Kích thị trường nhà ở xã hội
Lãi suất đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở trong năm 2017 là 5% | |
Nhà ở xã hội: Xu thế theo nguồn cung |
Hiện thực giấc mơ có nhà
Tiến Dũng, 36 tuổi, nhân viên một công ty may mặc trên địa bàn huyện Gia Lâm đang chờ đón từng ngày khoản tiền thưởng Tết. Năm nay, gia đình anh đang có nhiều dự định mua sắm đồ dùng cho căn nhà mới vừa được bàn giao mấy tháng nay.
Trong căn hộ tại khu đô thị Đặng Xá của Tiến Dũng, đồ đạc còn khá đơn sơ, nhưng không gian đã chừng như ấm cúng lắm. Căn phòng ngủ nhỏ cho lũ trẻ được sơn màu hồng chủ đạo, lắp giường tầng, nơi hai đứa con gái luôn “ẩn mình” chơi đồ hàng ngay lúc vừa đi học về. Ở giữa nhà, chiếc tivi đặt dưới sàn, bộ bàn ghế phòng khách còn chưa có. “Chúng em sẽ mua ngay khi có đủ tiền”, anh nói…
Các cơ quan có thẩm quyền sớm bổ sung danh mục hỗ trợ nhà ở xã hội trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 |
Vài tháng nay, gia đình 4 người này lúc nào cũng vui như hội. Sự thay đổi hạnh phúc nhất là nước nóng luôn sẵn sàng chứ không như khi ở trọ tắm phải tự đun. Nhiều đồ đạc trước kia đi ở thuê đều nghĩ mua sắm đơn giản, nhưng nay đã có chỗ ở cố định thì mua đồ sẽ lựa hàng tốt, mua một lần để dùng lâu dài.
Nhưng quan trọng nhất là tâm lý an cư thì lạc nghiệp, không còn phải lo chủ nhà thỉnh thoảng lại tăng tiền thuê, tính tiền điện nước giá đắt. Cho nên đây là lúc hai vợ chồng có thể dồn sức làm việc, cùng phấn đấu. “Đi làm ca về muộn cũng không lo bị chủ nhà mắng như trước nữa…”, Dũng chia sẻ.
Cũng đang trong những ngày hạnh phúc vì mới nhận nhà, chị Phương Dung - hiện đang sống tại dự án nhà ở xã hội EcoHome 2, Hà Nội - tâm sự: Trước đây anh chị ở cùng bố mẹ chồng nhưng diện tích nhà ở chật hẹp. Anh chị lại có con nhỏ nên gặp khó khăn trong sinh hoạt.
Một dạo để đỡ bức bí, anh chị dọn ra ngoài thuê trọ, nhưng qua từng ngày mới cảm thấy sự phức tạp của cuộc sống ở đậu. Sống trong khu ở trọ rất phức tạp, buổi tối phải về trước 10 giờ tối nếu không sẽ bị khóa cổng cho ở ngoài… “Căn hộ mới này có mức giá phù hợp. Hơn nữa môi trường sống ở đây thoải mái, dễ chịu. Gia đình em rất yên tâm khi sống ở đây”, chị Dung vui vẻ nói.
Trên thực tế, không phải ai mong muốn an cư cũng có thể thực hiện được, nhất là ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, những nơi có giá đất cao so với thu nhập trung bình của người dân. Anh Dũng, chị Dung đều là các trường hợp may mắn tiếp cận được gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng để hiện thực giấc mơ sở hữu nhà riêng của mình.
Tiến Dũng cho biết: Nếu không có gói vay 30 nghìn tỷ đồng, gia đình không thể mua được nhà. Bởi vì với thu nhập của hai vợ chồng anh hiện nay thì không biết đến bao giờ mới có ngay một khoản tiền lớn hiện thực ước mơ an cư…
Chính sách kích thị trường
Để giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân có thu nhập thấp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 đưa ra các chính sách hỗ trợ sản xuất và thị trường, trong đó có gói tín dụng nhà ở ưu đãi lãi suất 30 nghìn tỷ đồng. Thống kê đến hết tháng 11/2016, cả nước đã có 56 nghìn người tạo lập được nhà ở nhờ chính sách này.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đánh giá: Chính sách này có tác động lớn nhất, góp phần giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp ở đô thị có nhà ở và đã góp phần giúp thị trường bất động sản phục hồi trở lại kể từ cuối năm 2013 cho đến nay.
Đồng quan điểm với ông Châu, nhiều chủ đầu tư cũng cho rằng, số tiền 30 nghìn tỷ đồng tuy không phải lớn so với quy mô thị trường, nhưng đã khơi thông niềm tin, tạo ra sức lan tỏa cho thị trường và giúp tiêu thụ được hàng chục ngàn căn hộ tồn, tác động tích cực đến các phân khúc khác trong thị trường bất động sản, đặc biệt là các căn hộ thương mại giá rẻ.
Nổi lên về phát triển các dự án nhà ở giá thấp, Công ty Xây dựng số 1 Điện Biên chỉ trong ít năm vừa qua đã liên tục chào bán các căn hộ tại khu đô thị khép kín nhưng có giá chỉ trên dưới 1 tỷ đồng/căn. Nhưng đáng chú ý hơn cả là mới đây, Tập đoàn Vingroup - doanh nghiệp gắn tên tuổi với nhiều khu đô thị và chung cư cao cấp - đã công bố kế hoạch sẽ phát triển các dự án nhà ở với giá chỉ từ 700 triệu đồng/căn.
Xu hướng phát triển các khu chung cư giá thấp dường như đang lan rộng trong giới kinh doanh địa ốc. Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch CEN Group tính toán, với thu nhập như hiện nay của các gia đình trẻ tại Hà Nội thì mức giá căn hộ dưới 1 tỷ đồng sẽ tương đương 5-6 năm thu nhập, chuẩn theo thông lệ quốc tế về xác định giá bán tối ưu cho căn hộ.
Đây dường như là phân khúc nhà ở đang có nhiều cơ hội để phát triển. Bởi theo tính toán thì hiện nay nhu cầu nhà ở thu nhập thấp trên cả nước còn rất lớn. Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, so với chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, số lượng nhà giá thấp, nhà ở xã hội hiện mới chỉ đáp ứng được 28%.
Nhưng, cung cầu đang đứng trước cơ hội xích lại gần nhau. Theo Nghị định 100 của Chính phủ về phát triển, quản lý nhà ở xã hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ cho người dân vay vốn ưu đãi với mức lãi suất là 4,8%/năm, nhưng chính sách này vẫn chưa được thực thi. Và để chính sách sớm đi vào đời sống, Chính phủ cần sớm có chỉ đạo để bố trí nguồn vốn từ ngân sách thực hiện chủ trương này.
Đồng thời, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh quy hoạch điều chỉnh quy hoạch tạo quỹ đất sạch giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia làm nhà giá thấp, nhà ở xã hội; tạo điều kiện hỗ trợ hạ tầng như các công trình phúc lợi như nhà trẻ, trạm y tế… để tạo quy hoạch đồng bộ, giải quyết chỗ ở cho người dân ổn định trong thời gian tới.
Một tin vui nữa là tại Hội nghị trực tuyến về nhà ở xã hội diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm bổ sung danh mục hỗ trợ nhà ở xã hội trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhằm hỗ trợ cho dự án hoặc người mua nhà ở xã hội được vay ưu đãi.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu về cơ chế thuế, vốn, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách, mặt khác huy động thêm các nguồn vốn để làm nhà ở xã hội; yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung phát triển nhà ở xã hội.