Không trả được cổ tức, Chứng khoán Kim Long muốn giải thể
Sáng 8/4/2016 thị trường xôn xao thông tin 1 công ty chứng khoán khá lớn sẽ công bố giải thể, 15 giờ sẽ có thông tin và có cả thông tin chi tiết về việc chia tiền. Sau đó tên công ty được biết rõ là Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS). Vì sao một công ty nghìn tỷ lại giải thể?
Ảnh minh họa |
Trả lời câu hỏi vì sao KLS giải thể, ông Hà Hoài Nam – Chủ tịch KLS cho biết năm 2016, KLS sẽ không trả được cổ tức vì năm 2015 công ty lỗ, hai năm trước cổ tức trả cho cổ đông là 8% và 7%. Lỗ vì thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đủ lớn, hoạt động của khối công ty chứng khoán nhìn chung còn nhiều khó khăn.
Ông Nam cho biết thêm, có nhiều cổ phiếu giao dịch dưới giá trị sổ sách và KLS cũng vậy. Thời gian dài vừa qua, cổ phiếu KLS chủ yếu giao dịch ở mức 6.000-7.000 đồng/CP, gần đây có tăng lên một chút. KLS có hơn 182 triệu cổ phiếu đang lưu hành, nếu thanh lý toàn bộ tài sản và danh mục đầu tư, giá trị còn lại được chia của mỗi cổ phiếu ước tính khoảng 11.000 đồng.
Trước thị giá và giá trị thanh lý của KLS có sự chênh lệch như vậy, một số cổ đông KLS đã có kiến nghị Công ty giải thể, trả lại tiền cho cổ đông. Đây là quyền của cổ đông và cũng là hợp lý. HĐQT quyết định trình Đại hội đồng cổ đông phương án giải thể KLS dù là một quyết định khó khăn sau nhiều trăn trở.
“Có một sự may mắn ở đây, đó là KLS vẫn giữ được tiền. Khác với các loại hình doanh nghiệp khác, đặc thù ngành nghề là công ty chứng khoán nên tài sản chủ yếu của KLS là tiền mặt và cổ phiếu (khoảng 2.000 tỷ đồng). Vì thế KLS có điều kiện để chia tiền cho cổ đông khi Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án này”, ông Nam nói.
Phương án giải thể đã được đưa vào tài liệu họp cổ đông ngày 25/4/2016 và được xin ý kiến cổ đông ủy quyền cho HĐQT thực hiện việc giải thể. Lý do giải thể được đưa ra là: Hoạt động kinh doanh không hiệu quả nên giải thể để bảo toàn nguồn vốn. Vì mục tiêu bảo toàn nguồn lực mà hiệu quả kinh doanh mang lại không cao. Ngay cả trong những năm kết quả kinh doanh được đánh giá là thành công, hiệu quả mang lại cũng không vượt qua được mức ROE của nhiều doanh nghiệp niêm yết thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác trên thị trường;
Quy mô TTCK nhỏ, nhiều đối thủ lớn, cạnh tranh khốc liệt và KLS không cạnh tranh được. Nếu muốn gia tăng thị phần trong hoạt động nghiệp vụ thì phải chấp nhận rủi ro cao hơn, dẫn đến thất thoát nguồn lực và thiệt hại cho các cổ đông; Quy định ngành nghề chặt chẽ, KLS khó thực hiện các khoản đầu tư lớn, lâu dài và mang tính chi phối doanh nghiệp.
Ông Nam cho biết, với khách hàng, nhà đầu tư đang có tài khoản tại KLS, Công ty sẽ thu xếp các hợp đồng với đối tác và khách hàng. Các quan hệ kinh tế của KLS đều minh bạch, rõ ràng nên việc thanh lý những hợp đồng còn hiệu lực tương đối đơn giản và sẽ không gây thiệt hại gì cho khách hàng hay cổ đông của KLS.
Với nhà đầu tư, hiện KLS có trên 10.800 tài khoản giao dịch. Khách hàng có thể đến công ty để chuyển và tất toán tài khoản. Nếu nhà đầu tư không đến tất toán, KLS sẽ liên hệ với một CTCK đủ tiềm lực và uy tín để đảm bảo quá trình chuyển giao tài khoản diễn ra thuận lợi nhất.
Danh mục đầu tư của KLS hiện nay khá gọn nhẹ, gồm nhiều loại cổ phiếu thanh khoản, chỉ còn khoảng hơn 300 tỷ đồng giá trị cổ phiếu niêm yết. Cổ phiếu sẽ được bán từ từ, mỗi ngày một ít để tránh thiệt hại cho bản thân
Việc thanh lý tài sản của công ty sẽ được HĐQT thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Có khả năng tài sản sẽ được đấu giá công khai trong Quý II này, KLS sẽ phát sinh lỗ do thanh lý danh mục cổ phiếu OTC. Khoản lỗ này sẽ chỉ làm giảm giá trị sổ sách, mà không làm giảm giá trị còn lại được chia dự kiến của mỗi cổ phiếu (đã được ước tính ở mức hợp lý là khoảng 11.000 đồng).
Hiện KLS có gần 1.600 tỷ đồng gửi tại ngân hàng (con số này còn tăng lên theo quá trình thanh lý), riêng lãi hàng tháng đã lớn hơn chi phí vận hành Công ty và những chi phí phát sinh khi giải thể. Vì thế, trong những tháng làm thủ tục, giá trị còn lại để chia cho cổ đông cho đến ngày chính thức giải thể có thể còn tăng.
KLS hiện có hơn 80 lao động đang làm việc. Nhiều người trong đội ngũ của KLS có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm công tác, đa phần đã có chứng chỉ hành nghề, theo ông Nam, chắc chắn họ sẽ được chào đón ở những công ty khác. KLS sẽ liên hệ với đối tác, giới thiệu nhân sự, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tìm được công việc phù hợp.
Về chế độ của Công ty với người lao động, hiện Công ty có nguồn Quỹ phúc lợi để chia cho cán bộ, nhân viên khi KLS giải thể. Khoản quỹ này là tiền của cán bộ, nhân viên KLS, được hạch toán ở khoản phải trả của Công ty, nên không nằm trong nguồn vốn chủ sở hữu, không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của cổ đông khi giải thể.
Ban lãnh đạo KLS cũng sẽ hỗ trợ thêm cho nhân viên, đặc biệt là những trường hợp khó khăn. “Chúng tôi sẽ cố gắng để mỗi người khi nghỉ việc sẽ có thu nhập bằng một số tháng lương, giúp họ có điều kiện thu xếp gia đình và tìm công việc mới”, ông Nam nói.