Để thị trường bất động sản bền vững
Bất ngờ “cơn sốt” đất nền | |
Lực hút từ Tây bắc Đà Nẵng | |
Bùng nổ BĐS nghỉ dưỡng |
Capital House - DN từng ghi dấu ấn trên thị trường bằng chuỗi sản phẩm nhà ở cho người có thu nhập thấp EcoHome 1 và EcoHome 2, với tiêu chí xanh, bền vững, giá thấp nhưng chất lượng không thấp, mới đây đã tiên phong tài trợ 1 triệu USD cho Chương trình phát triển công trình xanh. Ông Đỗ Đức Đạt, Tổng giám đốc Capital House cho rằng: “Phát triển công trình xanh là một xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi vấn đề biến đổi khí hậu đang thách thức, nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường báo động”.
Ảnh minh họa |
Chương trình phát triển công trình xanh do Hiệp hội BĐS Việt Nam phối hợp cùng các đối tác xây dựng thực hiện. Theo định nghĩa của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (Vietnam Green Building Council - VGBC), công trình xanh là công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.
Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết: Việc phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Với riêng thị trường BĐS, thế giới cũng đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển công trình xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành này.
Tuy nhiên, thống kê của VGBC cho thấy, tính đến tháng 10/2016 tại Việt Nam có khoảng 61 công trình xanh ở các giai đoạn khác nhau, trong đó có 36 dự án theo chứng nhận LEED (Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ - USGBC), 13 dự án theo chứng nhận LOTUS (VGBC) và khoảng 12 dự án theo chứng nhận Green Mark (Hiệp hội Công trình xanh Singapore - BCA). Đây là con số còn khá khiêm tốn, khi ở Singapore là hơn 2.100 dự án, ở Australia là hơn 750 dự án...
Đề cập đến nguyên nhân, ông Nguyễn Trần Nam giải thích, phát triển công trình xanh ở Việt Nam mới đi những bước đầu tiên, chưa có nhiều hoạt động thực sự hiệu quả và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội. Cho đến thời điểm này vẫn chưa có chính sách khuyến khích đầu tư công trình xanh một cách cụ thể tại thị trường Việt Nam.
Còn theo bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia công trình xanh Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), một trong những thách thức lớn nhất đối với phát triển công trình xanh là nhận thức về chi phí xây dựng công trình xanh. Trong đó, nhiều người còn mang nặng định kiến chi phí xây dựng công trình xanh phải cao hơn 10-29% so với công trình thông thường.
Nhưng, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường BĐS có thể cũng là cú huých đẩy mạnh việc phát triển các dự án đi theo hướng xanh này. Bởi theo đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam, ngoài các lợi ích trong giảm chi phí vận hành, công trình xanh còn mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài cho các chủ đầu tư. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian gần đây không ít các chủ đầu tư chọn các thông điệp xanh, sinh thái, môi trường trong lành, gần với thiên nhiên… làm chủ đạo khi quảng bá về dự án của mình.
Ông Đỗ Đức Đạt chia sẻ: “Bản thân tôi nhận thức rất rõ vấn đề biến đổi khí hậu nói chung của thế giới ảnh hưởng tới cuộc sống con người mỗi ngày thế nào. Những nước bên cạnh mình như Singapore có 100% các công trình là xanh. Danmark cũng là nước mà các công trình xanh rất phát triển và họ tiến tới xác định chỉ số xanh cho từng căn hộ. Chúng ta cũng có thể thấy với quan điểm nếu các công trình Việt Nam tính toán giảm được mức tiêu thụ năng lượng nói chung và làm môi trường sống tốt lên, dần dần sẽ mang lại lợi ích cho con cháu chúng ta rất nhiều”.
Với quan điểm đó, ông Đạt cho biết thời gian tới, Capital House định hướng tất cả các dự án đều làm công trình xanh. Tùy theo phân khúc, đặc tính của sản phẩm nhà phát triển công trình xanh theo tiêu chuẩn EDGE của IFC, hay LOTUS, hoặc những tiêu chuẩn khác… Đặc biệt, Capital House hướng tới các dự án nhà ở xã hội xanh áp dụng tiêu chuẩn EDGE. “Các dự án nhà ở xanh sau này rất tốt, không bị lãng phí, lỗi thời trong thời gian dài”, ông Đỗ Đức Đạt nhấn mạnh.
Cho đến thời điểm này, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã bước đầu thành lập Ban điều phối Chương trình phát triển công trình xanh với 22 thành viên, gồm các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về công trình xanh và lãnh đạo các DN BĐS lớn. Hiệp hội cũng đã xây dựng chương trình hành động cho 5 năm tới với mục tiêu góp phần tạo lập nền tảng cơ bản cho việc hình thành một thị trường BĐS xanh của Việt Nam.
Theo đó, trong 5 năm đầu tiên, chương trình sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng điểm như tổ chức nghiên cứu, xây dựng các góp ý, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nhằm góp phần xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, bộ tiêu chí - tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thiết thực, hiệu quả, khoa học để thúc đẩy phong trào phát triển công trình xanh tại Việt Nam nhanh và bền vững.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức và nhận thức về công trình xanh cho các nhà phát triển BĐS, phối hợp triển khai các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về công trình xanh từ đó tăng cường lựa chọn và sử dụng các sản phẩm BĐS xanh... “Việc xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng hiệu quả tối đa và tiến tới cân bằng về năng lượng là có thể hiện thực”, ông Nam khẳng định.