Mạnh tay với hàng nhái trên mạng
Hàng nhái… online | |
Sản xuất hàng giả, hàng nhái: Trăm ngàn thủ đoạn |
Ảnh minh họa |
Ngành thương mại điện tử Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình vào khoảng 25%/năm. Vào năm ngoái, doanh số của lĩnh vực này ước tính đạt khoảng 5 tỷ USD. Trong các hình thức thương mại điện tử, kênh mạng xã hội ngày càng tỏ ra nổi trội. Thức thời với thay đổi trong mô hình kinh doanh, ngày càng có thêm nhiều DN đầu tư vào đây. Khảo sát cho thấy trong năm 2016 có 34% DN đã tiến hành kinh doanh trên mạng xã hội, tăng 6% so với năm 2015.
Cung cấp cơ hội tiếp cận sản phẩm đa dạng, dịch vụ tiện lợi và nhanh chóng hơn hoạt động thương mại truyền thống, tiếp cận dễ dàng với các đối tượng mục tiêu, giao dịch nhanh gọn… thương mại điện tử ngày càng thể hiện vị thế trong nền kinh tế. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Việc quản lý chất lượng hàng hóa được bán trên các mạng xã hội vẫn còn nhiều bất cập, khó quản lý, đặc biệt là đối với hàng giả, hàng nhái.
Lướt qua các website mua sắm hay các gian hàng thương mại điện tử hiện nay, không khó để tìm mua các sản phẩm hàng nhái các nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng. Các nhãn hàng nổi tiếng như Gucci, Hermes, LV, Versace, Rolex, Seiko... bị làm nhái nhiều nhất và được bày bán đầy dãy trên hệ thống bán hàng trực tuyến. Không những vậy nơi bán còn công khai ghi rõ nguồn gốc, loại hàng nhái fake 1, fake 2 (cấp độ nhái căn cứ theo chất lượng, độ giống với mẫu mã thật…).
Chị Vũ Thị Nhung (Kim Mã, Hà Nội) chia sẻ: Do thường xuyên mua sắm quần áo, túi xách… nhưng với thu nhập còn khiêm tốn chị không đủ để mua các sản phẩm hàng hiệu, vì vậy đành mua hàng fake để sử dụng.
Theo chị Nhung, biết là hàng giả, hàng nhái nhưng chị vẫn chấp nhận mua vì nó có hình dáng như hàng hiệu mà giá cả lại rất rẻ. Bình thường để mua một chiếc túi xách hay đồng hồ hàng hiệu có giá trung bình cũng hơn chục triệu đồng, trong khi đó hàng fake chỉ có giá 500 nghìn đến 2 triệu đồng, tùy chất lượng.
Anh Phạm Đức H. (Cầu Giấy, Hà Nội), người sở hữu một trang website chuyên bán nước hoa chia sẻ: Việc xây dựng một trang website bán hàng nhái rất đơn giản. Sau khi hoàn thành trang website thì chỉ cần đăng hình ảnh, giới thiệu thông tin các sản phẩm nước hoa nhái là đã có một kênh thương mại điện tử tiếp cận đến khách hàng.
Hiện trang web của anh đăng bán hầu hết các thương hiệu nước hoa nổi tiếng trên thị trường. Nếu các sản phẩm chính hãng được bán với giá 2-3 triệu đồng thì cũng với nhãn hiệu sản phẩm đó là hàng nhái chỉ có giá 50 - 200 nghìn đồng. Khách mua hàng cũng sẵn sàng chấp nhận mua các sản phẩm này vì giá rẻ và phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Không chỉ có các đơn vị, cá nhân hay DN công khai bán hàng nhái trên mạng, mà ngay cả sàn thương mại điện tử cũng không tránh khỏi việc để các sản phẩm này trà trộn vào. Thời gian qua, không ít khách hàng phản ánh đã mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng từ các sàn thương mại điện tử. Điều này cho thấy vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên mạng đang rất khó kiểm soát. Ở vị trí người tiêu dùng, chị Vũ Thị Nhung cũng thừa nhận, đã vài lần chị mua phải hàng nhái kém chất lượng so với được quảng cáo...
Việc hàng nhái được giới thiệu và bán công khai qua các trang mạng đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi của DN sở hữu thương hiệu, cũng như làm thiệt hại cho người tiêu dùng. Trước tình trạng đó, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) mới đây có thông báo đề nghị các chủ trang web kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm.
Cơ quan này cũng yêu cầu các thương nhân tổ chức, cá nhân kinh doanh trên website thực hiện biện pháp để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái như kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm trên website và ứng dụng thương mại điện tử, triển khai các biện pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động những thông tin sản phẩm vi phạm pháp luật.
Nếu vi phạm, các tổ chức sở hữu website và ứng dụng thương mại điện tử sẽ bị xử phạt từ 40 - 80 triệu đồng (theo quy định tại Điều 83 của Nghị định 124/2015/NĐ- CP).