Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Agribank: Hỗ trợ doanh nghiệp bằng hành động | |
Đột phá tư duy để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa | |
Ngành Ngân hàng quyết liệt và đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp |
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với DN lần 2 năm 2017 dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 3 tới tại Hà Nội chắc chắn sẽ là sự kiện lớn, không chỉ để cộng đồng DN Việt Nam thể hiện khát vọng, phản ánh những bất cập của môi trường kinh doanh, mà còn giúp các cơ quan Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển DN trong giai đoạn mới.
Còn nhớ, ngày 29/4/2016, ngay sau khi Chính phủ nhiệm kỳ mới được thành lập, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng với DN với chủ đề “DN Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước” tại TP. Hồ Chí Minh.
Với sự tham gia của các Phó Thủ tướng, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh, các bộ trưởng, lãnh đạo 90 DN có vốn đầu tư nước ngoài, 35 hiệp hội DN trong và ngoài nước, 7 hợp tác xã, 350 CTCP, CT TNHH, 40 DN có vốn Nhà nước là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, CTCP hóa, lãnh đạo địa phương, các sở, ban, ngành và DN, hiệp hội DN trên địa bàn của các địa phương… Hội nghị thực sự đã thổi luồng sinh khí mới, tạo khí thế mới cho cộng đồng DN cũng như NĐT.
Chính phủ sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho DN, làm đúng vai trò, tạo môi trường tốt nhất cho DN phát triển, đặc biệt là bảo vệ lợi ích hợp pháp của DN |
Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn cam kết với cộng đồng DN Việt Nam rằng, Chính phủ sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho DN, làm đúng vai trò, tạo môi trường tốt nhất cho DN phát triển, đặc biệt là bảo vệ lợi ích hợp pháp của DN. Bên cạnh đó, kêu gọi cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, nêu cao đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật, nói không với trốn thuế, lậu thuế, gian lận thương mại; xây dựng văn hóa DN, tinh thần liêm chính trong kinh doanh.
Cộng đồng DN và cơ quan Nhà nước lên án và cương quyết xử lý đúng pháp luật những kẻ đội lốt DN, làm ăn bất lương, bất chính, bất chấp lợi ích quốc gia, vô cảm trước sức khoẻ của đồng bào.
Để đạt được mục tiêu như nghị quyết đã đề ra, Chính phủ đã chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ như: Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN, hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; Giảm chi phí kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN.
Cùng với đó, Chính phủ đã tập trung vào công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là các cơ chế chính sách nhằm tạo động lực cho sự phát triển của DN như: trình Quốc hội xem xét dự án Luật Hỗ trợ DNNVV; ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh; ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP…
Chính phủ cũng đã yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ ít nhất 2 lần/năm tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với NĐT, DN để nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho NĐT, DN trên địa bàn; thiết lập và công khai đường dây nóng điện thoại, website để trực tiếp nhận ý kiến phản ánh và giải đáp cho DN.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, với quyết tâm đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, coi DN, doanh nhân là một trong những chủ thể quan trọng, là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, gắn liền với thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và DN”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN.
Chính phủ cũng đã ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN; xây dựng và đưa vào hoạt động Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của DN do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp điều hành tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn từ ngày 1/10/2016. Đây là một kênh thông tin kết nối giữa Chính phủ với DN, góp phần tăng cường hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như hạn chế các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN.
“Đến nay, thông qua hệ thống này, đã tiếp nhận và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý hàng trăm kiến nghị của DN. Nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, giải quyết kịp thời. Những hành động, giải pháp cụ thể nêu trên đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào một năm rất thành công trong phát triển DN của cả nước với hơn 110.000 DN mới được thành lập, cao nhất từ trước đến nay; gần 27.000 DN do khó khăn phải ngừng hoạt động trước đây nay đã hoạt động trở lại, tăng 24,1% so với cùng kỳ”, ông Mai Tiến Dũng cho biết.
Chia sẻ về tinh thần của Hội nghị Thủ tướng với DN lần 2, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, năm 2017 với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội mới, với chủ trương nhất quán về việc hỗ trợ và phát triển DN, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi cho DN và người dân.
Cụ thể, Chính phủ sẽ hoàn thiện và trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh; Ban hành Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017; tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, nếu cần thiết sẽ sửa đổi, bổ sung nghị quyết cho phù hợp với giai đoạn tới. Chỉ đạo rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kiên quyết bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển DNNVV, DN khởi nghiệp; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng giải quyết kiến nghị của người dân, DN; nghiêm túc thực hiện không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự để tạo niềm tin cho DN, NĐT; thanh tra, kiểm tra, giám sát có kế hoạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn DN, NĐT tuân thủ tốt các quy định của pháp luật… với tinh thần lấy DN là đối tượng phục vụ. Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
“Đây là sự khẳng định mạnh mẽ của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và DN, thể hiện sự đồng hành, sát cánh của Chính phủ, góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.