Kiểm soát rủi ro, bảo vệ người mua nhà
Phát triển đô thị và cơ hội cho BĐS | |
Đón đầu cơ hội mới | |
Nguồn cung nhiều nhưng không rẻ |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (Horea) cho rằng, thời gian gần đây, thị trường BĐS đã trở nên minh bạch và ít tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro hơn. Đặc biệt là với cơ chế chính sách, quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS mới… đã có những tác động đáng kể đến thị trường.
Ngoài ra, một số công cụ giám sát, quản lý, hỗ trợ phát triển thị trường từ chính sách thuế, tín dụng, lãi suất, bảo lãnh cho vay nhà ở hình thành trong tương lai đã và đang phát huy tác dụng kích thích sức cầu cho thị trường thông qua việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người mua nhà.
Ảnh minh họa |
Theo phân tích của một số chuyên gia, nếu như trước kia người có nhu cầu sở hữu nhà cảm thấy không yên tâm khi bỏ tiền tỷ ra để mua nhà ở hình thành trong tương lai bởi khi xảy ra tranh chấp, không biết “bấu víu” vào đâu do hành lang pháp lý về vấn đề này còn khá lỏng lẻo.
Chính vì vậy, trên thực tế không ít trường hợp chủ đầu tư sau khi “vẽ” lên dự án, tìm cách huy động vốn của khách hàng nhưng sau đó không thực hiện đúng cam kết như chậm tiến độ, chậm bàn giao nhà, vi phạm điều khoản đã ký kết trong hợp đồng, thậm chí “xù” tiền của khách hàng, trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ, song không có cơ sở để xử lý và phần thiệt hại người mua luôn phải gánh chịu.
Tuy nhiên, đó đã là chuyện trước đây, hiện tại với quy định cụ thể, rõ ràng của luật pháp, bắt buộc chủ đầu tư phải xây dựng xong phần móng chung cư, phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh ngân hàng, cũng như được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, phải giải chấp hoặc được ngân hàng nơi nhận thế chấp có văn bản chấp thuận.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn phải thực hiện một loạt nghĩa vụ có liên quan như hoàn thành nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng, nghiệm thu công trình phòng cháy, chữa cháy theo quy định... trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai, bàn giao nhà cho khách hàng.
Nếu không hoàn thành tất cả các nghĩa vụ này coi như chủ đầu tư công trình, dự án đã vi phạm và khi bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của luật pháp. Với các quy định chặt chẽ, không ngoài mục đích nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua nhà phòng tránh được những rủi ro có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nêu ra dẫn chứng, kinh nghiệm của các nước như Singapore, Australia... chỉ cho phép chủ đầu tư được khởi công dự án khi đã có từ 50 - 60% khách hàng đặt mua sản phẩm.
Số tiền khách hàng đặt cọc hoặc thanh toán cho chủ đầu tư cho đến lúc được giao nhà, được đưa vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng mà chủ đầu tư không được sử dụng, nhưng trên cơ sở đó, ngân hàng có thể căn cứ cho chủ đầu tư vay vốn để phát triển dự án, xây dựng công trình. Với cơ chế này, ngân hàng yên tâm giám sát chặt chẽ dòng tiền cho vay bởi kiểm soát được việc chủ đầu tư sử dụng đúng mục đích. Có như vậy, nguy cơ về nợ xấu tiềm ẩn đối với thị trường BĐS và đây cũng là yếu tố cơ bản tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh.
Cùng chung quan điểm này, mới đây tại văn bản góp ý với UBND TP. Hồ Chí Minh về Dự thảo đề án Phát triển thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020, Horea cũng đã đưa ra đề nghị NHNN chỉ đạo các NHTM xây dựng "Quy chế hoạt động nội bộ ngân hàng" theo hướng khuyến khích chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn, nhà cung cấp vật tư, thiết bị, khách hàng đều mở tài khoản giao dịch tại cùng một ngân hàng.
Điều này tạo điều kiện cho ngân hàng giám sát dòng tiền được sử dụng đúng mục đích, giúp cho chủ đầu tư và các bên liên quan sử dụng vốn tín dụng hiệu quả, tiết kiệm và nhất là giảm thiểu rủi ro một cách thấp nhất cho khách hàng, tạo điều kiện kích cầu cho thị trường một cách bền vững.