NĐTNN “ngó” thị trường BĐS Việt
Thị trường căn hộ chung cư: Phân khúc cao cấp tăng giá | |
Thị trường BĐS: Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro |
Ảnh minh họa |
Hoạt động đầu tư tại các thành phố lớn và các địa điểm nghỉ dưỡng tại Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đầu trong nhóm các NĐTNN tại thị trường Việt Nam.
Gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục quay trở lại Việt Nam sau thời kỳ đóng băng. Các thương gia Hong Kong đang hoạt động tích cực hơn, với một tập đoàn ký kết thành lập một liên doanh tại Việt Nam trong giai đoạn này. Còn các nhà đầu tư Hàn Quốc đang phát đi tín hiệu săn tìm khách sạn 3 và 4 sao ở TP. HCM, Đà Nẵng và Hội An.
Hơn thế, những quý gần đây có sự tăng lên đáng chú ý trong nhu cầu về văn phòng và khách sạn từ các tập đoàn Bắc Mỹ và châu Âu. Trong những tháng đầu năm 2017, thị trường ghi nhận giao dịch lớn khi Công ty Berjaya Land (BLand)-Malaysia bán toàn bộ 70% cổ phần dự án Long Beach Resort Phú Quốc với giá 65,32 triệu ringgit (15 triệu USD) cho Công ty TNHH Sulyna Hospitality Hotel Restaurant Travel Service.
Nghiên cứu của Công ty TNHH CBRE Việt Nam (CBRE) cho thấy, sở dĩ thị trường khách sạn thu hút sự quan tâm của khối ngoại là do tỷ suất lợi nhuận khá cao được đưa ra tại Việt Nam. Doanh thu về kinh doanh phòng khách sạn tại thị trường này cũng cho thấy tăng trưởng tích cực.
Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục thu hút các DN quản trị khách sạn tham gia vào thị trường trong thời gian tới. Dự án mới phần lớn là các khu nghỉ dưỡng thiên nhiên bao gồm hạng mục biệt thự nghỉ dưỡng với quy mô lớn đang dẫn đến quan ngại dư thừa nguồn cung.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nội địa tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt đối với phân khúc khách sạn. Một vài nhóm đang tìm kiếm cơ hội mua đất dự án và mua toàn bộ một BĐS đang hoạt động, trong khi cũng có những nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội liên doanh với đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, hợp tác với các chủ đầu tư trong nước để phát triển các dự án phức hợp kết hợp trung tâm mua sắm cũng đang là xu thế chủ đạo hiện nay. Hình thành liên doanh để phát triển là lựa chọn duy nhất vì các khu công nghiệp và xuất nhập khẩu đa phần nằm dưới sự sở hữu của các nhà đầu tư trong nước và chưa có áp lực bán.
Trước đó, ông Robert Fong, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, CBRE châu Á - Thái Bình Dương nhận định: “Việc theo đuổi lợi suất cao hơn đang thúc đẩy các nhà đầu tư thực hiện chiến lược tăng giá trị cốt lõi, đồng nghĩa với việc tăng cường đầu tư vào các tài sản trọng điểm trong các lĩnh vực không phải là cốt lõi, hoặc các tài sản không trọng điểm trong các lĩnh vực cốt lõi.
Việc chấp nhận rủi ro cao để kiếm lời lớn được thể hiện qua việc chuyển từ các chiến lược giá trị gia tăng sang chiến lược cơ hội. Các nhà đầu tư được thúc đẩy bởi xu hướng đa dạng hóa khu vực địa lý đang gia tăng, chủ yếu là các nhà đầu tư châu Á và quốc tế. Các nhà đầu tư châu Á đang phân bổ vốn rất ít vào BĐS ở nước ngoài, điều này thúc đẩy họ phải đa dạng hóa danh mục đầu tư”.
Trên thực tế, sự quan tâm đến thị trường Việt Nam gia tăng đáng kể nhờ sự hỗ trợ của các nền tảng vĩ mô và lợi suất ban đầu cao. Tuy nhiên, danh mục loại tài sản có thể đầu tư vẫn khá hạn chế và cách thức thâm nhập vẫn chủ yếu dựa trên hình thức liên doanh với những chủ đầu tư trong nước.