Lướt sóng cổ phiếu ngân hàng không dễ
Chào sàn 32.000 đồng/CP, TPBank kỳ vọng vốn hóa đạt 1 tỷ USD năm 2018 | |
Tăng vốn ngân hàng đạt lợi ích kép | |
Cổ phiếu Eximbank chính thức thoát khỏi diện cảnh báo |
Giá cổ phiếu một số ngân hàng bị định giá cao
Chỉ số VN-Index thời gian qua, liên tiếp leo lên các thang điểm mới, thiết lập các đỉnh cao nhất trong hàng chục năm qua. Tiếp sức cho đà tăng của chỉ số chứng khoán chính trên thị trường phải kể đến nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng. Trong đó, hàng loạt cổ phiếu như ACB, CTG, VCB… cùng với những mã mới niêm yết như HDB, VPB, VIB… lớp lớp tạo sóng.
Tuy nhiên, các cổ phiếu ngân hàng được định giá ở mức 3,2 lần giá trị sổ sách (P/B) và 20,3 lần lợi nhuận (P/E). Sự hưng phấn về giá của cổ phiếu ngân hàng đã lan tỏa sang những cổ phiếu cùng ngành chưa niêm yết.
Không nhiều người trúng đấu giá IPO ngân hàng ở mức thấp, để hưởng lợi khi cổ phiếu lên sàn |
Trên thị trường, các nhà đầu tư hiện đang ngóng chờ hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng và cả những công ty tài chính có kế hoạch niêm yết trong năm 2018 như: TPB, TCB, OCB, FE Credit... một số cổ phiếu hiện đã giao dịch rất nóng trên thị trường OTC.
Thực ra, việc tăng giá mạnh của nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng thời gian qua khá hợp lý. Vì dư nợ tín dụng tăng trưởng bình quân trong thời kỳ 2013-2017 ở mức 16,9% và trong đó mảng cho vay cá nhân tăng trưởng 40,8%. Riêng các công ty tài chính tiêu dùng có sự tăng trưởng dư nợ cho vay rất mạnh ở mức bình quân 66,5%/năm trong giai đoạn này và được xem là một “đối trọng” với các mô hình ngân hàng truyền thống, số liệu của StoxPlus.
Những ngân hàng hiện nay đang hoạt động có kết quả kinh doanh tương đối ấn tượng. Điều đó lý giải vì sao giá cổ phiếu ngành Ngân hàng đã tăng 73,2% trong năm ngoái và tăng 40% trong quý I/2018. Từ chỗ chỉ có 9 NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán với lượng vốn hóa ở mức 11,8 tỷ USD vào năm 2013. Hiện nay, hai sàn chứng khoán đã có 15 cổ phiếu ngân hàng niêm yết, với tổng vốn hóa ở mức 40 tỷ USD và chiếm 21,5% tổng vốn hóa của toàn thị trường…
Tốc độ tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được hỗ trợ từ việc tăng trưởng ở quy mô cũng như doanh thu của toàn ngành Ngân hàng. Thế nên, nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu ngân hàng để dồn vốn được coi lựa chọn thông minh. Tuy nhiên, có một điểm lưu ý mà khá nhiều nhà phân tích quan ngại đó là những tháng gần đây tốc độ tăng giá có phần quá nhanh. Vì vậy, nó có thể là cơ hội nhưng cũng có thể sẽ là con dao nhọn, gây “sát thương” cho nhà đầu tư không có nhiều kinh nghiệm.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn là lực đỡ thị trường
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng, cổ phiếu ngân hàng thời gian qua không chỉ tăng nhanh về giá mà còn có phần chênh lệch giữa một vài cổ phiếu. Ví dụ, thị trường liên tục chứng kiến những ngân hàng quy mô nhỏ mới lên sàn có giá cao hơn hẳn các ngân hàng lớn có kết quả kinh doanh tốt. Chênh lệch về giá cổ phiếu giữa ngân hàng mới và cũ chứng tỏ có dòng vốn đầu cơ tham gia thị trường. Hay nói khác hơn là có một vài cổ phiếu có “chiêu trò”. Như vậy, chuỗi tăng giá của những cổ phiếu này có lâu bền trong tương lai hay không còn là một câu hỏi buộc nhà đầu tư phải cân nhắc.
