Nghị quyết 19-35: Một năm thực hiện và những kỳ vọng mới
NHNN: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính | |
Phó Thống đốc Đào Minh Tú làm việc với MB về triển khai Nghị quyết 19, 35 | |
Quyết liệt và đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp |
Nói đến cải cách hành chính, hỗ trợ và phát triển DN, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia không phải là một việc làm mới và xa lạ với ngành NH trong những năm qua. Song với việc NHNN ban hành Kế hoạch hành động của Ngành năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 triển khai Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ (kèm theo Quyết định số 1355/QĐ-NHNN), “những nỗ lực cải cách của Ngành có định hướng rõ ràng hơn với một đường ray thực hiện thẳng hơn và động lực quyết tâm cao hơn cùng các bộ, ngành xây dựng một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ vì người dân và DN”, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhìn nhận.
Ảnh minh họa |
Hiện thực hoá bằng hành động
Ngay sau lời hiệu triệu của Thống đốc tại Chỉ thị 05 và Quyết định 1355, tất cả các đơn vị trong toàn hệ thống NH đã xây dựng chương trình hành động với các giải pháp cụ thể, tiến độ, lộ trình trong ngắn, trung và dài hạn hướng vào mục tiêu cải thiện Chỉ số tiếp cận tín dụng, hỗ trợ DN.
Nền tảng cho một môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định và cạnh tranh đã, đang được NHNN kiến tạo. NHNN đã tập trung cải cách nội bộ, cải cách điều hành cùng quy trình phối hợp từ đó điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, trong đó thanh khoản được điều tiết hợp lý, giúp ổn định mặt bằng lãi suất và giảm sức ép lên lãi suất cho vay.
Thực tế kiểm tra của NHNN cũng như qua các hội nghị đối thoại DN cho thấy lãi suất thị trường được giữ ổn định ở mức hợp lý đã hỗ trợ giảm chi phí vốn vay của DN, hộ dân và không còn là yếu tố gây cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Chính sách tiền tệ tiếp tục được thực thi hiệu quả góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô gia tăng thêm nền tảng cho việc xây dựng một chính phủ kiến tạo, đảm bảo lợi nhuận cho DN đầu tư và phát triển trong dài hạn.
Môi trường tiếp cận tín dụng thêm rộng mở và thông thoáng từ nỗ lực cải thiện xếp hạng “Chỉ số tiếp cận tín dụng” của NHNN đặc biệt là thông tin tín dụng. Hiện mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân theo tiêu chuẩn quốc tế đã hoàn thành và trong quý I/2017 sẽ hoàn thành mô hình xếp hạng tín dụng DN mới đạt chuẩn quốc tế.
Độ phủ về thông tin tín dụng, duy trì và cải thiện chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng ngày càng nâng cao thông qua việc trao đổi thông tin với các bộ, ngành. Những nền tảng thông tin này là cơ sở để các TCTD cung ứng tín dụng có lãi suất hợp lý cho DN; nhân rộng các hình thức xét duyệt tín dụng hiện đại như “nhà máy tín dụng” mà VietinBank sẽ triển khai trong năm 2017.
Những nút thắt trong hoạt động kinh doanh của các TCTD và DN được tháo gỡ và cởi bỏ với 141/184 kiến nghị của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, 46/60 kiến nghị của các TCTD và 24/25 kiến nghị của DN đã xử lý. Những kiến nghị còn lại chủ yếu mang tính dài hạn, đang được các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ-NH.
Các chi nhánh NHNN không chỉ điều hành, giám sát thực thi có hiệu quả chính sách tiền tệ mà chủ động vào cuộc tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố thành lập Ban hỗ trợ tiếp cận tín dụng NH, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đáng nói là sự vào cuộc của hệ thống các TCTD từ trung ương đến địa phương. “NHTM mặc dù là DN nhưng NHNN vẫn chỉ đạo phải cải cách mạnh mẽ. Bởi quan niệm người dân về thủ tục ngành NH chủ yếu là ở NHTM, nên muốn thực hiện tốt 2 Nghị quyết của Chính phủ thì phải cải cách ngay bản thân các NHTM với tính chất vừa là hoạt động kinh doanh nhưng có tính phục vụ”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Trong năm 2016, NHNN đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tại các TCTD đặc biệt là các NHTM nhà nước vừa là giám sát tiến độ thực hiện vừa là khuyến khích các tổ chức này làm đầu tàu kéo đổi mới.
Bước đầu kiểm tra các địa phương cho thấy tư tưởng thực hiện 2 nghị quyết đã ngấm vào từng lãnh đạo của các NH và trong sản phẩm của họ. Thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 20-40%. Một số quy trình/sản phẩm dịch vụ đã giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký khách hàng và 48% số lượng chữ ký cán bộ NH trên hồ sơ.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cung cấp sản phẩm giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian chờ đợi; trong đó giảm 70-75% thời gian đăng ký do khách hàng thực hiện trực tuyến, tiết kiệm chi phí giấy tờ, tiền bạc khoảng 45.000-50.000 đồng.
