Kỳ vọng ở đầu tư
Đẩy mạnh đầu tư công để kích thích tăng trưởng | |
Bắt bệnh từ lỗi hệ thống | |
Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt các dự án đầu tư công |
Con số hơn 10 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 480 tỷ USD, vốn đầu tư được đề cập trong Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020 có lẽ là thông tin đáng chú ý nhất ít tuần nay.
Nguồn lực ở đâu là một lẽ để các bên phản biện, nhưng quan trọng hơn gắn với đó còn là chiến lược phát triển kinh tế trong dài hạn. Khởi động cho giai đoạn mới, năm 2017 tăng trưởng GDP chốt ở con số 6,7% và chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4%... Đặt trong bối cảnh phải ổn định vĩ mô, mục tiêu tăng trưởng như trên thực tế có gắn nhiều đến nguồn vốn đầu tư khoảng 480 tỷ USD vừa đề cập.
Ảnh minh họa |
Lâu nay, đầu tư vẫn là một động lực quan trọng của tăng trưởng. Theo ông Dương Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), nếu tính trên các nhân tố đóng góp đầu vào cho phát triển kinh tế, “Vốn” tạo ra khoảng 55% GDP, “Lao động” gần 20% GDP, còn lại là “Năng suất các nhân tố tổng hợp” (TFP) gần 30% GDP.
Trên thực tế, quá trình đầu tư vừa qua giúp cơ sở hạ tầng tốt lên, lưu thông hàng hóa nhanh hơn đã đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế. Ngay cả khi trong nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng tại Việt Nam có một phần dành cho giải phóng mặt bằng, không tạo ra giá trị tài sản trong dự án. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế ổn định thì đồng tiền người dân được đền bù có một phần được gửi ngân hàng để tái đầu tư vào nền kinh tế; phần khác được dành cho xây dựng, sửa chữa nhà cửa, tức là tạo ra giá trị tài sản đóng góp vào GDP; hay được người dân đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế…
Ở khía cạnh khác của đầu tư, các thống kê cũng cho thấy, nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là đầu vào sản xuất, mà đặc biệt là máy móc thiết bị… Đây là động lực rất quan trọng để tăng năng suất, từ đó khiến cho TFP tăng lên và nhu cầu đầu tư giảm đi. Thực tế theo ghi nhận của cơ quan thống kê, trong giai đoạn vừa qua, đóng góp của vốn vào tăng trưởng có giảm xuống, trong khi đóng góp của TFP tăng lên, trong khi tăng trưởng vẫn được duy trì ở mức khá.
Còn trong giai đoạn tới, với trên 10 triệu tỷ đồng, thực tế tỷ trọng nguồn vốn đầu tư chiếm trong GDP vẫn khoảng trên 30%, không thay đổi nhiều so với giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, hiệu quả từ nguồn vốn đầu tư này chỉ tác động trực tiếp một phần vào ngành xây dựng, còn lại là có độ trễ đóng góp tới tăng trưởng. Chính vì vậy, vấn đề có lẽ đáng được đặt ra nhất lúc này thì bên cạnh nhiệm vụ tìm vốn từ đâu cho hợp lý còn phải tính cách sử dụng đồng vốn đầu tư này như thế nào cho hiệu quả.
Về hiệu quả sử dụng vốn, theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia: Quan trọng nhất là cần đầu tư tập trung vào những ngành, lĩnh vực cần vốn ít, hiệu quả sản xuất cao, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân; chọn ngành đầu tư cần xác định các ngành trọng điểm có tác động lớn nhất đến các ngành khác và tổng thể nền kinh tế. Chuyên gia đến từ cơ quan thống kê cũng gợi ý một nghiên cứu tổng thể về đầu vào/đầu ra (Input/Output, hay I/O) nền kinh tế để có thể lựa chọn đúng ưu tiên dồn vốn đầu tư.
Và trong bối cảnh nguồn vốn hạn chế, việc dùng vốn sẽ càng phải có lựa chọn, như chọn đầu tư cho đường bộ Bắc - Nam, sân bay Long Thành, hay đường sắt Bắc - Nam? Bởi cũng cần nhớ rằng, đầu tư thường có độ trễ, nên nếu đầu tư không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng ở giai đoạn sau. Và nếu đầu tư đã “trượt mục tiêu”, thì sức ép về nhu cầu đầu tư thúc đẩy tăng trưởng cũng sẽ “trượt” ra các giai đoạn sau, nhiệm kỳ sau…
Riêng về huy động vốn, có lẽ đã đến lúc Nhà nước “nhường” sân chơi cho các thành phần kinh tế khác, lùi lại để kiến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn cho các DN, nhà đầu tư. Bởi dù các yếu tố khác đóng góp vào tăng trưởng đang phát huy tốt lên, nhưng kinh tế của Việt Nam vẫn dựa vào đầu tư là chủ yếu. Do vậy, muốn tăng trưởng cao cần phải có chính sách để khuyến khích tăng đầu tư, mở rộng sản xuất.