Phát triển đô thị và cơ hội cho BĐS
Phát triển đô thị: Tư nhân vào cuộc | |
Phát triển đô thị Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu |
“Một trong những mục tiêu nhiệm vụ chủ yếu để phát triển TP. Hồ Chí Minh là tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị, di dời nhà ở ven kênh rạch, xây dựng mới các chung cư cũ đồng thời thu hút đầu tư vào các khu đô thị mới, nhà ở xã hội…”. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định trong hội thảo khoa học “Quản lý xây dựng chỉnh trang và phát triển đô thị TP HCM” để nghe ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học.
Ảnh minh họa |
Cần có những giải pháp và cơ chế đặc thù
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), TP.HCM hiện có gần 13 triệu dân, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư. Số liệu thống kê của Sở Xây dựng cho thấy toàn thành phố có 476.000 hộ chưa có nhà ở riêng, 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội.
Cũng vậy, kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM thực hiện cho thấy chỉ riêng nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020 có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu. Đây cũng là thách thức lớn nhất vì nhu cầu quá lớn trong khi nguồn cung nhà ở thương mại vừa túi tiền, và nguồn cung nhà ở xã hội còn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu.
“Chính điều này đã khiến nhiều dự án mới mọc lên trong khi số lượng dự án chỉnh trang đô thị chưa kịp thực hiện và tạo nên nhiều khoảng trống trong đô thị” theo nhận xét của Tiến sĩ – Kiến trúc sư Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng.
Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận định: “Một trong những vấn đề thách thức sự phát triển đô thị của TP.HCM hiện nay là sử dụng tài nguyên đất kém hiệu quả ở nhiều nơi, ách tắc giao thông và ngập nước”.
Theo Tiến sĩ Hòa, thành phố đã sử dụng hết quỹ đất để phát triển đô thị, bắt đầu có mầm mống đầu cơ đất đai. Theo đó, hiện nay, các dự án nhà ở, phát triển đô thị được giao trước khi có quy hoạch nên khi nhà nước làm quy hoạch phải chấp nhận “tồn tại”.
Góp ý trong công cuộc chỉnh trang phát triển đô thị TP HCM, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Đại học Fulbright cho rằng, TP.HCM cần phải nhắm đến mục tiêu xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, nhất quán trong các chính sách, đảm bảo phát triển đô thị nén với việc tập trung vào những nơi đã định hình đô thị; hạn chế phát triển đô thị mới phân tán với mật độ thấp và phải giữ được vành đai xanh;
Gắn chương trình đột phá về giải quyết ùn tắc giao thông với chỉnh trang và phát triển đô thị bằng việc định hướng vận tải công cộng; phát triển đô thị mới Thủ Thiêm gắn kết với khu trung tâm hiện hữu để đưa TP.HCM thành trung tâm cung cấp dịch vụ cho cả vùng Nam bộ; phát triển vùng kinh tế Nam TP.HCM gắn với liên kết vùng để khai thông bế tắc trong liên kết vùng hiện nay.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Để phát triển đô thị, chính phủ phải đẩy mạnh sự phân cấp, phân quyền cho TP.HCM trong công tác chỉnh trang đô thị. TP.HCM cần có những cơ chế đặc thù nhằm tạo vốn, thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng; thực hiện các biện pháp, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh”.
Huy động và sử dụng nguồn vốn hiệu quả
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, ngoài việc cần những cơ chế đặc thù để huy động các nguồn lực, nguồn vốn phát triển đô thị, thành phố cũng cần đẩy nhanh thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án BĐS, trước hết là các dự án xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng nặng, các dự án chỉnh trang kênh rạch; hỗ trợ DN thực hiện giải phóng mặt bằng, giải quyết tạm cư, tái định cư; tạo điều kiện thông thoáng trong việc chuyển nhượng dự án giữa các nhà đầu tư, nhất là các dự án đang bồi thường giải phóng mặt bằng dở dang để tái khởi động, giúp cho thị trường bất động sản tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng theo hướng minh bạch, lành mạnh và bền vững.
Theo Tiến sĩ Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, thống kê TP.HCM cần 26.000 tỷ đồng để di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, xây dựng hơn 230 chung cư cũ, xây dựng hạ tầng kỹ thuật - xã hội cho các dự án nhà ở nằm trong các khu dân cư hiện hữu với phạm vi chỉnh trang là 225ha... Nếu tính tổng đầu tư cho các nguồn lực xã hội giai đoạn 2016 - 2020 thì TP.HCM cần đến 1,8 triệu đồng.
Ông Quốc cho rằng hiện thành phố có 5 nguồn tài chính. Đầu tiên là cân đối ngân sách hàng năm, khai thác từ quỹ nhà đất, thu từ cổ phần hóa DN, nguồn huy động vốn vay và huy động nguồn lực xã hội. Kế đến nguồn tài chính từ khai thác quỹ nhà đất công trên địa bàn thành phố. “Hiện thành phố còn gần 13.000 địa chỉ nhà đất công, ước tính thu được khoảng 1 triệu tỷ đồng khi đem bán đấu giá” ông Quốc cho biết.
Cổ phần hóa DNNN là nguồn tài chính thứ 3 của TP.HCM. Hiện có 54 công ty TNHH MTV được cổ phần hóa, nếu định giá cho sát, TP.HCM bán 50% cổ phần của các DN này thì sẽ thu được nguồn tiền khoảng 40.000 tỷ đồng. Nguồn tài chính thứ 4 và thứ 5 lần lượt là phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và huy động các nguồn lực xã hội đầu tư PPP, bán quyền khai thác các công trình…
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh để hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong việc chỉnh trang và phát triển đô thị, TP.HCM đã kiến nghị trung ương cho phép được áp dụng cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện chủ động huy động các nguồn lực cho đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị, đặc biệt là cơ chế tài chính.