Kỳ công săn thực phẩm sạch ăn Tết
Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm | |
Tăng cường quản lý VSATTP | |
Chuyện "mứt tết nhà làm" |
Kỳ công
Cữ này, việc chuẩn bị gà, lợn đón Tết Nguyên đán của người dân xã Minh Tân (Phú Xuyên - Hà Nội) đã hoàn tất. Ở địa phương này, thanh niên trai tráng đi các nơi làm ăn nhiều, đông nhất là lên Sa Pa (Lào Cai) và TP Cao Bằng thuê đất trồng rau. Bởi thế việc đặt thịt lợn mán, lợn rừng để gửi về Minh Tân khá thuận tiện.
Anh Nguyễn Văn Hành, làm trang trại rau ở TP Cao Bằng tâm sự: “Chúng tôi thường đặt bà con người dân tộc ở Cao Bằng nuôi lợn từ giữa năm. Đến cuối năm, chuẩn bị về quê nhà sum họp cùng đại gia đình thì có thể thịt rồi mang về, hoặc có thể đánh cả chuyến xe khi lợn vẫn còn sống về luôn. Hiện giờ có đến 80 cặp vợ chồng trẻ quê Phú Xuyên sống và lập nghiệp ở trên này cơ mà”.
Cho gà quý lên cân |
Ngoài lợn, người Minh Tân làm ruộng ở TP Cao Bằng cũng chuẩn bị gà, măng rừng để chuyển về quê. Tất nhiên, nhiều hộ gia đình ở Phú Xuyên cũng tự nuôi lợn, nuôi gà. Hộ nào bận thì gần đến Tết mới mua, rồi mang về nuôi ít tuần, chỉ cho ăn cơm hoặc thóc.
Bà Bùi Thị Xuân, cho hay: “Có thể nói như vậy khá kỳ công, nhưng cả năm một lần đón xuân, ai cũng muốn được ăn ngon, vui vẻ và an toàn. Chứ đi mua thịt nuôi công nghiệp, ăn mất ngon”.
Ở một vùng quê khác, khá sôi động khách đến đặt mua chính là huyện Yên Thế (Bắc Giang) nổi tiếng với gà đồi. Từ mấy năm qua, chuyện khách đặt hàng vạn con gà đã trở nên khá phổ biến ở mảnh đất này. Đỉnh điểm, để đón xuân năm 2013, người Hà Nội đã đặt ở Yên Thế 5 triệu con gà. Năm nay, đón xuân 2017, con số này cũng đạt tới 1,5 triệu gà đồi.
Anh Lương Văn Hiến - Phó Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Yên Thế cho biết: “Tổng số gia cầm trên địa bàn huyện có khoảng 4,3 triệu con, trong đó, đàn gà có trên 4 triệu con. Để nâng cao chất lượng gà thương phẩm đáp ứng thị trường tiêu dùng, huyện chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn các trang trại, hộ dân tăng cường việc thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu giống gà nuôi trên địa bàn theo hướng nâng tỷ lệ gà Ri Lai nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường chất lượng gà tốt nhất”.
Thực phẩm chất lượng cao lên ngôi
Ngày thường, người dân sinh sống ở phố đi đặt hàng các trang trại chăn nuôi quanh Hà Nội trồng rau, chăn nuôi gà, lợn… để dùng trong sinh hoạt. Đặc biệt để chuẩn bị đón xuân, nhiều gia đình đã cử người lên các vùng núi cao như Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Lạng Sơn… để đặt lợn rừng. Mọi người lên mạng xã hội nói chuyện săn thực phẩm sạch, giới thiệu những nơi cung cấp thực phẩm ngon, rẻ khá sôi động.
Anh Hoàng Đức Trí ở quận Tây Hồ, chia sẻ: “Cả chục năm rồi chúng tôi đều làm vậy. Hai gia đình chung nhau đặt một con lợn thì sẽ làm được khá nhiều món. Bây giờ đón Tết ngoài chuyện vui vẻ, cầu kỳ thì người dân vẫn hướng đến sự đa dạng và an toàn. Lợn rừng sẽ làm được nhiều món ngon và lạ. Cuối năm chúng tôi tiện đi chơi rồi mang thịt về. Có số điện thoại của nhau, chỉ cần “a lô” là xong. Người trên đó sẽ thịt giúp, chúng tôi chỉ việc mang theo xe về Hà Nội”.
Gà Hồ - giống gà quý |
Nhiều năm qua, người dân ở Hà Nội cũng thường tìm về các làng nuôi gà nổi tiếng như gà Hồ (Bắc Ninh), gà Đông Tảo (Hưng Yên) để đặt hàng và sát đến ngày Tết thì bắt về. Ở thôn Đông Tảo Đông, xã Đông Tảo gia đình anh Nguyễn Trọng Tích nuôi dưỡng, bảo tồn loài gà quý hiếm, béo nục nịch, căng tròn này. Anh bưng một con lên ngang mặt, giới thiệu: “Mỗi con là một cục vàng cậu ạ. Tôi quý chúng và quyết gìn giữ nguồn gen để không bao giờ giống gà này bị mất”.
Gia đình anh Tích đã ba đời nuôi giữ giống gà Đông Tảo. Khi xưa đi chạy giặc, cha anh Tích - ông Nguyễn Trọng Dốc - trong lúc loạn lạc chẳng mang theo đồ đạc gì mà chỉ ôm một đôi gà Đông Tảo. Hòa bình lập lại, trong làng duy nhất nhà ông Dốc có gà trống, gà mái, gà mẹ, gà con Đông Tảo cất tiếng gáy. Theo anh Tích kể thì ông Dốc ngấm thú đam mê chơi chim, chơi gà ngay từ nhỏ. Cái thú ấy lại ngấm sang các con, đặc biệt là anh Tích.
Cùng với nhiều người đam mê nuôi gà quý, ông Tạ Văn Hiệu cũng "say" gà. Ông coi giữ giống là trách nhiệm và lúc nào trong trang trại cũng có hàng trăm con. Hiện giống gà Đông Tảo đã được lan ra các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Nam Định và cả Hà Nội. Nhiều người cũng nuôi một vài chục con để thi thoảng làm thịt.
Riêng vào dịp cuối năm, khách Hà Nội về đặt mua những con chân to, thuần nhất làm đặc sản đãi khách. Vào những ngày cao điểm hàng trăm chú gà được xuất chuồng. Đa số khách mua cho biết, việc dùng thịt lợn, giò chả, thịt gà bình thường để làm cỗ Tết đã rất phổ biến, nên nhu cầu tìm đến những loại thực phẩm có chất lượng cao hơn ngày càng tăng, tuy giá cả cao hơn.
Anh Vũ Huy Quang (Đống Đa- Hà Nội) - đến thị trấn Hồ - huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) săn gà chia sẻ: “Làm việc vất vả mấy trăm ngày, chỉ có mấy ngày Tết được nghỉ ngơi. Tìm đến món gà ngon cũng là một cái thú. Ở Hà Nội không nuôi được nên năm nào cũng về đây mua. Anh em họ hàng còn nhờ mua luôn thể”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào giữa tháng 12/2016, các cơ quan chức năng quản lý an toàn thực phẩm, quản lý thị trường đã triển khai các kế hoạch đảm bảo chất lượng các mặt hàng phục vụ Tết. Nhiều biện pháp kiềm chế hàng giả, hàng kém chất lượng đã được đưa ra. Còn người dân, việc săn tìm các loại thực phẩm an toàn là nhu cầu có thật, và chỉ đáp ứng được phần nào. |