Khi bất động sản ăn theo dự án
Bất động sản thiếu lực hấp dẫn nhà đầu tư ngoại | |
Để thị trường bất động sản bền vững | |
Cẩn trọng với bất động sản nghỉ dưỡng |
Sớm nở tối tàn
Hiện, tại TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, thị trường BĐS đang có xu hướng “ăn theo” các dự án. Đặc biệt, là các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, thậm chí có nơi mới chỉ manh nha thông tin về các dự án, lập tức thị trường BĐS ở khu vực đó đã lên “cơn sốt”. Thế nhưng, trong thực tế đã có không ít nhà đầu tư “ngậm đắng” khi đầu tư BĐS đua theo dự án.
Cuối tháng 9/2016 khi UBND TP. Đà Nẵng tổ chức cuộc thi tuyển chọn phương án kiến trúc cho công trình vượt sông Hàn. Ngay lập tức, thị trường BĐS khu vực thành phố dự định xây dựng công trình đã lên “cơn sốt”. Tình hình càng nóng hơn khi các cơ quan chức năng ở địa phương thông qua chủ trương xây dựng công trình cầu vượt sông Hàn vào năm 2018, nối từ quận Hải Châu sang quận Sơn Trà. Tổng mức đầu tư dự án 4.100 tỷ đồng, chi phí vận hành 26,4 tỷ đồng/năm.
Ngay sau đó, khu vực đường Vân Đồn và các tuyến đường lân cận trên địa bàn quận Sơn Trà, phân khúc đất nền tại khu vực này đã tăng “chóng mặt”. Lúc cao điểm mỗi m2 trên đường Vân Đồn lên đến trên dưới 40 triệu đồng và luôn trong tình trạng “cháy hàng”, không có để giao dịch. Những tuyến đường lân cận như: Chu Huy Mân, Trần Thánh Tông, Vương Thừa Vũ hay khu vực đường Hồ Nghinh… giá các lô đất tăng theo từng ngày. Trong “cơn sốt” đất với dự tính đón đầu cầu vượt sông Hàn trong tương lai, hàng chục trung tâm môi giới nhà đất được dựng lên vội vã, tạm bợ trên các tuyến đường để phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi của các “thượng đế”.
Chủ đầu tư cần tìm hiểu kỹ giá trị BĐS trên thị trường |
Theo các chuyên gia BĐS, vào thời điểm khoảng tháng 10, 11/2016 mặt bằng giá BĐS ở khu vực đã tăng lên 20 đến 40% so với đầu năm 2016, thậm chí khu vực gần cầu Thuận Phước có nơi tăng trên 60%. Theo ông Trần Ngọc Thành, Tổng giám đốc CTCP Đất Xanh miền Trung, khi có thông tin làm dự án hầm chui thì không chỉ dự án của chúng tôi đang đầu tư tăng giá mà BĐS phía Đông cầu Thuận Phước đổ ra biển đều đồng loạt tăng. Bên cạnh, một số dự án khác “ngủ đông” nhiều năm qua cũng đã rục rịch tái khởi động. Thế nhưng, niềm vui của các nhà đầu tư ngắn chẳng tày gang. Trước thông tin, Chính phủ chưa đồng ý để Đà Nẵng triển khai xây dựng ngay dự án cầu vượt sông Hàn, lập tức thị trường BĐS ở khu vực đã “tuột dốc” không phanh.
Cũng ở các tuyến đường như đã kể trên, nếu như cách đây chỉ vài tháng, tấp nập đội ngũ “cò”, người mua, kẻ đi tìm hiểu để đầu tư tấp nập, thì nay lại lâm vào cảnh vắng như chùa Bà Đanh. Giá đất tại khu vực giảm mạnh, theo việc “đứng bánh” của dự án hầm vượt sông Hàn. Ông Nguyễn Văn Th. có một lô đất ở trên đường Phước Trường 5 cho biết, vào thời điểm “sốt giá” rất nhiều người gọi điện hỏi mua với giá khoảng 3 tỷ đồng. Nghĩ đất còn lên giá, sau khi hầm vượt sông Hàn làm xong, nên ông không vội bán. Ai ngờ, thông tin chưa triển khai dự án, lô đất đã rớt giá thê thảm. Đến thời điểm này, chỉ còn khoảng 2,2 tỷ đồng. Nhưng, cũng rất khó bán, bởi hầu hết những người hỏi mua đều không lấy gì làm mặn mà.
