để đảm bảo tính cập nhật, liên tục, chính xác và phong phú của thông tin. Ngoài ra, DN cũng cần xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu DN để đảm bảo uy tín cho DN cũng như quyền sở hữu thương hiệu của DN và các vấn đề liên quan.
Cùng với đó, Nhà nước cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thương mại điện tử và giao dịch điện tử, sớm triển khai hoạt động cấp chứng nhận website thương mại điện tử uy tín. Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý về thương mại điện tử, giải quyết các tranh chấp có thể xảy ra.
Trên hết, Nhà nước cần hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; phổ cập Internet và thương mại điện tử sâu rộng cho toàn xã hội. Trong đó, hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin và truyền thông có một vai trò nền tảng quan trọng cho các ứng dụng của thương mại điện tử.
“Groupon tuy mới xuất hiện hơn 1 năm tại Việt Nam nhưng đã thể hiện được sức hút mãnh liệt và thực sự là một phương thức bán hàng mới cực kỳ hấp dẫn. Với số người sử dụng Internet chiếm hơn 1/3 dân số và phần lớn là giới trẻ ham khám phá các dịch vụ mới, thích mua hàng giảm giá và đặc biệt đây là lực lượng thành viên đông đảo nhất của các mạng xã hội, cộng với tâm lý đám đông cho rằng có nhiều người mua là sản phẩm tốt của người Việt, mô hình Groupon hứa hẹn sẽ thành công ở Việt Nam”, ThS. Lê Thị Hoài nhận định.