Một số khoản chi của địa phương xây dựng dự toán chưa thực tế
Năm 2017, phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách trên GDP khoảng 20 - 21% | |
Bù đắp thâm hụt ngân sách | |
“Cởi trói” cho quỹ ngoài ngân sách |
Nhiều khoản chi NSNN chưa đúng chế độ
Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán chi cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014 là 1.339.489 tỷ đồng, trong đó: các khoản chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 1.103.983 tỷ đồng, tăng 9,7% (97.283 tỷ đồng) so với dự toán; chi chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015 là 235.506 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, quyết toán chi NSNN năm 2014 còn nổi lên một số vấn đề.
Cụ thể, một số khoản chi của một số địa phương xây dựng dự toán chưa thực sự căn cứ vào nhiệm vụ thực tế, giao dự toán chi đầu tư phát triển không phù hợp với danh mục dự kiến kế hoạch vốn, bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, xây dựng và giao kế hoạch vốn đầu tư ngoài nước chưa phù hợp... nên nhiều khoản chi vượt dự toán hoặc không đạt so với dự toán, thừa nguồn kinh phí nhưng ngược lại có nhiệm vụ chi cần thiết lại thiếu hoặc không có nguồn kinh phí.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản còn lớn và chưa được quan tâm đúng mức. Kết quả kiểm toán Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho thấy, một số địa phương nợ xây dựng cơ bản là 16.736 tỷ đồng, trong đó các xã đạt chuẩn nông thôn mới nợ 4.448 tỷ đồng. Một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán được Quốc hội quyết định, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra...
“Tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn nhiều nhưng chưa được khắc phục triệt để. Một số văn bản pháp luật về quản lý NSNN còn chưa rõ ràng, bất cập nên khó khăn trong thực hiện. Một số địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí; sử dụng nguồn tăng thu, cải cách tiền lương, nguồn bổ sung có mục tiêu... để bổ sung chi thường xuyên; chuyển nguồn không đúng quy định. Quyết toán chi nguồn vốn ngoài nước vượt dự toán được giao nhưng chưa kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định, dẫn đến bội chi thực tế tăng khá cao so với dự toán. Chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương vẫn còn rất lớn làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN”, ông Nguyễn Đức Hải nói.
Chính vì vậy, qua kiểm toán, quyết toán NSNN năm 2014, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm, bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính 19.863,5 tỷ đồng, kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 103 văn bản.
Cần nâng cao kỷ cương ngân sách
Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung 26.169 tỷ đồng do giải ngân vốn ODA tăng vào dự toán chi NSNN năm 2014.
Đồng thời, đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2014 với các chỉ tiêu: Tổng số thu cân đối NSNN là 1.130.609 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2013 chuyển sang năm 2014, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2013, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước); Tổng số chi cân đối NSNN là 1.339.489 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015); Bội chi NSNN là 249.362 tỷ đồng, bằng 6,33% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 40.482 tỷ đồng).
Thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ việc chi ngân sách không theo dự toán, không sát thực tế. Một số đại biểu cho rằng, thời gian tới, cần siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương tài chính, chấp hành nghiêm pháp luật về ngân sách để không còn tình trạng “tiềm trảm hậu tấu” trong quyết toán ngân sách như thời gian qua.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, nhiều năm nay, việc lập, giao dự toán ngân sách đều có vấn đề. Năm nào cũng trong tình trạng hụt thu và bội chi ngân sách. Ông đề nghị Quốc hội cần nghiêm túc xem xét thực tế này, cần thiết phải xem lại Luật hoặc phải có giải pháp tốt hơn trong lập dự toán. Đối với việc chi vượt dự toán, đại biểu Ngô Văn Minh bày tỏ băn khoăn về các khoản chi cho đầu tư phát triển bị chậm tiến độ giải ngân, thậm chí có dự án hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, gây lãng phí rất lớn cho NSNN.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cần nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách. “Đồng ý thông qua khoản chi hơn 26.169 tỷ đồng do tăng chi giải ngân ODA vượt dự toán, nhưng Chính phủ lưu ý và thận trọng và nếu tình hình trên tiếp tục xuất hiện thì sẽ không thông qua”, ông Ngân nói.
Bội chi NSNN năm 2014 bằng 6,33% GDP Theo báo cáo của Chính phủ, bội chi NSNN năm 2014 là 249.362 tỷ đồng, bằng 6,33% GDP thực hiện, tăng 25.362 tỷ đồng so với dự toán đã được Quốc hội quyết định. Với kết quả thực hiện dự toán thu, chi, bội chi như trên, tính đến 31/12/2014, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 46,1%, dư nợ ngoài nước của quốc gia bằng 38,3%, dư nợ công bằng 58,0%, trong giới hạn cho phép. |