Ngành bán lẻ trong nước: Doanh nghiệp chuyển mình theo xu thế
Bán lẻ công nghệ loay hoay tìm lối đi | |
Phát triển nhờ chiến lược thông minh | |
Bán lẻ ngoại chiếm lĩnh thị trường |
Trong những năm gần đây, làn sóng đổ bộ ngày càng nhiều của các DN, tập đoàn bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam khiến miếng bánh bán lẻ đang nghiêng về các DN ngoại. Đã có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng đầu tư, mở rộng quy mô trên toàn quốc như Lotte, Emart (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Auchan (Pháp), Central Group (Thái Lan), Alibaba … và mới đây Amazon, "gã khổng lồ" thương mại điện tử của Mỹ đã chính thức đổ bộ vào Việt Nam. Không những vậy, làn sóng mua bán và sáp nhập đã giúp các DN ngoại nhanh chóng thôn tính các thương hiệu bán lẻ trong nước. Điều này gây áp lực không nhỏ đến các DN bán lẻ nội.
DN bán lẻ Việt đã có chiến lược kinh doanh phù hợp |
Theo đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, sau 4 năm ra đời, VinMart & VinMart+ đã trở thành một trong những hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất và tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam. Theo đó, DN đã liên tục đầu tư mở rộng cả về quy mô và nâng cao chất lượng dịch vụ khẳng định sự đầu tư nghiêm túc, bài bản trong lĩnh vực bán lẻ với mục tiêu tạo dựng nên một kênh phân phối nội địa thực sự vững chắc, góp phần hỗ trợ các ngành hàng sản xuất trong nước giữ vững thị phần trên các kênh bán lẻ hiện đại.
Chiến lược đến với đông đảo người tiêu dùng, các siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ không chỉ có mặt tại toàn bộ các khu đô thị Vinhomes, các trung tâm thương mại Vincom trên cả nước mà sẽ mở rộng tới từng khu dân cư. Sau khi hoàn tất việc sáp nhập, hệ thống siêu thị Fivimart sẽ được đổi tên thành VinMart. VinCommerce sẽ sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc. Mục tiêu của hệ thống tới 2020 sẽ đạt tới 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+.
Trên thực tế, với lợi thế về công nghệ kinh doanh, quản trị DN và nguồn vốn dồi dào, các nhà đầu tư ngoại vẫn lấn át cả về quy mô lẫn thị trường tại Việt Nam. Ngoài một số DN lớn đang phát triển mạnh, thì phần lớn DN bán lẻ trong nước vẫn yếu về vốn, quy mô nhỏ, khả năng quản trị thiếu chuyên nghiệp khiến cho sức cạnh tranh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong xu hướng hội nhập thì một số ông lớn ngành bán lẻ trong nước như Saigon Co.op, Hapro, Thế giới Di động… lại đang chuyển mình mạnh mẽ nhằm khẳng định thương hiệu và vị thế.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, trong cuộc đua về thị phần bán lẻ, các DN nội đã có những nỗ lực rất lớn để chiếm lĩnh thị phần. Nhiều DN đã nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mở rộng mạng lưới, đồng thời hướng đến phát triển bán lẻ trực tuyến với nhiều hình thức phong phú. Với lợi thế sân nhà, hiểu tâm lý người tiêu dùng và đưa ra các sản phẩm an toàn, phù hợp nên đã có sức cạnh tranh lớn. Đồng thời các DN cũng đã chủ động nâng cao áp dụng những công nghệ, đặc biệt là áp dụng kinh doanh online, mua sắm trực tuyến phù hợp với xu thế công nghệ hiện nay.
Theo ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), để cạnh tranh với các DN ngoại có tiềm lực lớn, kinh nghiệm lâu năm là một thách thức rất lớn đối với các DN bán lẻ trong nước. Theo đó các DN buộc phải đổi mới từ thay đổi công nghệ, chiến lược kinh doanh đến tiếp cận các phương thức bán hàng hiện đại. Thời gian qua Hapro đã phát triển hệ thống các siêu thị trên toàn quốc và trở thành thương hiệu được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Hiện Hapro tiếp tục phát triển chuỗi siêu thị, Cửa hàng tiện ích Hapromart, Haprofood và các cửa hàng chuyên doanh theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú. DN đã kết nối với các nhà cung cấp và trở thành đại lý phân phối cho nhiều nhà sản xuất có uy tín trên thế giới. Đồng thời đẩy mạnh phát triển các cơ sở vệ tinh, tăng cường khả năng phát triển nguồn hàng trong và ngoài nước, tạo kênh hàng hóa đa chiều đặc biệt là hoa quả tươi, gạo, nông lâm sản, công nghệ phẩm, thủy hải sản chế biến, hàng công nghiệp tiêu dùng.
Với việc tạo dựng thương hiệu, chất lượng dịch vụ và hàng hóa đa dạng, Hapro đã khẳng định được vị trí của minh trên thị trường bán lẻ trong nước. Không những vậy, nhiều sản phẩm mang thương hiệu Hapro đã đưa trực tiếp vào một số chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, đại siêu thị tại nước ngoài của Hapro.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, những thay đổi về chiến lược kinh doanh của các thương hiệu bán lẻ trong nước thời gian qua khẳng định DN bán lẻ đã không ngừng đổi mới, chuyển mình phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay. Đặc biệt cùng với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng là lợi thế không nhỏ giúp các DN bán lẻ trong nước nâng cao lợi thế trong cạnh tranh.