Thấm đẫm hiệu ứng trong đời sống
Kết quả từ sự nhận thức đến hành động của toàn Ngành thực hiện 2 nghị quyết của Chính phủ đã hiển hiện rõ trong bức tranh toàn Ngành năm 2016.
165 hội nghị đối thoại giữa NH với DN trên cả nước đã được tổ chức, tháo gỡ khó khăn cho 33.000 DN, thông qua đó cam kết cho vay mới đạt hơn 340.000 tỷ đồng. Gần 40.000 DN đã được tiếp cận tín dụng mới, trong tổng số 29,2 triệu khách hàng của NH trong kho dữ liệu thông tin quốc gia của CIC. Tín dụng tăng trưởng 16,66%. Các biện pháp cơ cấu lại nợ đã thực sự hỗ trợ cho hàng nghìn DN giảm nhẹ gánh nặng tài chính, được vay mới để phục hồi và phát triển hoạt động.
Quan hệ giữa NH và khách hàng có thêm những bước chuyển mới. Cái thời NH ngồi thụ động chờ khách hàng đến vay đã xa. Xu hướng tiếp cận DN ngoài không gian chật hẹp của NH và DN đã trở nên phố biến trong hệ thống NH. Các TCTD đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành phố, hiệp hội để vừa tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đẩy nhanh tốc độ tiếp cận tín dụng, vừa đưa dòng vốn sát nhu cầu phát triển kinh tế địa phương. Những hội nghị kết nối NH-DN, xúc tiến đầu tư giờ cũng không còn chờ hiệu lệnh từ NHNN hay địa phương phát động mà trở thành “đặc sản” của riêng nhiều TCTD.
Nhiều chương trình tín dụng do NH khởi xướng đang tháo gỡ bài toán có hay không hỗ trợ ngân sách để vừa hỗ trợ được DN, đảm bảo an sinh xã hội nhưng vẫn đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN đáp ứng yêu cầu hội nhập. Có thể kể đến chương trình bình ổn thị trường tại TP.Hồ Chí Minh. Từ việc thành phố kêu gọi các NHTM cho vay các DN tham gia bình ổn thị trường, có cấp bù lãi suất từ ngân sách, đến nay, các NHTM đã chủ động xây dựng các gói vay ưu đãi cho DN không cần thành phố phải hỗ trợ như trước. Chương trình này giờ cũng không còn là riêng có của TP. Hồ Chí Minh mà đã nhân rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Những sản phẩm hỗ trợ mang tinh thần của Năm DN khởi nghiệp mà Chính phủ phát động đã được đông đảo các NHTM tham gia, đặc biệt là các NHTM nhà nước với các gói tín dụng lãi suất “siêu thấp”, trong đó cho vay DN start-up chỉ từ 6%/năm cùng với những hỗ trợ DN triển khai phương án kinh doanh, tối ưu hóa hoạt động sản xuất.
Quan trọng hơn là sau một thời gian triển khai, các chính sách đã hoà quện vào cuộc sống để DN và NH cùng cảm nhận phải công khai, minh bạch để có thể dựa vào nhau, gắn bó tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. “Đây là tiền đề cho một phương thức quản lý hiện đại của NH đó chính là quản lý dòng tiền. Khi DN công khai minh bạch, NH sẽ quản lý được dòng tiền của DN thật tốt, cho vay không sợ mất vốn thì thủ tục và yêu cầu cho vay không phải đặt nặng vấn đề thế chấp tài sản, bảo lãnh. Rủi ro giảm, lãi suất cũng sẽ tự giảm.
Như vậy, cải cách hành chính đặc biệt là công khai minh bạch mọi thủ tục và phí sẽ tạo sự bình đẳng hơn trong phân phối lợi nhuận giữa NH - DN. Đây cũng là nền tảng cho mô hình cho vay theo chuỗi giá trị hứa hẹn những bước phát triển mới. “Giống như sợi dây liên kết các mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất, dựa trên việc quản lý dòng tiền, NH có thể mang đến lợi ích đồng thời cho các bên như hạ lãi suất, cho vay không cần tài sản thế chấp... ”, Phó thống đốc nhấn mạnh.
Thực tế này cũng đã minh chứng trong nhiều sản phẩm mới đây của các NH. Ví như Agribank xây dựng Chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch” với số vốn 50.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5%-1,5%/năm so với lãi suất cho vay ưu tiên đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành khẳng định, cứ cho vay thêm một mối kết nối trong chuỗi, lãi suất cho vay của NH giảm được 0,5% năm.
“Với đà thực hiện tốt Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 như hiện nay, tôi cho rằng sắp tới phía NHTM sẽ tiếp tục giảm rất nhiều các thủ tục, phí mà bản thân họ cũng không muốn. Đây là kết quả sâu hơn của việc thực thi hai nghị quyết này chứ không chỉ đơn thuần là minh bạch, bình đẳng trong quan hệ vay vốn. Từ đó gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, cải thiện hệ số tiếp cận tín dụng với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước có chỉ số tiếp cận tín dụng đứng đầu thế giới vào năm 2020”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận.