Loay hoay cải tạo chung cư cũ
Gian nan cải tạo chung cư cũ | |
Xây dựng, cải tạo chung cư cũ: Phải hài hòa lợi ích các bên | |
Khó khăn cải tạo chung cư cũ |
Hàng trăm chung cư cũ, hư hỏng đang chờ sửa chữa, xây dựng lại nhưng thiếu cơ chế thu hút DN tham gia
Đại diện Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, thành phố có khoảng 474 chung cư cũ cần được kiểm định, phần lớn được xây dựng từ giữa những năm 1960 cho đến nay, và có đến 106 chung cư, nhà tập thể đã bị xuống cấp nặng, trong đó có những chung cư đang trong tình trạng nguy hiểm.
Theo kế hoạch, sắp tới thành phố sẽ di dời, tháo dỡ khoảng 70 chung cư cũ với hơn 7.249 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa 3 lô chung cư cũ với quy mô 10.000 m2 sàn; đồng thời, sẽ khởi công xây dựng mới thay thế 61 lô chung cư cũ với quy mô khoảng 9.870 căn hộ, tương đương 901.696 m2 sàn.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, tiến độ xây dựng mới các chung cư cũ, hư hỏng nặng vẫn rất chậm nên chưa thể giải quyết được nhu cầu bức thiết của người dân đang cư ngụ trong các chung cư này. Lý giải về tình trạng chậm trễ này, đại diện của Sở Xây dựng cho rằng nguyên nhân chính là do đến nay Nhà nước vẫn chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực xã hội hóa, nên các DN, nhà đầu tư chưa mặn mà tham gia.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành thẳng thắn chỉ ra rằng, việc xây dựng cải tạo những chung cư cũ, hư hỏng nặng trên toàn địa bàn thành phố là chủ trương lớn, cần thu hút nguồn lực xã hội hóa tham gia. Đứng ở góc độ kinh doanh, thì việc tham gia chương trình này không đem lại nhiều lợi nhuận cho DN, tuy nhiên có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Vì vậy, muốn các chủ đầu tư, DN BĐS “chung tay góp sức” thì Nhà nước, thành phố cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp, thu hút, khuyến khích DN tham gia.
Nhưng thực tế, chương trình đến nay vẫn “ì ạch” bởi hai lý do chính: Thứ nhất, chỉ tiêu quy hoạch áp dụng để xây dựng lại nhà chung cư cũ, hư hỏng chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thu hồi vốn. Thứ hai, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành mất rất nhiều thời gian, nhiều điểm bất hợp lý khiến DN khó thực hiện được.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (Horea) chỉ ra những điểm bất cập trong cơ chế lựa chọn chủ đầu tư hiện nay. Cụ thể, tại Nghị định 101/2015/NĐ – CP quy định về cải tạo, xây dựng chung cư cũ cho phép các cư dân tại chung cư được quyền lựa chọn DN BĐS làm chủ đầu tư dự án xây dựng lại nhà chung cư.
Nhưng phương thức này có nhược điểm là khó tìm được sự đồng thuận của số đông người dân sinh sống tại chung cư, cũng như mất rất nhiều thời gian, không đáp ứng được yêu cầu cấp bách để xử lý các chung cư bị hư hỏng nặng, cần phải di dời gấp. Đặc biệt, khó khăn, trở ngại chính còn đến từ quy định hệ số sử dụng đất và chiều cao công trình dẫn đến hiệu quả kinh doanh bị hạn chế.
Vì vậy, Horea đưa ra kiến nghị, UBND TP. Hồ Chí Minh nên được quyền xem xét, quyết định lựa chọn nhà đầu tư các dự án xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ, hư hỏng, nhà ven kênh rạch, thay vì từng dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định như quy định trước đây.