Không chia cổ tức, ngân hàng xin lỗi cổ đông
Cổ đông không đoái hoài kế hoạch kinh doanh
Trao đổi bên lề với báo chí, một cổ đông Eximbank cho rằng, sau nhiều năm kinh doanh không hiệu quả, hiện nay phần lớn cổ đông NH này không còn mặn mà với nội dung của những tờ trình về kế hoạch kinh doanh. Thậm chí những thông tin sáp nhập của Eximbank rỉ rả gần đây cũng không phải là điều đáng quan tâm của cổ đông, mà họ muốn biết năm nay NH có chi trả cổ tức hay không, khi lợi nhuận quý I/2015 vừa qua, NH báo lãi hơn 500 tỷ đồng.
Hầu hết cổ đông chỉ muốn "ăn chắc mặc bền" |
Hiệu quả kinh doanh của Eximbank bắt đầu đi xuống từ năm 2013 và đến năm ngoái thì lợi nhuận chỉ đạt 69 tỷ đồng và không chia cổ tức. Ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Eximbank phân trần với các cổ đông, rằng lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh năm 2014 của Eximbank đạt 1.940 tỷ đồng nhưng phải dùng hầu hết để trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu.
Theo đó, lợi nhuận hợp nhất đến cuối năm 2014 chỉ còn 69 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 3,8% kế hoạch của Eximbank. Tuy nhiên ông Phú cũng cho rằng, nếu tính tổng lợi nhuận, thì 5 năm qua, bình quân mỗi năm Eximbank có lãi khoảng 2.000 tỷ đồng.
Tương tự trường hợp DongA Bank, cổ đông đưa ra thắc mắc, đội ngũ ban điều hành NH này toàn những gương mặt sáng giá tại sao lại làm ăn không có lãi, thậm chí thua lỗ nhiều năm. Một số mục tiêu chiến lược của DongA Bank chưa thực hiện được theo đúng tiến độ, chỉ tiêu về hiệu quả kinh doanh suy giảm…
Ông Trần Phương Bình, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc NH này cũng đưa ra lý giải là do NH phải tập trung xử lý nợ xấu và trích lập quỹ dự phòng rủi ro... Trong năm qua, DongA Bank đã bán nợ cho VAMC 3.921 tỷ đồng, do đó cũng ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng tín dụng chung của NH. Lợi nhuận trước thuế sau dự phòng năm 2014 của DongA Bank chỉ còn 34 tỷ đồng tương ứng với 7% kế hoạch năm.
Đồng loạt nâng chỉ tiêu kinh doanh
Trước những bức xúc của cổ đông, hai ông Phú và Bình đều nói lời xin lỗi toàn thể cổ đông ở hai NH vì đã không đảm bảo được quyền lợi cổ đông trong năm vừa qua. Tuy nhiên lãnh đạo các NH này cũng cho rằng, không chia được cổ tức do phải trích lập dự phòng rủi ro cao chứ không phải do kinh doanh kém(?).
Một điểm đáng chú ý là, đã có thời cả hai NH này đều đứng top đầu trong các NHTMCP, nay nợ xấu cao và tài sản sụt giảm mạnh. Chẳng hạn tỷ lệ nợ xấu của DongA Bank tính đến cuối năm 2014 vào khoảng 8% tổng dư nợ 51.850 tỷ đồng, mặc dù NH này đã sử dụng các hình thức tự thu hồi nợ, quỹ dự phòng rủi ro, cơ cấu nợ bán nợ cho VAMC… Các cuộc rút lui của một số cá nhân của ban điều hành Eximbank thời gian qua cũng làm cho tài sản thực tế của NH này từng bước xuống thang.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2015, Eximbank đặt mục tiêu tăng 12% tổng tài sản lên 180 ngàn tỷ đồng, nguồn vốn huy động tăng 24% lên 126 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 11% lên 108.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DongA Bank cũng dự kiến tăng tổng tài sản 12,7% lên 98 ngàn tỷ đồng, nguồn vốn huy động tăng 13,4% lên 88 ngàn tỷ đồng, tổng dư nợ tăng 7% chạm mức 65.665 tỷ đồng, tăng 20% vốn chủ sở hữu chạm mức 6.000 tỷ đồng và đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% tổng dư nợ.
Mặc dù ban điều hành hai NH Eximbank và DongA Bank cùng lý giải những khó khăn và phương án kinh doanh nhưng vẫn không làm thỏa mãn cổ đông với kết quả kinh doanh thời gian qua. Được biết nhiều nội dung của các tờ trình ở cả hai NH này vẫn không được cổ đông thông qua, thậm chí, có rất nhiều ý kiến cổ đông yêu cầu HĐQT của hai NH phải từ chức.
Sự bức xúc về cổ tức của các cổ đông một phần cũng có yếu tố khách quan xuất phát từ việc cổ phiếu NH thời gian qua trầm lắng, các cổ đông phần lớn muốn được chia cổ tức. Do vậy, thay vì dõi theo chiến lược, bước đi, tầm nhìn của NH, cổ đông chỉ muốn “ăn chắc mặc bền”.
Hơn nữa, do thị trường chứng khoán sụt giảm nên các nhà đầu tư cổ phiếu đều muốn nhận cổ tức tiền mặt. Họ cho rằng trả cổ tức bằng tiền mới tạo niềm tin cho cổ đông về sức khỏe tài chính của NH. Ngoài ra, cổ đông cũng muốn thu được lợi tức ngang bằng hoặc cao hơn mức 5-6% như tiền tiết kiệm. Và một khi thị trường phục hồi, giá cổ phiếu tăng, nhà đầu tư còn có cơ hội gặt hái lợi nhuận từ việc chênh lệch giá…