Minh bạch kinh doanh trên mạng
Mạnh tay với hàng nhái trên mạng | |
Kinh doanh trên mạng cần được kiểm soát | |
Kinh doanh trên mạng xã hội: Cửa mở cho DN tài chính-ngân hàng |
9 giờ sáng, Cẩm Tú - bà nội trợ 27 tuổi - khởi động ngày mới một cách chậm rãi bằng việc đưa một tin lên nhóm Facebook cư dân của khu đô thị nơi cô sống: “Mời các chị em đặt hàng thịt quay bà em làm. Vẫn như mọi khi, 20 nghìn đồng/lạng, có khuyến mại kiệu chua…”.
Ảnh minh họa |
Bán thịt lợn quay cho hàng xóm là việc Cẩm Tú đã làm được 6 tháng nay, doanh thu khoảng 1 triệu đồng mỗi ngày, lãi không nhiều nên cô đang tính bán kèm thêm lạc rang, hoặc có thể cả dưa cải muối… Công việc không tốn nhiều thời gian, bà mẹ trẻ một nách hai con vẫn có thể đưa con trai 2 tuổi đi ăn sáng phở bò tái không hành mỗi sáng; giặt quần áo hàng ngày…
Khoảng đầu giờ chiều, cô xem lại các tin nhắn, gọi điện đặt thịt quay của cửa hàng đầu chợ gần nhà, nhắn danh sách cho người đưa hàng và nhờ thu tiền hộ. Người giao hàng sẽ thanh toán cho chủ hàng thịt, thu tiền và khi chuyển phần phí vận chuyển trước khi trả khoản lãi hàng ngày cho Cẩm Tú. Cô có thêm đồng ra đồng vào mà không tốn nhiều công sức cho việc làm ăn này.
Cẩm Tú không là người duy nhất kinh doanh ngay trong khu đô thị của mình. Ở khu đô thị mới, hay chung cư có quy mô dân số đông, dịch vụ được cung cấp bởi cư dân cho hàng xóm rất nhiều. Bạn có thể gọi từ các loại đồ lai rai như thịt bò gác bếp, nem chua rán, chân gà rút xương, cho đến các món ăn hàng ngày như cá trắm đen kho giềng, nem hải sản, chân giò nấu giả cầy... Bia lạnh vẫn phục vụ tận cửa đến 2 giờ sáng và gọi lẩu sẽ được mang tới cả bếp từ, bát đũa và… dọn rửa.
Kiểu “tự sản tự tiêu” trong nội bộ khu dân cư như vậy đang làm ăn rất phát đạt. Người ta tin rằng, khi các cư dân tự làm ra hàng hóa và cung cấp cho chính hàng xóm của mình tiêu dùng, thì các vấn đề về chất lượng, uy tín, giá cả… đều phải được đảm bảo ở mức cao nhất, phù hợp nhất. Nhưng, mọi chuyện không đơn giản như thế.
Khi mà các khu đô thị quy mô 50 đến 100 nghìn dân giờ đây không phải là ít, thì đó là một thị trường được nhiều người bán nhòm ngó. Nên có chuyện hàng làm bên ngoài được “tuồn vào” cho cư dân bán, như chuyện của Cẩm Tú ở trên. Nhưng đồng thời cũng có người “giả mạo” cư dân mà trà trộn vào các group để bán hàng. Hoạt động kinh doanh vì thế thường xảy ra va chạm lợi ích, nói xấu nhau… khá “bát nháo”.
Chấn chỉnh kinh doanh qua mạng, minh bạch hóa hoạt động này đang là mối quan tâm của các cơ quan chức năng. Mới đây, Cục Thuế TP.HCM, được báo chí dẫn nguồn, cho biết đã gửi 14.543 giấy mời cho các chủ tài khoản Facebook, YouTube, Zalo có hoạt động kinh doanh trên mạng, nhằm đốc thúc thực hiện nghĩa vụ thuế. Ngành thuế cũng đã xác định được 3.999 trường hợp kinh doanh hàng hóa qua internet, truy thu và xử phạt 19,5 tỷ đồng. Đặc biệt, Cục Thuế TP.HCM truy thu, xử phạt một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm qua mạng với số tiền lên đến 9,1 tỷ đồng…
Việc làm trên của ngành thuế là cần thiết, cần được nhân rộng. Bởi lẽ đó là giải pháp mở rộng diện thu thuế hợp lý và hợp pháp, được kỳ vọng sẽ kiến tạo sự công bằng giữa các chủ thể kinh doanh. Qua đó, nó cũng khuyến khích tính chính danh, thúc đẩy người dân đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật. Nhưng đồng thời, đây là điều kiện quan trọng để góp phần giảm áp lực tăng thuế suất đối với các nhóm đối tượng, sản phẩm dịch vụ khác.
Thêm vào đó, một hệ thống quản lý thuế nếu bao quát, phổ cập được đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, như tới đây có thể mở rộng ra đối tượng kinh doanh qua mạng, qua các mô hình kinh doanh điện tử và đa quốc gia đang ngày càng phát triển hiện nay, cũng sẽ làm minh bạch hơn hoạt động ngành thuế, thúc đẩy minh bạch hóa hoạt động kinh doanh cá thể, của DN...
Hơn hết, người ta chỉ có thể kỳ vọng vào các cơ sở kinh doanh được kiểm soát và quản lý, mà ít nhất là được nắm bắt bởi cơ quan thuế. Chỉ có các đơn vị chính danh như thế mới có động lực để thể hiện trách nhiệm của mình trước các vấn đề về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm… Chứ không phải, cứ thấy hàng xóm bán hàng là có lòng tin sản phẩm đảm bảo chất lượng, như trường hợp Cẩm Tú, hàng xóm mua hàng của cô sẽ khó có thể xác định được nguồn gốc xuất xứ.