Cùng quan điểm, ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Đầu tư kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu, Dragon Capital cho rằng, các chính sách vĩ mô, tiền tệ, tài khóa, sẽ có thể ảnh hưởng mạnh đến hệ thống ngân hàng và cổ phiếu ngành này trong năm 2018. Trong đó, thị trường chứng khoán thế giới đang có mối liên hệ mật thiết với thị trường chứng khoán trong nước.
Điển hình, trong ngày 16/4 tuần này, cổ phiếu ngân hàng (CTG, ACB, MBB và EIB) vẫn là lực đỡ chính cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, niềm vui không được bao lâu khi lực bán dồn dập tới từ VCB hay BID đã kéo giá thị trường trở lại vùng đỏ. Kịch bản xấu hơn có thể xảy ra đối với nhà đầu tư, tới đây sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ trong nhóm khi mà chỉ những ngân hàng có nền tảng vững chắc mới duy trì đà tăng trưởng tạo khoảng cách với nhóm còn lại.
Chưa kể, ở góc nhìn dòng vốn ngoại, nhà đầu tư có thể nhìn thấy khối này cũng bán ròng mạnh hơn 290 tỷ đồng trong cuối tuần qua và lực bán ròng tập trung vào nhiều mã vốn hóa lớn như VCB, CTG… Việc bán ròng này lại không xuất phát từ 2 quỹ ETFs ngoại. Do đó, việc bán ròng chỉ có thể tạm thời được kết luận là đã có một nhóm nhà đầu cơ có thể đã thực hiện chốt lời một phần để bảo toàn vốn trước biến động của thị trường.
“Nếu dòng vốn ngoại tiếp tục rút mạnh ra khỏi thị trường và có thêm từ sự đóng góp của các quỹ ETFs trong thời gian tới, đây sẽ thực sự là một tín hiệu cảnh báo rủi ro cho nhà đầu tư. Ngoài ra, nhà đầu tư nên quan tâm mùa ĐHCĐ của các ngân hàng cũng đang đi qua và các thông tin từ đó có thể là chỉ báo cho thị trường trong thời gian tới”, một lãnh đạo NHTM chia sẻ.
Hiện nay chỉ những cổ phiếu mới lên sàn đúng thời điểm thì mới được hưởng lợi lớn. Cụ thể, các cổ đông cũ cũng như ngân hàng được lợi về mọi mặt từ danh tiếng cho đến giá từ đó có thể phát hành thêm để huy động vốn... Ngược lại, các nhà đầu tư khi mua những cổ phiếu đã lên sàn, giá cao nhiều khả năng sẽ gặp những rủi ro lớn khi nhóm này đã có thời gian tăng quá dài với mức tăng lớn. Vì thế lợi nhuận dành cho các nhà đầu tư sau này sẽ giảm đi đáng kể và nếu không chọn được thời điểm và giá tốt thì có thể nhận thua lỗ nặng nề. Ví dụ một số cổ phiếu ngân hàng gần đây niêm yết chỉ mang lại lợi ích cho những nhà đầu tư tham gia trúng đấu giá ở vùng giá thấp. Những nhà đầu tư mua trên sàn sau đó hầu như chưa ai có lời.
Theo một số chuyên gia, hành động đầu tư hoặc sở hữu cổ phiếu ngân hàng trong quá trình giá leo thang của nhà đầu tư có thể tích thêm cơ hội nhưng cũng có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nhà đầu tư cần nhìn rõ giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng như thế nào để đưa thêm “chỉ báo” này vào danh mục theo dõi xem xét vận động của thị trường trong thời gian sắp tới. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện tại, hành động tốt nhất vẫn là bảo toàn vốn và mua/bán có chọn lọc thay vì mua theo phong trào cổ phiếu mới sắp lên sàn. |