Luật Quy hoạch sẽ trị tận gốc vấn đề… loạn quy hoạch?
Ban hành Luật quy hoạch là cần thiết và cấp bách | |
Luật Quy hoạch: Không thể có lợi ích nhóm |
Ông Nguyễn Đức Kiên |
Hiện nay, có tình trạng nhiều địa phương quy hoạch sân bay, cảng biển, khu công nghiệp… tràn lan, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước, xã hội. Bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có những chia sẻ với báo chí về dự thảo Luật Quy hoạch.
Trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành quy hoạch tràn lan sân bay, cảng biển, khu công nghiệp… gây khó khăn cho việc điều hành phát triển. Vậy dự án Luật Quy hoạch có giải quyết được các vấn đề này không, thưa ông?
Luật quy hoạch đưa ra là để sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn các nguồn lực của xã hội, cả nước trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Việc quy hoạch cảng biển, sân bay, khu công nghiệp… của các tỉnh trong thời gian qua là một trong những lĩnh vực có thể nhìn thấy rõ nét nhất trong việc các quy hoạch bị chồng lấn.
Ở đây chúng ta phải thấy rằng, việc các tỉnh, địa phương đều muốn mở ra cảng biển, sân bay, khu công nghiệp… là mong muốn chính đáng của các địa phương. Tuy nhiên, nếu nhìn trên góc độ cả nước thì không hợp lý.
Việc quy hoạch cảng biển, sân bay, khu công nghiệp… của các tỉnh trong thời gian qua còn nhiều bất cập |
Do vậy, chúng ta phải thấy việc lãnh đạo các địa phương đi vận động để mở cảng biển, sân bay, khu công nghiệp… là muốn thay đổi bộ mặt công nghiệp, kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, Trung ương sẽ có cách nhìn toàn diện hơn, những nơi nào có lợi thế cảng biển thì đầu tư, đồng thời kết nối các khu vực, để hàng hóa lưu thông thuận lợi.
Do vậy, phải có quy hoạch tổng thể mới giải quyết được vấn đề này, hài hòa lợi ích các vùng, đồng thời đảm bảo yêu cầu phát triển của từng địa phương. Khi có quy hoạch tổng thể, tích hợp các quy hoạch ngành, đặc biệt cùng đặt trên cùng một mặt bằng thì chúng ta sẽ thấy những điểm hợp lý và bất hợp lý.
Ở nhiều địa phương có tình trạng làm trái quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch tràn lan vì lợi ích "tân quan, tân quy hoạch", theo ông làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
Việc lãnh đạo các địa phương đang điều chỉnh quy hoạch là theo luật hiện hành, vì họ có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch. Nhưng khi Luật Quy hoạch ra đời, áp dụng luật này thì việc điều chỉnh quy hoạch sẽ khác. Ví dụ muốn điều chỉnh quy hoạch nhà cao tầng trong nội đô thì phải trả lời về việc quy hoạch giao thông, giao thông tĩnh, giao thông động, quy hoạch giáo dục, y tế, mật độ dân cư… phải trả lời các quy hoạch này thì mọi vấn đề sẽ rõ ràng.
Có ý kiến cho rằng việc quy hoạch các đô thị lớn ở Việt Nam đang có nhiều bất cập, chung cư mọc lên như “nấm” gây áp lực lên đô thị, vậy phải làm thế nào để giải quyết bài toán này?
Đầu tiên chúng ta lấy ví dụ cụ thể, tại sao lại đưa doanh nghiệp vào đầu tư chung cư tại khu triển lãm Giảng Võ (Hà Nội), có phải chúng ta thiếu nhà ở nên phải xây chung cư ở đó. Tại sao thành phố không biến khu đất này thành khu vực công cộng, công viên, cây xanh, hồ nước… là những thứ thành phố đang thiếu.
Có phải Hà Nội vẫn nhìn vào việc bán khu đất để thu lại cho ngân sách địa phương một khoản tiền? Có phải vì Hà Nội thiếu tiền? Có phải người dân Hà Nội cần thêm một tổ hợp chung cư cao cấp hay người dân cần một lá phổi xanh ở đó? Do vậy, nếu chúng ta không có quy hoạch tổng thể sẽ không trả lời được những vấn đề này, và việc phân đất, bán đất là điều bình thường.
Do vậy, tôi tin rằng khi Luật Quy hoạch ra đời nó sẽ xử lý được các vấn đề về quy hoạch còn tồn tại, nhưng quan trọng là người thực thi, cán bộ công chức thực hiện chức năng công vụ, phê duyệt quy hoạch, liệu họ có nghĩ tới tương lai. Về chế tài xử lý vi phạm trong Luật Quy hoạch cũng đã được quy định trong Luật Cán bộ, công chức, Dân sự, Hình sự…
Ngoài ra, trong dự thảo Luật Quy hoạch đã có quy định lấy ý kiến của cử tri nhưng vấn đề là lấy ý kiến như thế nào, lấy tới đâu thì vẫn còn tùy vào từng loại quy hoạch. Dự kiến luật này sẽ được thông qua trong kỳ họp giữa năm sau.
Xin cảm ơn ông!