Phân bổ vốn đầu tư trung hạn: Để tránh tình trạng dự án dở dang
Đồng ý về nguyên tắc với Chính phủ về bố trí phân bổ vốn cho 294 dự án bố trí không đủ vốn, các dự án thiếu vốn đối ứng, các dự án chưa rõ nguồn vốn nhưng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chịu trách nhiệm giám sát, cắt giảm, điều chỉnh quy mô, điều chỉnh kỹ thuật, phân kỳ đầu tư để có thể hoàn thành được các dự án này trong giai đoạn 2017-2020.
Chủ tịch UBND các tỉnh cũng phải chịu trách nhiệm về cam kết này. Nếu không ai đảm bảo cam kết và không chịu trách nhiệm thì loại bỏ khỏi danh mục phân bổ vốn. Đó là nội dung cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/4 về phương án phân bổ chi tiết Kế hoạch đầu tư công trung hạn (còn lại) giai đoạn 2016-2020.
Một trong những yêu cầu đặt ra trong phân bổ vốn giai đoạn 2016-2020 là cần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng mức vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua là 2 triệu tỷ đồng, trong đó dự phòng chung là 200 nghìn tỷ đồng và vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn trước chuyển sang là 60 nghìn tỷ đồng, bằng 13% tổng mức vốn trung hạn được Quốc hội thông qua. Số vốn triển khai phân bổ chi tiết cho các dự án của các bộ, ngành, địa phương là 1.740 nghìn tỷ đồng.
Trong phương án giao kế hoạch trung hạn đợt I, Chính phủ đã triển khai phân bổ 163,34 tỷ đồng để hỗ trợ bổ sung 458 xã của 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phân bổ chi tiết để giao 7.300 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho người có công 1.030 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La; và bố trí đủ vốn cho các dự án xây dựng trụ sở của các cơ quan trong ngành tư pháp theo nghị quyết của Quốc hội.
Ông Dũng cho biết, tổng số vốn phân bổ chi tiết còn lại sau khi giao đợt I là 605.366,869 tỷ đồng, bằng 30,3% tổng mức vốn kế hoạch được Quốc hội thông qua và bằng 34,8% tổng số vốn phân bổ chi tiết.
Tổng số vốn kế hoạch trung hạn giao đợt II là 585.651,869 tỷ đồng, bằng 29,3% tổng mức kế hoạch vốn trung hạn được Quốc hội thông qua và bằng 33,7% tổng số vốn phân bổ chi tiết. Cụ thể, vốn ngân sách trung ương là 206.437,726 tỷ đồng (trong đó vốn nước ngoài là 24.864,441 tỷ đồng), vốn cân đối ngân sách địa phương 213.962,214 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ là 165.251,929 tỷ đồng. Đã bố trí thanh toán nợ đọng là 3.783,885 tỷ đồng và thu hồi vốn ứng trước là 18.312,713 tỷ đồng.
Số vốn còn lại chưa phân bổ cụ thể là 19.715 tỷ đồng, bằng 0,99% tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua và bằng 1,13% tổng số vốn phân bổ chi tiết.
Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, Chính phủ kiến nghị giao kế hoạch vốn trung hạn với số vốn là 20.865 tỷ đồng, do Ngân hàng Chính sách xã hội có kết quả hoạt động tương đối tốt, nợ xấu chỉ chiếm khoảng 0,75%; nợ quá hạn khoảng 0,35% và nợ khoanh khoảng 0,4%. Đồng thời Ngân hàng Chính sách xã hội có đóng góp tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trong 15 năm qua và hiện đang được giao triển khai một số nhiệm vụ mới.
Đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chính phủ kiến nghị giao 12.670 tỷ đồng phần ngân sách Nhà nước còn nợ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (phần cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến hết 31/12/2016). Số vốn còn lại dự kiến giao kế hoạch cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 15.015 tỷ đồng.
Chính phủ cũng kiến nghị bổ sung 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội; bổ sung 4.000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu Biển Đông - Hải đảo.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, một trong những yêu cầu đặt ra trong phân bổ vốn giai đoạn 2016-2020 là cần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, bố trí vốn thấp dẫn đến dự án dở dang, không hoàn thành. Tuy nhiên, danh mục dự án Chính phủ trình còn khá nhiều dự án được phân bổ vốn quá thấp so với tổng mức đầu tư, khó có khả năng hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Vì vậy, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị, đối với các dự án dự kiến bố trí vốn thấp, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cam kết bảo đảm tính khả thi của việc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ, không cho phép xử lý theo hướng “chỉ hoàn thành các hạng mục chính hoặc đưa dự án vào danh mục giãn, hoãn tiến độ” để tránh tiếp diễn tình trạng dự án dở dang, không hoàn thành, giãn, hoãn tiến độ, tạo gánh nặng cho việc cân đối, bố trí vốn đầu tư giai đoạn sau. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu, điều kiện về vốn để bảo đảm hoàn thành thì đề nghị trước mắt không phân bổ vốn.
Riêng với hai ngân hàng chính sách, Ủy ban Tài chính ngân sách thống nhất với đề xuất của Chính phủ, chỉ giao vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam sau khi Chính phủ báo cáo đánh giá mô hình, các khoản nợ đọng, hiệu quả hoạt động, định hướng phát triển, kế hoạch bố trí vốn điều lệ, chi phí quản lý, cấp bù chênh lệch lãi suất của ngân hàng theo đúng kết luận tại văn bản số 88 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng tình với đề xuất này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Chính phủ phải rà lại 294 dự án bố trí không đủ vốn, các dự án thiếu vốn đối ứng, các dự án chưa rõ nguồn vốn bởi những dự án này chưa đúng với các quy định hiện nay.
“Thường vụ Quốc hội đồng tình với đề nghị của Chính phủ tuy nhiên Chính phủ và Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm giám sát, cắt giảm, điều chỉnh quy mô, phân kỳ đầu tư để có thể hoàn thành được các dự án này trong giai đoạn 2017-2020. Các chủ tịch UBND tỉnh cũng phải chịu trách nhiệm về cam kết này. Nếu không ai đảm bảo cam kết và không chịu trách nhiệm thì loại bỏ khỏi danh mục phân bổ vốn”, ông Hiển kết luận.