Kiểm toán tới đâu cũng phát hiện sai phạm
Kiểm toán Nhà nước: Thanh tra kiểm tra thuế bỏ sót nhiều sai phạm | |
Kiểm toán nội bộ doanh nghiệp niêm yết theo chuẩn mới |
Ảnh minh họa |
Nhìn lại 25 năm thành lập và phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã giúp Quốc hội thực hiện giám sát và giúp Chính phủ quản lý điều hành chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực quốc gia, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, góp phần minh bạch, an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định “KTNN đã tạo được niềm tin với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân”.
25 năm qua, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 414.145 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi. Trong 5 năm gần đây, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính tới 195.886 tỷ đồng, tăng thu NSNN 46.997 tỷ đồng, giảm chi NSNN 36.583 tỷ đồng. KTNN đã tập trung kiểm toán các lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản và các dự án BT, BOT…
Kiểm toán trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, 5 năm gần đây, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính tới 19.352 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm KTNN đã phát hiện và đưa ra hơn 200 kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, trách nhiệm người đứng đầu ở các tập đoàn, tổng công ty và một số cơ quan nhà nước có vi phạm về quản lý tài chính.
Từ năm 2006 đến nay, để phục vụ kiểm tra, giám sát, KTNN đã cung cấp 128 bộ hồ sơ, tài liệu về các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra, cơ quan Nhà nước khác và đại biểu Quốc hội. Đã chuyển 19 hồ sơ về 22 vụ vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra.
Từ năm 2011 đến nay, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 899 văn bản (6 Luật, 38 nghị định, 141 thông tư…). KTNN cũng tham gia nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Và một trong những dấu ấn trong sự nghiệp KTNN, theo TS. Bùi Đặng Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đó là việc kiểm toán 61 dự án BOT. Lúc đầu nhiều ý kiến từ các bộ, ngành phản đối việc kiểm toán này, nhưng lại được người dân ủng hộ cao. Sau kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm 222 năm thu phí. Việc kiểm toán, kiến nghị của kiểm toán đã phần nào tạo thêm niềm tin trong xã hội và khẳng định vai trò quan trọng của KTNN.
Mới đây, trong một báo cáo gửi Quốc hội trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV với nội dung về kết quả kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển DN giai đoạn 2011-2017, KTNN đã chỉ ra nhiều vi phạm ở một số địa phương. Trong đó một số địa phương đến 31/12/2017 vẫn chưa nộp tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn ở các DN do địa phương quản lý về quỹ với số tiền phải nộp là 1.544 tỷ đồng.
Nhìn từ hoạt động KTNN và kết quả kiểm toán thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu: “Chúng ta buồn vì có hệ thống tổ chức bộ máy chặt chẽ như vậy, hệ thống chính trị luật pháp như vậy nhưng KTNN sờ vào đâu, kiểm toán ở đâu, sai phạm ở đó”. Lời phát biểu này cũng là lời khẳng định nhấn mạnh vai trò quan trọng của KTNN và những gì KTNN đã làm được.
Tuy nhiên, những kết quả mà KTNN đã đạt được chưa đáp ứng được đòi hỏi của người dân, của Quốc hội. Cả nước có 300.000 đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, gần 11.200 xã, 710 huyện và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng hàng năm KTNN chưa thực hiện kiểm toán ngân sách được toàn bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chất lượng và hiệu lực kiểm toán còn khoảng cách không nhỏ so với yêu cầu. Để KTNN tiếp tục hoàn thành trọng trách được Đảng và Nhà nước giao, các chuyên gia hội thảo cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung và cho kiểm toán nói riêng.
Với KTNN, cần luôn coi trọng xây dựng đội ngũ công chức viên chức và kiểm toán viên, song song với đó là phải cải tiến hoạt động chuyên môn, kiểm soát tốt chất lượng kiểm toán. Bên cạnh đó, việc giải quyết mối quan hệ giữa mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng kiểm toán và yêu cầu giữ gìn đạo đức, phẩm chất cán bộ, kiểm toán viên cũng là một thách thức lớn.