Rà soát hoàn chỉnh đồ án thiết kế đô thị 2 bên của một số tuyến đường vành đai
Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành các Thông báo truyền đạt Kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng tại cuộc họp về việc Thiết kế đô thị 2 bên tuyến đường vành đai 3 đoạn đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển thuộc địa bàn các quận: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì và tuyến đường vành đai 2 (đường Trường Chinh) quận Thanh Xuân và quận Đống Đa.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, đối với tuyến đường vành đai 3, UBND thành phố giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị tư vấn hoàn thiện đồ án thiết kế đô thị rà soát kỹ việc cập nhật về quy hoạch, dự án, đất đai đã có và hiện trạng hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến đường; căn cứ Quy hoạch phân khu đô thị được duyệt và hiện trạng diện tích các khu đất để nghiên cứu đề xuất phù hợp thực tiễn.
Đối với các khu chung cư cũ cần nghiên cứu đảm bảo tổng thể, đồng bộ, đúng với các nguyên tắc yêu cầu tại Thông báo số 314/TB-UBND ngày 06/9/2016 và văn bản số 5621/UBND-ĐT ngày 30/9/2016 của UBND Thành phố về việc giao các đơn vị lập Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 để thực hiện cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời, rà soát, cập nhật hồ sơ quy hoạch dự án đường giao thông, không gian ngầm, đường sắt đô thị (thể hiện cụ thể vị trí, không gian, định hướng kiến trúc cảnh quan...); nghiên cứu đề xuất các dự án đầu tư xây dựng mới (kể cả dự án cải tạo) theo hướng hiện đại, kiến trúc xanh, thân thiện môi trường. Nâng cao chất lượng cảnh quan, cây xanh; quản lý, rà soát các chức năng sử dụng đất đảm bảo phù hợp Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu được duyệt.
Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật hai bên tuyến đường đảm bảo đủ điều kiện chất lượng về giao thông đô thị, vỉa hè, nhà chờ xe Buýt, vệ sinh công cộng, thu gom rác thải công cộng, biển báo, các tiện ích đô thị, buồng điện thoại công cộng, điểm ATM... Nội dung đề xuất thiết kế biển hiệu, biển quảng cáo thực hiện theo đúng các quy định của Thành phố và các quy định pháp luật hiện hành.
Cụ thể hóa từng vị trí cụ thể công trình (đánh số, thông số hiện trạng và quy định thiết kế cho công trình); các công trình cần thể hiện rõ chức năng, chỉ tiêu hiện trạng, quy hoạch được duyệt cập nhật và các nội dung đề xuất mới (nếu có).
Đề xuất hợp thửa, hợp khối các khu đất không đủ điều kiện tồn tại và để đảm bảo không gian hình khối kiến trúc công trình hợp lý; định hướng không gian quy hoạch, kiến trúc cho các công trình, cơ quan mặt đường (về cổng, cửa, tường rào, sân, vườn, cây xanh, màu sắc...).
UBND thành phố giao UBND các quận, huyện: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì chỉ đạo UBND các phường, xã và đơn vị liên quan trong công tác phối hợp rà soát hoàn chỉnh đồ án và trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức thực hiện triển khai xây dựng (trong đó có việc hợp khối, hợp thửa các khu đất) theo đúng Thiết kế đô thị tuyến đường được UBND Thành phố phê duyệt.
Đối với tuyến đường vành đai 2, UBND thành phố giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị tư vấn hoàn thiện đồ án thiết kế đô thị làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội về các nội dung đồ án có liên quan đến Dự án xây dựng đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng) đang thực hiện để xác định cụ thể các nội dung cập nhật Dự án; thống nhất các nội dung đề xuất điều chỉnh Dự án tuyến đường (nếu có), đề xuất, báo cáo UBND Thành phổ để xem xét, chỉ đạo theo quy định.
Bên cạnh đó, rà soát kỹ việc cập nhật về quy hoạch, dự án, đất đai đã có; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến đường; phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố rà soát, xem xét cơ sở pháp lý quy hoạch dự án nút giao Ngã Tư Vọng để đề xuất cập nhật (hoặc không cập nhật) trên cơ sở đảm bảo điều kiện pháp lý của hồ sơ Thiết kế đô thị.
Rà soát, cập nhật hồ sơ quy hoạch dự án tuyến đường trên cao (lưu ý hướng tuyến, các kích thước chiều rộng mặt cắt; cốt cao độ đáy, đỉnh tuyến đường; định vị, cao độ cầu vượt cho người đi bộ; vị trí các ga ngầm, điểm lên xuống ga ngầm...).
Ngoài ra, cần rà soát toàn bộ các quy hoạch, dự án hai bên đường trên sơ sở đảm bảo các quy định của Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng, chiều cao công trình hai bên đường đảm bảo thống nhất, hài hòa không gian kiến trúc cảnh quan toàn tuyến đường; đề xuất hợp thửa, hợp khối các khu đất không đủ điều kiện tồn tại và để đảm bảo không gian hình khối kiến trúc công trình hợp lý; định hướng không gian quy hoạch, kiến trúc cho các công trình, các cơ quan mặt đường (về cổng, cửa, tường rào, sân, vườn, cây xanh, màu sắc...).
Đồng thời, nghiên cứu thiết kế nâng cao chất lượng hạ tầng tuyến phố, đảm bảo thực hiện theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 2340/UBND-XDGT ngày 22/4/2016; cây xanh với chủng loại đảm bảo an toàn, phù hợp với tính chất tuyến đường vành đai; không biến tuyến đường này thành tuyến phố thương mại; việc cải tạo cảnh quan khu vực hồ Hố Mẻ bổ sung cây xanh, vườn hoa, không tổ chức dịch vụ, không làm giảm diện tích mặt hồ; hạn chế các chức năng tạo mật độ dân cư hai bên đường; chú ý tổ chức giao thông kết nối với các tuyến đường nhánh tránh gây ùn tắc giao thông; lưu ý vị trí các điểm nhà chờ xe Buýt; mẫu nhà chờ xe Buýt theo mẫu chung do Tổng Công ty Vận tải Hà Nội thực hiện.
UBND thành phố giao UBND các quận: Thanh Xuân, Đống Đa chỉ đạo UBND các phường và đơn vị liên quan trong công tác phối hợp rà soát hoàn chỉnh đồ án và trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức thực hiện triển khai xây dựng (trong đó có việc hợp khối, hợp thửa các khu đất) theo đúng Thiết kế đô thị tuyến đường được UBND Thành phố phê duyệt.