“Thượng đế” cần cẩn trọng
Cũng trên địa bàn TP. Đà Nẵng, ngay sau khi “cơn sốt” BĐS ở khu vực quận Sơn Trà hay Ngũ Hành Sơn tạm lắng xuống, do dự án chưa được triển khai, thì ở nơi khác là khu vực Tây Bắc thành phố lại đang có dấu hiệu “nóng lên”, do sự xuất hiện của nhiều dự án. Cụ thể, trước thông tin một số “siêu dự án” sẽ được triển khai ở trên địa bàn quận Liên Chiểu, lập tức giá thị trường BĐS ở khu vực cũng có dấu hiệu tăng cao.
Theo đó, trước thông tin UBND TP. Đà Nẵng quyết định đầu tư dự án đường vành đai phía Tây với tổng kinh phí ước tính hơn 1.500 tỷ đồng. Cùng với đó là các dự án khác như Cảng nước sâu Liên Chiểu, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hay dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân được triển khai. Hàng loạt các dự án trong phân khúc đất nền đã được tung ra thị trường, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Xung quanh việc thị trường BĐS thường “ăn theo” các dự án, đại diện một sàn giao dịch trên đường Nguyễn Văn Linh (TP. Đà Nẵng) cho rằng, đây cũng là điều dễ hiểu. Bởi, giá trị BĐS ở khu vực có dự án thường được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, nếu các “thượng đế”, nhà đầu tư không tỉnh táo sẽ rất dễ “ngậm đắng”. Chiêu trò các đối tượng thường sử dụng là “thổi giá” BĐS. Theo đó, các nhóm này thường phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng. Lô đất có giá khoảng 1 tỷ đồng, những người trong nhóm liên tục mua đi bán lại với nhau… trên giấy.
Sau mỗi lần như vậy giá của lô đất được đẩy lên từ 1 tỷ đồng lên đến 2 tỷ đồng, thậm chí cao hơn nữa. Người ngoài, không biết tưởng dễ ăn, khi nhảy vào mua. Và chính những “thượng đế” này là người chịu thiệt thòi duy nhất, là người cuối cùng sở hữu lô đất khi giá quay đầu giảm, với đúng thực tế. Với những cú “tung hỏa mù” này sẽ khiến thị trường BĐS lên những con sóng ảo, nhà đầu tư không tỉnh táo sẽ không biết đâu để lần.
Trước tình trạng lộn xộn của thị trường BĐS trên địa bàn, UBND TP. Đà Nẵng đã phải ban hành văn bản số 3073/UBND-SXD về việc chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS. Theo đó, các cơ quan chức năng thường xuyên đăng tải thông tin khuyến cáo các tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch, kinh doanh BĐS phải tìm hiểu kỹ thông tin, hồ sơ pháp lý dự án và quy định pháp luật có liên quan. Cơ quan công an thành phố kiểm tra, xử lý theo đúng quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh BĐS của các tổ chức, cá nhân có liên quan…
Tuy nhiên, bên cạnh những chấn chỉnh của cơ quan chức năng, để tránh đưa mình là nạn nhân của các chiêu trò trên thị trường BĐS, các chủ đầu tư cần nghe ngóng thông tin, tìm hiểu kỹ giá trị thực tế của sản phẩm BĐS trên thị trường. Đồng thời, nên tham khảo, giao dịch tại các sàn giao dịch lớn, có uy tín để tránh những rủi ro có thể xảy ra.